Thân làm sếp, gánh trên vai trách nhiệm nặng nề, mỗi ngày có tới 999 công việc và vấn đề phải giải quyết, chỉ mong nhân viên đừng bao giờ là vấn đề thứ 1000.
Ấy thế mà, trên đời này lại có những 1001 kiểu nhân viên có vấn đề. Vì không ai là hoàn hảo mà, bạn biết đấy.
Nhân viên lười. Nhân viên kém. Nhân viên “thùng rỗng kêu to". Nhân viên drama gây sóng gió. Đây đều là những kiểu nhân viên khá có vấn đề, dù vậy để giải quyết mấy anh chị này không khó. Một vài cái mail phạt, nắn gân một chút, thêm tí kỷ luật chắc cũng xong.
Tuy nhiên, vẫn tồn tại một kiểu nhân viên đáng sợ hơn tất thảy, kiểu nhân viên khiến bạn thường xuyên bó tay không biết phải làm thế nào, làm bạn phát điên lên trong vô vọng.
Đó là kiểu nhân viên chẳng buồn quan tâm đến những gì bạn nói. Xin được đặt cho họ một cái tên: nhân viên “tảng đá". Và bạn, một người sếp, sẽ giống như đang đứng trước một tảng đá, cáu giận nạt nộ đến mức nào thì những gì bạn nhận lại chỉ là sự bực tức và tiếng quát tháo của chính bạn mà thôi.
Hãy đến với câu chuyện của anh Đông.
Anh Đông hiện đang là trưởng một bộ phận khá lớn, dưới anh có mấy cô cậu nhân viên gọi là cũng được, duy chỉ có một cậu nhân viên trong này làm anh hơi mệt đầu.
Cậu này đúng kiểu gọi dạ bảo vâng. Và đúng chính xác là “gọi dạ bảo vâng”, tức là khi nào gọi thì dạ, khi nào truyền xong chỉ thị thì lại vâng. Tuyệt nhiên không cãi, không ý kiến ý cò, không vặn vẹo lại cũng không thái độ bao giờ. Các bạn sẽ đánh dấu hỏi là tại sao một cậu nhân viên như vậy lại khiến anh sếp Đông của chúng ta mệt đầu?
Chính là bởi cái sự gọi dạ bảo vâng ấy của cậu ta.
Cậu này nếu không chỉ tận tay, day tận trán thì chả hiểu tâm hồn cậu ta đang ở phương nào, mặc dù vẫn ngồi lù lù ngay trước mặt sếp. Tình hình công việc ra sao, vướng mắc ở đâu, thành quả như thế nào, cậu cũng nhất quyết không bao giờ lên tiếng nếu không được hỏi, không bao giờ.
Thảo luận công việc trong group? Cả team 10 người 9 người hùn vào góp ý, riêng cậu kệ. Hỏi thì cậu trả lời, không thì cậu cứ yên tâm mà làm việc khác, đến khi chốt xong, phân chia công việc, nhận tráp làm việc thì cậu lại im im làm việc mình được giao.
Không có gì khiến một người sếp trở nên mệt mỏi và vô vọng hơn khi dồn hết tâm sức chat cả một đoạn dài về những ý tưởng mới cần được hiện thực hoá, "tag" hay "mention" đủ cả team trong đó có cậu chàng này, nhưng đáp lại là một khoảng không hun hút vô tận. Hoạ năm hoạ mười thì đến sáng hôm sau sẽ là một tiếng “vâng" hững hờ nhạt nhẽo, không phát triển thêm cũng chẳng buồn phản bác.
Đỉnh điểm nhất làm cho anh Đông phát điên lên là khi anh thẳng thắn phê bình cậu này vì cậu thản nhiên chậm deadline việc quan trọng mà không hề đưa ra lý do nào thuyết phục. Dòng chat của anh chắc đo dài cỡ cả gang tay, mỗi lần chat phải 3-4 dòng có lẻ, nhưng mãi mới thấy một dòng hồi đáp của cậu nhân viên, vỏn vẹn chữ “Vâng", hoặc “Vâng ạ", hoặc “Em biết rồi ạ". Cảm giác như đang mắng một hòn đá không hơn không kém, không cảm xúc, không biết hối lỗi không, cũng không thèm phản ứng cãi cự lại.
Hoặc có thể cậu ta sẽ cho anh chửi chán chê, rồi rung chân điềm nhiên không thèm seen luôn. Tin nhắn thì cứ nhảy trên màn hình, sếp thì vẫn cáu còn cậu thì vẫn an nhiên. Cho đến khi anh Đông phải gào lên: “Này, em không đọc tin nhắn à!!!?” thì cậu ta mới lồm cồm lật đật thều thào: “Chết, nhiều tin nhắn quá bị trôi, em không để ý", rồi tiếp tục tràng “Vâng" khô khốc.
Thà là cậu ta cãi thẳng một trận đi anh Đông còn đỡ cáu tiết. Đằng này cậu ta chỉ thả vài từ lẻ, giống như việc anh sếp đang cáu ầm lên kia là rất vô lý, còn cậu ta chỉ đang im lặng chịu đựng cho qua chuyện đi thôi. Hứa hẹn em sẽ thay đổi, em sẽ rút kinh nghiệm cho có hình thức, còn rút được hay không là chuyện của cậu ta. Anh cứ cáu thoải mái, em chiều anh, em chịu đựng anh, qua chuyện rồi thì tha cho em, nhé.
Anh Đông cảm thấy mình bị thiếu tôn trọng đến vô cùng, mặc dù từ ngữ mà cậu nhân viên sử dụng vô cùng đúng mực lễ phép. Mục đích khi giao tiếp là người nói phải có người nghe, mục đích khi trách mắng cũng là nhân viên phải biết mình sai ở đâu, phản ứng đủ để sếp biết mình muốn sửa đổi, chứ không phải trơ như khúc gỗ và chặn họng bằng câu “Em biết lỗi rồi" rập khuôn như một cái máy xin lỗi.
Ai bảo cậu ta không biết sai, biết chứ, biết mạnh là đằng khác. Nhưng mà biết rồi để đấy, thay đổi hay không tuỳ hứng tính tiếp. Cậu vẫn xin lỗi, vẫn nhận lỗi, vẫn nhận phạt một cách tự nguyện và nhanh chóng. Tuy nhiên, không phải là để nhận thức cái sai rồi sửa đổi, mà rõ ràng thôi, là để cho qua chuyện. Phạt là đích đến cuối cùng của mọi cuộc mắng nhiếc, thôi thì em cứ đi luôn đến đích cho tiết kiệm thời gian của chúng ta, rồi việc ai nấy làm tiếp.
Những nhân viên như cậu này chính là bài toán đau đầu nhất của các sếp. Không chỉ tách biệt và ít đóng góp dù được giao khoán những trách nhiệm không phải nhỏ gì, mà còn coi nhẹ tất cả những thành viên trong team, coi nhẹ tất cả những thứ mà mọi người đang vắt óc ra suy nghĩ, thờ ơ với tất cả kể cả sếp. Từ chối kết nối, từ chối cơ hội là một phần của công ty, việc ai nấy làm, xong thì xách ca táp đi về khi đồng hồ đã điểm đủ 8 tiếng văn phòng.
Chúng ta đang sống và làm việc theo những cộng đồng nhỏ với nhau, kể cả sinh hoạt ngoài đời hay trong môi trường công sở. Bởi vậy không chỉ có sếp, mà cả các đồng nghiệp nhân viên chung công ty đều mong muốn sẽ có sự kết nối với người mà mình đang tin tưởng làm việc cùng. Giao tiếp là chìa khoá dẫn đến thành công, và dẫn đến cái “được việc". Cách giao tiếp im ỉm một mình một cõi, đóng hết mọi cánh cửa với thế giới bên ngoài hay tách biệt mình khỏi tập thể không hơn gì việc tự cầm dao và cắt đứt mọi cơ hội phát triển của tập thể, hay sự phát triển của chính mình.
Không ai muốn làm việc chung với một tảng đá, không ai muốn kết thân với một anh robot cứ lặp đi lặp lại công việc của mình chẳng đoái hoài đến bất kể ai. Dù cho anh có năng lực thật sự, nhưng cách anh đóng sập hết mọi cánh cửa kết nối sẽ không chóng thì chầy, tách anh khỏi mọi sự tích cực.
Và cho đến khi người sếp thực sự mỏi mệt. Không cần biết anh trình độ tới đâu, chẳng vị sếp nào sẽ muốn giữ lại một nhân viên không thèm giao tiếp.
Cậu nhân viên kia sau một thời gian khiến anh Đông mệt mỏi thì anh cũng chẳng thèm nhắc đến nữa. Cũng không muốn giao cho thêm việc gì vì anh hiểu, có giao mà cậu ta chẳng hỏi han, cũng chẳng quan tâm khúc mắc chỗ nào, cứ mò mẫm làm một mình thì cũng hỏng việc. Nên là thôi. Cậu cũng chán, rồi tự tìm cách đi khỏi team.