99% số nước ngọt tồn tại dưới dạng băng đá hiện đang có mặt ở Greenland (Bắc Cực) và Nam Cực.
Mỗi năm, số băng ấy từng chút một tan ra, chảy xuống các đại dương. Thông thường, cần đến hàng trăm, hàng ngàn năm để chúng tan chảy hết. Nhưng giả sử nếu ngày mai bạn thức dậy, toàn bộ số băng trên Trái đất không còn nữa thì sao?
Nước biển dâng chóng mặt, thảm họa thực sự xảy ra
Để nói ngắn gọn thì với việc toàn bộ băng ở 2 cực tan ra, mực nước biển sẽ dâng ít nhất là 66m. Những thành phố ven biển như New York, Thượng Hải, London... ngay lập tức gánh chịu hậu quả khi lũ lụt ngập khắp nơi. Dự tính, khoảng 40% dân số thế giới sẽ mất đi nhà cửa - tương đương hơn 3 tỷ người.
Nhưng đó mới chỉ là bề nổi của tảng băng chìm thôi. Nước biển dâng lên tràn sâu vào đất liền sẽ ngấm xuống các mạch nước ngầm, hóa mặn những khu vực vốn đang chứa nước ngọt. Mà bạn biết đấy, thứ chịu trách nhiệm cung cấp nước uống và tưới tiêu cho nhân loại hiện nay phụ thuộc chủ yếu vào các mạch nước ngầm. Khi hệ thống này bị phá vỡ, mọi chuyện chắc chắn sẽ rất tồi tệ.
Băng giá tại Greenland và Nam Cực được tạo thành từ nước ngọt. Mỗi năm, quá trình băng tan tạo ra một nguồn cung nước ổn định cho nhân loại xung quanh. Nhưng nếu ồ ạt tan chảy, cũng đồng nghĩa với việc 69% nguồn cung nước ngọt của cả Trái đất chảy thẳng ra biển. Quá trình này không những khiến lượng nước ngọt của nhân loại hao hụt, mà còn khiến các dòng hải lưu và khí hậu bị thay đổi.
Lấy ví dụ về dòng Vịnh (Gulf Stream). Đây là dòng hải lưu ở Đại Tây Dương, thường xuyên mang không khí ấm nóng lên Bắc Âu, và nó phụ thuộc vào độ đặc và mặn của nước biển từ Bắc Cực để vận hành. Khi nước ngọt ồ ạt tràn ra, nó sẽ khiến nước biển loãng đi và làm suy yếu hoạt động của dòng hải lưu này.
Khi không còn khí nóng, nhiệt độ Bắc Âu sẽ giảm mạnh, nguy cơ tạo ra một kỷ băng hà mini.
Băng giá không chỉ tồn tại ở 2 cực
1% băng nước ngọt còn lại nằm ở những dòng sông băng sâu trong lục địa. Vậy chuyện gì sẽ xảy ra nếu chúng cũng đồng loạt tan chảy?
Đầu tiên phải kể đến các dòng sông băng của dãy Himalaya. Đây thực sự là một mối hiểm họa, vì lượng băng ở đây còn đang lưu giữ nhưng hóa chất cực kỳ độc hại như dichlorodiphenyltrichloroethane (DDT). Khoa học đã chứng minh rằng sông băng có thể trữ các hóa chất như vậy trong nhiều thập kỷ, và nếu chúng tan chảy, toàn bộ hóa chất ấy sẽ chuyển vào sông, hồ, nước ngầm...
Một phần băng khác tồn tại dưới lòng đất, chủ yếu là ở vùng lãnh nguyên Bắc Cực dưới dạng băng vĩnh cửu (permafrost). Vấn đề của băng vĩnh cửu nằm ở chỗ chúng có thể chứa thủy ngân bên trong - ví dụ như băng vĩnh cửu vùng Bắc Cực đang chứa gần 60 triệu lít thủy ngân - gần như ngang với lượng thủy ngân đang tồn tại trên Trái đất hiện nay.
Băng vĩnh cửu cũng có chứa những vật chất hữu cơ, sẽ trở thành nơi để vi sinh vật phát triển mạnh. Vi sinh vật ăn chất hữu cơ sẽ tạo ra khí nhà kính như CO2 và methane, từ đó đẩy nhanh quá trình Trái đất nóng lên. Ước tính, lượng khí nhà kính sẽ tăng gấp đôi so với thời điểm hiện tại.
Và khi điều này xảy ra, kỷ băng hà mini tại Bắc Âu phía trên cũng sẽ biến mất, thậm chí sông và hồ trên thế giới cũng vậy. Tất cả sẽ bốc hơi vì nhiệt độ tăng quá nhanh, khiến nhiều vùng đất trở nên khô cằn. Bão tố, lũ lụt, lốc xoáy, tất cả sẽ diễn ra nhanh và mạnh hơn.
Chuyện chẳng bao giờ xảy ra, nhưng là hồi chuông cảnh tỉnh lớn
Trái đất sẽ chứng kiến một cuộc di cư ồ ạt lên các vùng cực - Canada, Alaska, Bắc Cực, và một số khu vực còn sót lại của Nam Cực.
Câu chuyện trên có lẽ sẽ chẳng bao giờ xảy ra, vì lượng băng giá trên Trái đất đủ dày để ngăn nó tan chảy cùng một lúc. Tuy nhiên, chuyện có thật là băng ở 2 cực đang tan rất nhanh. Chỉ trong vài ngày ngắn ngủi của mùa hè, hàng tỉ tấn băng tại 2 cực đã tan biến - tất cả là vì hệ quả của hiện tượng Trái đất nóng lên khiến khí hậu thay đổi.
Nếu không hành động thì đến một thời điểm nào đó, mọi cố gắng của nhân loại sẽ chính thức không còn giá trị.