Bức tranh trái ngược của “hai nước Mỹ” trong đại dịch Covid-19

Hoàng Phạm, Theo VOV 11:23 02/08/2021

Có “hai nước Mỹ”: Một của những người chưa tiêm chủng và một của những người đã tiêm chủng vaccine Covid-19. Số ca tử vong và nhập viện giữa 2 nhóm này có sự khác biệt đáng kể.

Trong những tuần gần đây, có một chỉ số khiến nhiều người quan tâm: 99,5% số người tử vong do Covid-19 ở Mỹ là những người chưa tiêm vaccine .

Kể từ khi đại dịch bùng phát, các chuyên gia y tế cộng đồng đã bày tỏ lo ngại về điều có thể xảy ra nếu có một bộ phận dân số Mỹ, vì lý do nào đó, không tiêm vaccine ngừa Covid-19. Câu trả lời đã rất rõ ràng với sự khác biệt của “hai nước Mỹ”.

“Hai nước Mỹ” trong chiến dịch tiêm chủng

Đến giữa tháng 7, Mỹ đã tiêm chủng đầy đủ vaccine ngừa Covid-19 cho hơn 160 triệu người - chưa đến 50% dân số.

Dù các loại vaccine ngừa Covid-19 tại Mỹ đã không còn khan hiếm nữa, nhưng trong những tuần gần đây, tỷ lệ tiêm chủng đã chậm lại đáng kể. Nếu như đầu tháng 4, các nhân viên y tế Mỹ tiêm chủng khoảng 4 triệu mũi/ngày, thì hiện nay, con số này chỉ mở mức 450.000 mũi/ngày.

Trong chiến dịch tiêm chủng những tháng qua, nước Mỹ đã bị chia rẽ. Như Giám đốc Viện dịch bệnh truyền nhiễm và dị ứng quốc gia Mỹ, bác sĩ Anthony Fauci mô tả, có “hai nước Mỹ” - một của nhóm người đã tiêm chủng và một của nhóm chưa tiêm chủng. “Hai nước Mỹ” này bị chia rẽ theo địa lý và cả quan điểm chính trị.

Tỷ lệ tiêm chủng sẽ tiếp tục tăng, dù chậm, khi các khu vực nông thôn được tiếp cận tốt hơn với vaccine và tích cực gửi thông điệp thuyết phục những người còn do dự nên đi tiêm chủng.

Tuy nhiên, theo dữ liệu khảo sát từ cuối tháng 6 đến đầu tháng 7, hơn 10% những người trưởng thành (từ 18 tuổi trở lên) nói rằng họ có thể không hoặc kiên quyết không tiêm vaccine ngừa Covid-19. 5% số người được hỏi cho biết họ vẫn chưa chắc chắn về quyết định của mình. Điều này cho thấy vẫn sẽ có một phần lớn trong dân số không tiêm chủng.

Nước Mỹ nào an toàn hơn?

Những người chưa tiêm chủng là nhóm đối tượng dễ bị virus SARS-CoV-2 tấn công hơn, đặc biệt là biến thể Delta. Các ca nặng phải nhập viện và tử vong ở nhóm người chưa tiêm chủng đã cho thấy rõ điều này.

Giám đốc Trung tâm ngăn ngừa và kiểm soát dịch bệnh (CDC) Mỹ, bà Rochelle Walensky cho biết, 97% số ca phải nhập viện và 99,5% các ca tử vong do Covid-19 gần đây tại Mỹ là những người chưa tiêm chủng.

“Những trường hợp tử vong này hoàn toàn có thể ngăn ngừa được với một mũi tiêm an toàn và đơn giản”, bà nói.

Tại bang Maryland, tất cả các bệnh nhân tử vong do Covid-19 trong tháng 6 là những người chưa tiêm chủng.

Một phân tích của AP cho thấy, 98,9% số ca Covid-19 phải nhập viện trong tháng 5 tại Mỹ là những người chưa tiêm chủng.

Giám đốc Cơ quan y tế Los Angeles gần đây cũng nhấn mạnh rằng, tất cả các ca mắc Covid-19 phải nhập viện ở thành phố này là những người chưa tiêm chủng.

Sự chênh lệch gấp 10 lần giữa Missouri và Massachusetts

Rất khó để có dữ liệu tổng quan về số ca mắc Covid-19 giữa nhóm người chưa tiêm chủng với nhóm đã tiêm chủng. Điều này một phần là do CDC chuyển đổi trọng tâm hồi tháng 5/2021, theo đó tập trung vào các ca mắc Covid-19 phải nhập viện ở những người đã tiêm vaccine hơn so với các trường hợp khác.

Tuy nhiên, có thể so sánh các chỉ số giữa 2 bang có chênh lệch lớn trong tỷ lệ tiêm chủng để thấy sự khác biệt của “hai nước Mỹ”.

Bang Missouri có tỷ lệ tiêm chủng là 40%. Ở một số quận, tỷ lệ tiêm chủng thậm chí chỉ ở mức 14,7%. Không có gì ngạc nhiên khi bang này chứng kiến số ca mắc Covid-19 tăng đột biến khoảng giữa tháng 7, với 2.000-3.000 ca/ngày.

Số ca mắc Covid-19 phải nhập viện tăng cao khiến một số bệnh viện tại Missouri hết máy thở và giường chăm sóc tích cực.

Trái ngược với bang Missouri là bang Massachusetts. Tỷ lệ tiêm chủng tại Massachusetts là 63%. Dù số ca mắc Covid-19 tại bang này cũng gia tăng, nhưng chỉ ở mức 200-300 ca/ngày, chỉ bằng 1/10 so với bang Missouri.

Số ca Covid-19 phải nhập viện ở Massachusetts cũng giảm 95% kể từ tháng 1/2021.

Tính đến 20/7, Missouri có 1.357 bệnh nhân Covid-19 phải nhập viện, gấp gần 13 lần so với 106 bệnh nhân ở Massachusetts, mặc dù Missouri có dân số nhỏ hơn và mật độ cũng thưa hơn so với bang Massachusetts.

Đại dịch Covid-19 sẽ không biến mất nếu còn nhiều người chưa tiêm chủng

Với phần lớn dân số Mỹ vẫn chưa tiêm vaccine, đại dịch Covid-19 sẽ không biến mất trong tương lai gần. Mỹ sẽ tiếp tục ghi nhận sự bùng phát dịch bệnh ở những khu vực có tỷ lệ tiêm chủng thấp.

Cho dù người dân ở những khu vực có tỷ lệ tiêm chủng thấp gấp rút đi tiêm chủng khi dịch bệnh bùng phát, cũng phải mất khoảng 1 tháng vaccine mới tạo hiệu quả miễn dịch mạnh mẽ.

Chừng nào virus SARS-CoV-2 còn lây lan ở Mỹ, nhóm người chưa tiêm chủng sẽ tiếp tục phải hứng chịu những tác động nguy hiểm của Covid-19.

Bên cạnh đó, trong khi virus lây lan ở những người chưa tiêm chủng, nó cũng vẫn lây lan ở những người đã tiêm chủng, dù ở mức thấp.

Dù phần lớn những người đã tiêm chủng khi mắc Covid-19 sẽ không diễn biến nặng, theo CDC, tính đến giữa tháng 7, hơn 5.000 người đã tiêm chủng, chủ yếu là những người trên 65 tuổi, đã phải nhập viện và 1.000 người đã tử vong.

Đây là những con số đáng buồn, nhưng vẫn chỉ là một phần nhỏ so với số trường hợp nhập viện và tử vong ở những người chưa tiêm chủng.

Trong bối cảnh các loại vaccine được tiêm chủng miễn phí và nguồn cung không còn khan hiếm như trước đây nữa, đối với phần lớn người Mỹ, đó là lựa chọn muốn trở thành một phần của nước Mỹ chưa tiêm chủng hay một phần của nước Mỹ đã tiêm chủng?