Canh bạc của nước Anh hay cả thế giới?
Anh đã dỡ bỏ hầu hết các biện pháp hạn chế nhằm ngăn chặn Covid-19 ngày 19/7, trong đó bao gồm cả quy định đeo khẩu trang bắt buộc và giãn cách xã hội. Dù vậy, Scotland, xứ Wales và Bắc Ireland vẫn tiếp tục thực hiện một số biện pháp hạn chế.
Thủ tướng Anh Boris Johnson trước đó đã gọi việc dỡ bỏ các lệnh hạn chế là "không thể đảo ngược". Tuy nhiên, chính sách mở cửa trở lại này đang bị khoảng một nhóm gồm hơn 1.200 nhà khoa học trên thế giới công khai chỉ trích.
Điều khiến các nhà khoa học lo ngại là những hệ quả có thể xảy ra của một xã hội không có các biện pháp phòng ngừa khi tỷ lệ lây nhiễm vẫn cao và mới có một phần dân số được tiêm vaccine. Ngoài ra, họ cũng đặt ra câu hỏi về việc liệu tình hình trên có thể định hình nên những cách thức tiến hóa mới của virus SARS-CoV-2 hay không.
"Nếu tôi thiết kế một thí nghiệm quy mô lớn để tạo ra một loại virus nguy hiểm hơn, loại virus mà có khả năng thoát khỏi các loại vaccine của chúng ta, tôi sẽ làm những điều như chính phủ Anh đang làm", Michael Haseltine, một nhà virus học và là chủ tịch tổ chức ACCESS Health International nhận định.
"Giữa lúc đại dịch đang hoành hành, một nửa dân số được tiêm vaccine sẽ cho phép virus học cách tránh khỏi các loại vaccine của chúng ta. Đó là điều tôi muốn nói và là điều mà phần còn lại của thế giới cần lo ngại", chuyên gia này đánh giá
Mỗi lần một người mắc Covid-19, virus sẽ từ một vài bản sao để nhân lên hàng trăm nghìn hoặc thậm chí hàng chục triệu bản sao trong hệ thống của chúng. Khi virus tự nhân lên, sẽ có khả năng xuất hiện một lỗi nhỏ trong bản sao và có thể vô tình trao cho virus lợi thế mới.
"Chúng ta đang tung xúc xắc mỗi lần ai đó mắc bệnh. Với quy mô dân số lớn và ngày càng nhiều ca mắc, chúng ta càng phải tung xúc xắc thường xuyên hơn. Bất kỳ quốc gia nào với nhiều người dân mắc bệnh cùng lúc đều là một mối lo ngại và đó rõ ràng là lý do tại sao phần còn lại của thế giới vẫn đang dõi theo nước Anh", Charlotte Houldcroft, nhà khoa học nghiên cứu về sự tiến hóa của virus tại Đại học Cambridge cho hay.
Cho tới cuối ngày 29/7, đã có 204.669 người dương tính với virus SARS-CoV-2 ở Anh, giảm 37% so với tuần trước đó.
Người phát ngôn chính phủ Anh cho biết sẽ không có sự thay đổi trong lập trường của chính phủ về quyết định dừng các biện pháp hạn chế.
Ông Charlotte Houldcroft trao đổi với CNBC rằng, hiện chưa rõ virus sẽ phản ứng thế nào trước "sức ép miễn dịch của nhiều người đã được tiêm vaccine".
"Các loại vaccine có hiệu quả cao trong việc ngăn ngừa các ca mắc mới. Tuy nhiên, chúng cũng đang đặt ra sức ép chọn lọc lớn đối với virus, vì thế, bất kỳ virus nào cũng có thể tạo ra một đột biến khiến chúng có khả năng lây lan ở những người đã tiêm vaccine".
Christina Pagel, giám đốc Đơn vị Nghiên cứu Thực hành Lâm sàng thuộc Đại học College London nhận định với CNBC rằng, "có một rủi ro khá lớn" về sự xuất hiện của biến thể kháng vaccine tại Anh sau quyết định dỡ bỏ các lệnh hạn chế của chính phủ.
"Toàn bộ châu Âu, Mỹ và Canada, những nơi có số ca mắc không ngừng tăng lên này, đều đang ở trong cùng một hoàn cảnh và một biến thể kháng vaccine có thể xuất hiện ở bất kỳ nơi nào trong số đó", nhà nghiên cứu này cho hay, đồng thời đánh giá, một biến thể như vậy "thực sự có thể đột nhiên xuất hiện" ở những quốc gia và thành phố đông dân có tỷ lệ tiêm vaccine cao.
Việc nối lại các hoạt động di chuyển quốc tế cũng khiến khó kiểm soát những đột biến của virus SARS-CoV-2 hơn, chuyên gia Pagel cảnh báo. Tại một hội nghị vào đầu tháng 7, chuyên gia này cho rằng do vị trí của Anh là một trung tâm đi lại toàn cầu nên bất kỳ biến thể nào vượt trội ở Anh đều có thể lây lan ra phần còn lại của thế giới.
"Chúng ta đã chứng kiến điều này với biến thể Alpha nên tôi hoàn toàn chắc chắn rằng điều đó đã gây ra sự gia tăng biến thể Delta ở khắp châu Âu và Bắc Mỹ".
Nhận định với CNBC, bà Pagel bình luận bà muốn thấy các quốc gia hợp tác với nhau hơn trong việc kiểm soát biên giới, đồng thời cho biết, tại châu Âu, một số nước đã cấm người Anh nhập cảnh trong khi các nước khác vẫn chào đón các du khách này.
Tuần lễ sau khi dỡ bỏ hạn chế là tuần lễ bận rộn nhất của các hãng hàng không và sân bay ở Anh kể từ khi đại dịch bùng phát. Sân bay Heathrow của London cho biết, ước tính có khoảng 60.000 hành khách xuất phát mỗi ngày, trong khi Sân bay Gatwick có khoảng 250 chuyến bay mỗi ngày. Vào giữa giai đoạn khủng hoảng, số lượng chuyến bay từng giảm xuống chỉ còn 15 chuyến một ngày tại Gatwick, BBC đưa tin.
Trong khi đó, chính phủ Anh thông báo hôm 28/7 rằng các chuyến đi trên biển quốc tế sẽ được phép nối lại từ 2/8. Hành khách từ các quốc gia trong "danh sách hổ phách", những người đã được tiêm đầy đủ vaccine tại Mỹ hoặc châu Âu sẽ được miễn cách ly tại Anh.
Chuyên gia Pagel nhận định, việc cho phép những người đã được tiêm vaccine bỏ qua giai đoạn cách ly "không phải một ý hay" bởi những người được tiêm vaccine nhiễm biến thể Delta vẫn có thể lây lan virus dễ dàng.
"Điều chúng tôi lo ngại là Covid-19 có thể ảnh hưởng đến những người đã được tiêm vaccine. Chúng ta hãy hy vọng rằng chúng ta may mắn và cho tới nay chưa có biến thể nào hoàn toàn kháng vaccine. Chúng ta chỉ có thể chờ đợi và xem xét liệu cuối cùng biến thể đó có xuất hiện ngẫu nhiên hay không".
Cuộc chiến với “hàng trăm triệu năm tiến hóa”
Trao đổi với CNBC, chuyên gia Haseltine cho rằng, biến thể kháng vaccine đã xuất hiện.
"Đó chính là Delta. Vaccine chưa bao giờ có hiệu quả 100% trước chủng virus đầu tiên nhưng sự xuất hiện của các biến thể mới đã khiến hiệu quả mới của chúng suy giảm".
Tuần trước, Bộ Y tế Israel cho biết, vaccine Pfizer/BioNTech chỉ có hiệu quả 39% trước biến thể Delta, song vẫn lưu ý rằng vaccine này đang cung cấp sự bảo vệ mạnh mẽ nhằm ngăn các ca bệnh nặng và tử vong.
"Chúng ta chưa tiến gần đến giới hạn tồi tệ của virus này. Họ hàng của nó, virus gây nên dịch bệnh MERS, đã khiến cứ 3 người mắc bệnh thì có 1 người tử vong. Vì thế, virus này có thể trở nên tồi tệ hơn nhiều. Virus có rất nhiều công cụ khác nhau có thể tùy ý sử dụng và nếu cần phải khiến cho người bệnh chết để lây nhiễm, nó sẽ làm như vậy".
Dịch bệnh MERS, xuất hiện ở Saudi Arabia năm 2012 đã lây nhiễm cho ít nhất 2.494 người ở 27 quốc gia. Theo WHO, MERS đã khiến 858 người tử vong, tức là tỷ lệ tử vong của nó ở khoảng 35%. Dù vậy, MERS ít lây nhiễm hơn nhiều so với Covid-19.
"Đây là những sinh vật rất cổ xưa. Chúng ta đang chiến đấu với hàng chục hoặc hàng trăm triệu năm tiến hóa khi đang cố gắng hiểu và dự đoán những điều sẽ xảy ra. Những virus này có khả năng thao túng hệ miễn dịch của chúng ta", ông Haseltine nói.
Cho tới nay, nhà nghiên cứu Hasetline đã tìm ra ít nhất 35 cách khác nhau mà virus SARS-CoV-2 có thể thoát khỏi hệ miễn dịch của con người, song ông cho biết virus này "vẫn chưa làm được điều đó".
"Nó giống như một kẻ trộm đột nhập vào nhà của bạn và tắt chuông cảnh báo. Công việc duy nhất của nó là lấy trộm đồ, thoát ra ngoài và tiếp tục sang nhà tiếp theo. Bạn càng dựng lên nhiều rào chắn thì chúng càng trở nên thông minh hơn. Tôi không lạc quan để cho rằng chúng ta đã ở giai đoạn cuối của quá trình biến chủng và tôi khá chắc chắn về việc những biến thể mới đang sẵn sàng ở ngoài kìa".