Amala (tên nạn nhân đã được thay đổi), cô gái 22 tuổi tại Malaysia nhớ lại cái ngày chiếc điện thoại của cô hiện thông báo liên tục, với những yêu cầu theo dõi không ngớt từ cánh đàn ông trên Instagram.
"Bụng tôi quặn lại khi nhận thấy điều gì đang xảy ra" - cô kể lại. Một anh bạn sau đó đã cho cô biết, các bài đăng và tên tài khoản Instagram của cô đã bị gửi vào một nhóm chat trên ứng dụng Telegram có tên V*K, với hơn 40.000 thành viên bên trong.
"Tôi thấy buồn nôn và gần như mất phương hướng, chắc cũng giống như bất kỳ ai rơi vào tình cảnh này."
V*K cũng chỉ là một trong số hàng trăm nhóm chat tương tự xuất hiện trên các ứng dụng trò chuyện như Telegram. Trên thực tế, Telegram vốn nổi tiếng là một ứng dụng có tính bảo mật cao, thậm chí tránh được chuyện rò rỉ dữ liệu đến các cơ quan chức năng. Nhưng cũng chính bởi như vậy, nó bị lợi dụng làm nơi để chia sẻ những nội dung độc hại, vi phạm pháp luật.
Trang SCMP đã tiến hành phân tích hàng trăm bài đăng trên các hội nhóm của Telegram, và họ tìm thấy những nội dung đáng sợ đến cùng cực: gồm ảnh nóng và các video quay lén của phụ nữ lẫn trẻ em, được chia sẻ một cách đầy thản nhiên.
Telegram, ứng dụng được lập ra bởi 2 anh em người Nga Pavel và Nikolai Durov, cho phép người dùng chia sẻ thông tin đến nhiều người khác thông qua các kênh chat (channel). Nó ngày càng trở nên phổ biến, với việc là một ứng dụng mã hóa nhằm ngăn thông tin bị rò rỉ. Tuy nhiên, sự chỉ trích nhắm đến ứng dụng này cũng ngày càng lớn hơn, khi có quá nhiều kênh chat biến chất thành nơi chứa chấp các hoạt động xấu, từ khủng bố, lừa đảo, cho đến lạm dụng tình dục.
SCMP đã tiến hành điều tra hơn 20 kênh chat như vậy, trong đó có những kênh chia sẻ nội dung liên quan đến ấu dâm. Các kênh nhóm này có thể dễ dàng tìm ra chỉ bằng một vài từ khóa, hoặc từ các đường link mời gọi gia nhập. Người dùng bên trong chia sẻ những video, ảnh nóng của phụ nữ mà không có sự đồng thuận. Thông tin cá nhân của các nạn nhân - bao gồm số điện thoại và địa chỉ mạng xã hội, thậm chí cả địa chỉ cư trú - cũng được tung lên.
Như kênh chat có tên "G**** Mel***" (tiếng Malaysia, có nghĩa "Gái Malay"), có hàng chục tin nhắn chia sẻ ảnh cơ thể của phụ nữ và trẻ em. Đến đầu tháng 6/2021, kênh chat có khoảng 2800 thành viên, chia sẻ hơn 1500 hình ảnh và 915 video 18+. Ít nhất 20 đoạn chat bao gồm hình ảnh ấu dâm.
Các phóng viên của SCMP đã tiến hành báo cáo vi phạm kênh chat cho Telegram vào ngày 7/5, nhưng đến nay vẫn chưa có bất kỳ động thái nào ngăn chặn. Trái lại, nội dung được chia sẻ ngày càng dày thêm. Như ngày 11/5, nguyên một bộ sưu tập ảnh và video nóng của trẻ em được đăng trong kênh này, thậm chí có cả giá tiền và thông tin liên lạc dành cho những ai muốn tiếp cận.
Phẫn nộ hơn, người tạo ra những hình ảnh ấy đôi khi lại là chính người thân của các em. Tại những quốc gia như Philippines - nơi hàng triệu gia đình mất thu nhập vì đại dịch Covid-19, nhiều bậc cha mẹ sẵn sàng bán con mình lên mạng lấy tiền, để chúng trở thành đối tượng bị lạm dụng tình dục.
Một bản tố cáo khác được gửi đến IWF (Tổ chức Giám sát Internet) - nơi chịu trách nhiệm tìm kiếm và loại bỏ các nội dung liên quan đến ấu dâm trên Internet. Họ phản ứng rất nhanh, nhưng bi kịch là không làm được gì nhiều.
"Chúng tôi biết có những chương trình chia sẻ hình ảnh, và chúng bị lợi dụng để tấn công tình dục" - trích trong thư trả lời của IWF với các phóng viên của This Week In Asia. Tuy nhiên, họ không có thẩm quyền để điều tra từng cá nhân sử dụng Internet, cũng như các tư liệu họ đang sở hữu.
"Hiện tại lĩnh vực này chỉ do cảnh sát nắm giữ. Chúng tôi chỉ có thể điều tra nội dung trên các máy chủ công khai."
Dẫu vậy, IWF đã phải xử lý gần 300.000 báo cáo về hình ảnh liên quan đến ấu dâm trong năm 2020. Số lượng hình ảnh, video "tự tạo" cũng tăng lên chóng mặt - tới 77%, khi ngày càng nhiều tội phạm và trẻ em dành nhiều thời gian trên mạng hơn trong thời điểm dịch bệnh căng thẳng.
Các đoạn video đa phần được ghi lại bằng webcam - thường ở ngay trong phòng của trẻ. Một số trường hợp, trẻ em bị lừa, bị dụ dỗ để tự mình quay những thước phim gợi dục rồi gửi cho chúng. Theo các chuyên gia, hiện tại có quá ít nghiên cứu về bảo vệ trẻ em trên không gian mạng tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, khi có quá nhiều quốc gia thiếu đi các chương trình giáo dục giới tính đúng nghĩa.
Không chỉ là các nội dung người lớn, một số kênh chat của Telegram còn là nơi chia sẻ những hình ảnh đời thường của phụ nữ. Địa điểm thì vô vàn, từ bãi biển cho đến bể bơi, phòng tập... bất luận có được chấp thuận từ nạn nhân hay không.
Như một nhóm chat có tên "Mysgg****" với hơn 4000 người tham gia, có rất nhiều hình ảnh và video về phụ nữ và trẻ em gái - một số em còn đang mặc đồng phục đi học. Các video quay lén dưới váy (upskirt) cũng xuất hiện, kèm theo lời cảnh báo của chủ kênh là bất kỳ ai cảm thấy khó chịu có thể rời đi, đừng báo cáo vi phạm.
Một số kênh thậm chí còn hướng dẫn người tham gia cách để tránh được chính quyền và các nhà hoạt động nhân quyền. "Đừng để lộ bất kỳ danh tính nào. Hãy thay ảnh đại diện, thay tên tài khoản, và quan trọng nhất là đừng bị lậm quá. Luôn chuẩn bị tinh thần xóa tài khoản bất kỳ lúc nào" - trích tin nhắn hướng dẫn của tài khoản trong một kênh chat có tên "Love Uni***". Tin nhắn này sau đó đã được xóa đi.
"Vitamin*Tes*****" - một nhóm chat với hơn 19.000 thành viên đã chia sẻ hơn 15.000 ảnh và 6000 video tại Malaysia, các thành viên thậm chí còn liên tục xin ảnh nóng của một số nạn nhân cụ thể. Có những người sẵn sàng bán ảnh và video từ bạn gái cũ của mình. Cũng có người đưa ra lời cảnh báo không nên làm như vậy, sau khi phát hiện đã có nạn nhân đệ đơn tố cáo lên cảnh sát.
Về phần Telegram, ứng dụng này dường như khá tích cực trong việc ngăn chặn người dùng tham gia các hội nhóm như vậy, nhưng chủ yếu chỉ có thể can thiệp với người dùng iPhone. Như kênh chat mang tên "Sg Nasi Le*** Official" từ Singapore, người dùng iPhone khi truy cập sẽ chỉ thấy dòng chữ "Kênh chat này không thể hiện vì được dùng để lan truyền nội dung khiêu dâm".
Người dùng thiết bị chạy Android thì dường như tự do hơn, không bị can thiệp nhiều. Hơn nữa, vẫn có những cách để lách luật.
"Nếu như tải ứng dụng trực tiếp từ website thay vì App Store, bạn vẫn có thể truy cập các kênh chat bị cấm. Hơn nữa, có vẻ như lý do duy nhất khiến Telegram chặn các hội nhóm này là vì họ không muốn bị gỡ trên App Store mà thôi" - nhà nghiên cứu người Ý Silvia Semenzin từ ĐH Amsterdam cho biết.
Nhà chức trách cũng đã ra tay. Tháng 10/2019, 4 người đàn ông bị bắt giữ vì lập ra kênh "Sg Nasi Le*** Official", trong đó có rất nhiều video và hình ảnh về phụ nữ Singapore. Admin của kênh là một người đàn ông 39 tuổi, đã bị giam 9 tuần cùng khoản tiền phạt lên tới 400 triệu đồng. 2 admin khác mới chỉ 18 và 20 tuổi, bị buộc điều trị tâm lý trong vòng 1 năm.
Dẫu vậy, đã có một kênh "Sg Nasi Le*** Official" khác được lập ra để thay thế. Thậm chí, kênh này còn ngang nhiên quảng bá các nội dung "cao cấp" (premium), yêu cầu người dùng muốn tham gia phải trả hơn 88 đô Sing mỗi tháng, và 850 đô/năm (tương đương 1,5 triệu và gần 20 triệu đồng tiền Việt), được quy đổi ra bitcoin.
Nội dung của kênh này bao gồm các hình ảnh và video quay lén, cùng thông tin của các nạn nhân - bao gồm tên và tài khoản Instagram.
Một số ý kiến cho rằng các chính sách và quy định của chính phủ đang trở nên khá lạc hậu để đối phó với sự tiến hóa của công nghệ. Những bức ảnh chụp lén, video nhạy cảm không đồng thuận không chỉ xuất hiện trên mạng xã hội và ứng dụng nhắn tin, mà còn xuất hiện trên nhiều nền tảng khác nữa, như Discord (vốn dành cho cộng đồng game thủ).
Cùng với phong trào #MeToo - khi phụ nữ trên toàn thế giới đứng lên phản đối các hành vi xâm hại tình dục và quay lén, ngày càng nhiều nạn nhân đứng ra lên tiếng. Soma Sara - một nhà nghiên cứu tại Anh đã lập tra website Everyone’s Invited, trở thành nơi phát động các chiến dịch chống lại văn hóa cưỡng hiếp. Ở đó có hàng ngàn câu chuyện do các nạn nhân bị tung ảnh nóng chia sẻ, với rất nhiều thành viên là học sinh từ các trường tư thục nổi tiếng Anh Quốc.
Những chia sẻ ấy tố cáo rằng đã có các học sinh lập ra hội nhóm trên mạng xã hội và ứng dụng nhắn tin để trao đổi ảnh nóng. Nhưng khi tố cáo lên nhà trường, có rất ít biện pháp xử lý được đưa ra, trong khi hình phạt dành cho những kẻ vi phạm là rất thấp.
"Tụi con trai có những nhóm chat để chia sẻ ảnh nóng của phụ nữ. Nhà trường biết, nhưng hình phạt đưa ra rất nhẹ" - trích một chia sẻ của nạn nhân là học sinh của một trường nổi tiếng tại Anh.
Tại Ấn Độ năm 2020, nhà chức trách từng lật tẩy một nhóm chat trên Instagram có đến 27 thanh thiếu niên tại các trường top đầu ở New Delhi tham gia chia sẻ ảnh nóng của trẻ em, kèm theo là những bình luận đầy khiếm nhã. Nhóm này bị phá sau khi một vài hình ảnh đoạn chat trong đó bị lộ ra ngoài và được chia sẻ rộng rãi trên mạng xã hội.
Shubham Singh - nhà sáng lập Học viện Cyber World, nằm trong số chuyên gia an ninh mạng đầu tiên tiến hành xâm nhập vào một nhóm kín mang tên "Bois Locker ****". Ít nhất có 2 nạn nhân đã nhờ Singh tìm cách gỡ bỏ hình ảnh của họ trong nhóm này thay vì báo cảnh sát, vì sợ rằng làm vậy chỉ khiến sự chú ý của lũ người trong đó hướng vào họ nhiều hơn.
"Một nạn nhân bảo tôi rằng ảnh của cô bé đã bị chỉnh sửa và đăng vào nhóm" - Singh kể lại. "Có trường hợp khác, một thành viên nam của nhóm đã đăng ảnh nóng của bạn gái cũ - do chính cô gái chia sẻ khi họ còn hẹn hò. Nạn nhân cho biết tên bạn trai cũ đã dọa sẽ tung số ảnh ấy lên mạng nếu chia tay gã."
Trong quá trình điều tra, Singh phát hiện nhiều nhóm chat kín có nội dung tương tự nhau, và gặp ít nhất 30 trường hợp bắt nạt trực tuyến mỗi ngày. Ông cho biết nhiều thành viên ở đó tin rằng việc bắt nạt và chia sẻ nội dung nhạy cảm chỉ là một hình thức để giải trí.
SCMP tiếp cận với một sinh viên 19 tuổi nằm trong nhóm chat ấy. Cậu sinh viên cho biết phần lớn nội dung của nhóm là các cuộc thảo luận về những mong đợi đầy nhục dục mà tụi con trai kỳ vọng vào con gái. Cậu còn thừa nhận rằng có những thành viên còn đăng ảnh của trẻ vị thành niên, hoặc chỉnh sửa ảnh để đăng vào. Dĩ nhiên là chỉnh sửa theo hướng rất kích động.
Anyesh Roy, phó uỷ viên đơn vị an ninh mạng của sở Cảnh sát New Delhi chia sẻ, admin của nhóm này đã bị bắt giữ, nhưng được tại ngoại trước khi ra tòa, và đã được thả ra trong năm qua. Những chiếc điện thoại thu giữ được đã được chuyển vào phòng thí nghiệm để điều tra sâu hơn.
"Chúng tôi đang chờ đợi kết quả. Không phải ai trong nhóm cũng tham gia vào các công việc phạm pháp. Nhưng nhìn chung, chúng tôi sẽ hành động."
Việc quay lén và tung ảnh nóng lên mạng đã là một vấn đề nổi cộm tại Hàn Quốc trong nhiều năm qua, khi một số ngôi sao nổi tiếng của Kpop thậm chí đã phải tự tử. Năm 2018, hàng vạn phụ nữ đã tham gia tuần hành tại Seoul, tay giương cao biểu ngữ "My Life is Not Your Porn" (tạm dịch: Cuộc sống của tôi không phải là phim khiêu dâm của các người) nhằm phản đối và yêu cầu hành động chống lại văn hóa quay lén ở quốc gia này.
Rất nhiều trang web người lớn và nền tảng chia sẻ hình ảnh đã bị đóng cửa tại Hàn Quốc sau áp lực từ dư luận. Tuy nhiên, những phòng chat được mã hóa với máy chủ từ nước ngoài lại nổi lên thay thế.
Để đối phó, nhà chức trách Hàn Quốc trong năm 2020 đã có quyết định khá bất thường, đó là công bố danh tính của thanh niên 24 tuổi là chủ một đường dây tống tiền bằng ảnh và video nóng thông qua kênh chat của Telegram. Cho Ju-bin là người điều hành các nhóm này, đã trục lợi từ các nạn nhân (với rất nhiều là trẻ vị thành niên) bằng việc đe dọa tống tiền và đăng tải ảnh nóng nếu không trả.
Cho bị kết án 45 tù giam, trong khi đồng phạm là Moon Hyung-wook cũng phải chịu án tù 34 năm. Các đồng phạm liên quan đang trong quá trình xét xử.
2 nữ sinh đại học tại Hàn Quốc - Bul và Dan (tên đã được thay đổi) là những người đầu tiên đứng ra điều tra các nhóm này. Nhưng dù có được cảnh sát hậu thuẫn điều tra và loại bỏ, các kênh phi pháp này vẫn ngang nhiên tồn tại, không có dấu hiệu sụt giảm hoạt động.
"Chúng tôi không nghĩ mọi chuyện sẽ kết thúc, vì có tới hàng ngàn, hàng vạn người theo dõi, cũng như vô số hình ảnh và video nhạy cảm đang bị chia sẻ" - Bul, vốn là một phóng viên trẻ tuổi lên tiếng. "Chúng bảo nhau 'nên tiếp tục sau khi mọi chuyện lắng xuống'. Vậy nên chúng tôi nghĩ mình vẫn nên để mắt đến và khiến chúng bị trừng phạt."
Bul và Dan hiện cũng đang theo dõi một số kênh chat bằng tiếng Trung, trong đó chia sẻ các nội dung xấu từ Hàn Quốc và cả Trung Quốc. "Chúng tôi đã có nằm vùng trong 4 nhóm chat, một trong số đó có hơn 30.000 thành viên" - Dan cho biết.
Theo Bul, những gì họ làm chỉ vạch trần phần nào bức tranh toàn cảnh của sự việc. "Mọi người thường nghĩ chỉ những kẻ thất bại mới làm vậy, và chuyện chẳng liên quan đến họ. Nhưng thực tế là rất nhiều người quanh chúng ta có thể trở thành nạn nhân."
Tại Malaysia, tổ chức nữ quyền CybHer cho biết thành viên của họ cũng đã nằm vùng tại vô số các nhóm hội, và phải chịu khá nhiều rủi ro. Nhưng điều đau khổ nhất là việc phát hiện ra "bạn bè, người yêu, anh trai, thậm chí cả bố đẻ của mình là thành viên của nhóm."
Sau khi triệt phá một số nhóm trong năm 2020, phần lớn các kênh chat trở nên im ắng - giống như những gì xảy ra tại Hàn Quốc. Nhưng có lẽ chẳng mất bao lâu, có những nhóm mới xuất hiện để thay thế, và lại rộ lên một lần nữa.
"Những gì chúng ta học được là chúng cần phải được theo dõi thường xuyên" - trích lời Nicole Jo Pereira, một nhà hoạt động tại Malaysia. "Để không ai trở thành nạn nhân nữa."