Mỗi mùa thi đại học, mạng xã hội lại ngập tràn bảng điểm, tên thủ khoa, câu chuyện “con nhà người ta” đỗ vào trường top với số điểm gần như tuyệt đối. Và cũng vào đúng thời điểm ấy, không ít phụ huynh rơi vào một cái bẫy cảm xúc nguy hiểm khi luôn so sánh con mình với người khác. Điều này tưởng như vô hại, nhưng thật ra lại là điều dại dột nhất mà cha mẹ có thể làm sau khi con biết điểm thi.
Ngay khoảnh khắc con run tay tra điểm, điều con cần nhất không phải là một cái nhíu mày hay câu hỏi “Được vậy thôi à?”, càng không phải là kiểu nhận xét: “Con bé hàng xóm thi được tận 27 điểm kìa, hơn con 3 điểm đó!”. Sự so sánh, dù vô tình hay cố ý, chính là con dao sắc lạnh cắt đứt sợi dây kết nối giữa cha mẹ và con cái trong một giai đoạn cực kỳ nhạy cảm. Con vừa đi qua kỳ thi căng thẳng nhất tuổi trẻ, và điểm số dù cao hay thấp cũng là tất cả những gì con đã cố gắng. Lúc này, nếu cha mẹ không là điểm tựa, thì con biết dựa vào đâu?
Sự so sánh, dù vô tình hay cố ý, chính là con dao sắc lạnh cắt đứt sợi dây kết nối giữa cha mẹ và con cái. (Ảnh minh họa)
Có những bạn trẻ vì một câu nói so sánh của bố mẹ mà tự ti đeo bám suốt nhiều năm . Câu “Bạn kia học kém hơn mà giờ lại đỗ trường top, còn con thì...” cứ âm ỉ trong đầu, khiến các em cảm thấy bản thân kém cỏi, không xứng đáng, thậm chí sợ cả việc cố gắng vì cố nữa cũng chẳng bao giờ bằng người ta. Đáng sợ hơn, có những bạn rơi vào khủng hoảng tâm lý, trầm cảm, và phụ huynh lại không hiểu vì sao con mình nhạy cảm đến thế.
Thật ra, việc so sánh không giúp con điểm cao hơn, cũng không khiến con trưởng thành hơn , mà chỉ làm tăng áp lực và nỗi sợ thất bại. Thậm chí, sự so sánh còn đánh cắp đi niềm vui nhỏ bé của con như khi con vui vì được 22 điểm, nhưng mẹ lại tạt ngay một gáo nước lạnh: “Người ta toàn 25, 26 điểm trở lên”. Vậy thì con có còn dám vui nữa không?
Điểm thi chỉ là một con số, nhưng với nhiều học sinh, đó là con số định nghĩa cả tuổi thanh xuân. Phụ huynh thông minh sẽ làm dịu nỗi lo chứ không dồn thêm áp lực. Sẽ nói rằng: “Con đã làm rất tốt rồi”, “Không sao cả, chặng đường phía trước vẫn dài”, hoặc chỉ đơn giản là một cái ôm và nụ cười. Đôi khi chỉ cần thế thôi, con sẽ nhớ mãi cả đời.
Nếu thật sự muốn giúp con, thay vì so sánh, hãy trò chuyện và đồng hành . Hỏi con muốn gì, thích ngành nào, và cùng con tìm phương án phù hợp. Có hàng chục cách để bước vào đại học, hàng trăm ngành nghề để phát triển, và hàng ngàn cơ hội cho người biết kiên trì. Con không phải thất bại chỉ vì không đỗ đúng kỳ vọng của bố mẹ. Và bố mẹ, cũng đừng biến kỳ thi này thành vết sẹo mãi không lành trong lòng con.
Dù sao thì con cũng đã cố gắng rất nhiều. (Ảnh minh họa)
Nên nhớ, thành công của người khác không phải là thước đo để đánh giá con mình . Mỗi đứa trẻ là một bản thể riêng, có tốc độ, năng lực và hành trình khác nhau. Việc của phụ huynh không phải là biến con thành bản sao của người ta, mà là giúp con trở thành phiên bản tốt nhất của chính mình .
Vậy nên, nếu bạn đang định so sánh con mình với ai đó hãy dừng lại. Vì trong lúc bạn nhìn ra ngoài để tìm một chuẩn mực, có thể bạn đang bỏ lỡ một điều quan trọng: Con bạn đã rất nỗ lực và đang cần bạn tự hào về điều đó.