Điều đặc biệt và đáng nể giúp Hồng Kông, Hàn Quốc không phong tỏa diện rộng vẫn "lội ngược dòng" Covid-19

Thuý, Theo Tổ quốc 23:39 21/04/2020
Chia sẻ

Hồng Kông và Hàn Quốc trở thành hai tấm gương của công cuộc chống dịch Covid-19 nhờ vào nỗ lực của các chính quyền và tinh thần chủ động cao của người dân - theo SCMP.

Ba tháng sau khi báo cáo trường hợp đầu tiên nhiễm Covid-19 , đặc khu Hồng Kông (Trung Quốc) và Hàn Quốc đã cho thế giới thấy được “ánh sáng phía cuối đường hầm” trong công cuộc chống dịch.

Theo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SMCP), Hồng Kông ngày 20/4 báo cáo không có ca nhiễm Covid-19 mới lần đầu tiên trong gần hai tháng. Hàn Quốc ngày 19/4 xác nhận 8 ca nhiễm mới, mức thấp nhất trong vòng hai tháng.

 Điều đặc biệt và đáng nể giúp Hồng Kông, Hàn Quốc không phong tỏa diện rộng vẫn lội ngược dòng Covid-19 - Ảnh 1.

Cử tri Hàn Quốc xếp hàng, giữ khoảng cách khi đi bỏ phiếu tại thủ đô Seoul (Ảnh: Xinhua)

Cả hai khu vực trên đều đã đạt được những thành tựu và nếu có thể duy trì, việc nới lỏng các hạn chế xã hội sẽ sớm được thực hiện. Hàn Quốc tuyên bố kế hoạch giãn cách xã hội sẽ vẫn được thực hiện tới ngày 5/5, song có thể sẽ bắt đầu nới lỏng những hạn chế đối với các cơ sở thể thao và các cuộc tụ họp công cộng như hoạt động của nhà thờ.

Trong khi đó, một nghiên cứu của Đại học Hồng Kông (HKU) chỉ ra rằng không cần đến phong tỏa, tất cả những hạn chế đã đủ để làm giảm sự lây lan của virus corona chủng mới (SARS-Cov-2). Các chuyên gia cũng đề xuất sớm gỡ bỏ một số hạn chế này.

Cho tới ngày 20/4 Hồng Kông đã có 1.023 trường hợp mắc Covid-19, 4 người tử vong kể từ khi đặc khu này xác nhận trường hợp nhiễm Covid-19 đầu tiên vào ngày 23/1. Cùng ngày, Hàn Quốc báo cáo thêm 13 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca nhiễm nước này lên 10.647 ca, số ca tử vong là 236.

 Điều đặc biệt và đáng nể giúp Hồng Kông, Hàn Quốc không phong tỏa diện rộng vẫn lội ngược dòng Covid-19 - Ảnh 2.

Người Hồng Kông vẫn được ra ngoài ăn (Ảnh: K. Y. Cheng/SCMP)

Nhân tố then chốt cho cú "lội ngược dòng"

Cú lội ngược dòng của cả Hàn Quốc và Hồng Kông là vô cùng đáng chú ý, theo SCMP, không chỉ bởi khi mới bắt đầu bùng dịch, chính quyền ở cả hai nơi đã phải đối mặt với những chỉ trích về cách xử lý khủng hoảng, mà còn bởi cả Hồng Kông và Hàn Quốc đã xoay chuyển tình thế mà không cần áp dụng tới biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt như nhiều nơi trên thế giới.

Tại Hồng Kông hay Hàn Quốc, người dân được đi lại tự do trên đường, thậm chí được đi ăn ở ngoài mặc dù vẫn có một số hạn chế về chỗ ngồi.

Ông Kim Ki-hun, Giám đốc phòng Quản lý An toàn tại Chính quyền thành phố Seoul cho biết: "Sự can thiệp nhanh chóng của chính phủ, việc theo dõi và cách ly những trường hợp nhiễm bệnh và nguồn thông tin minh bạch đã giúp Hàn Quốc ngăn chặn được virus mà không phải dùng đến biện pháp đóng cửa nền kinh tế như các quốc gia khác."

Tuy nhiên, các nhà quan sát ngày càng chỉ ra rõ hơn một nhân tố khác cho sự thành công của cả Hồng Kông và Hàn Quốc bên cạnh hành động nhanh chóng của chính phủ: Đó chính là ý thức của người dân.

Ông Chae Su-mi, trưởng nhóm nghiên cứu tại Viện Y tế và Xã hội Hàn Quốc bình luận: “Mặc dù chính phủ [Hàn Quốc] đã bị bất ngờ bởi sự tấn công của chủng virus mới – loại virus có tỷ lệ tử vong ở những người nhiễm bệnh cao hơn dự đoán, người dân Hàn Quốc đã rất thành công trong việc hợp tác với chính phủ trong suốt thời điểm quan trọng nhất của đại dịch.”

Ngay cả khi tỉ lệ lây nhiễm thấp xuống đáng kể nhờ nỗ lực của chính phủ, không thể bỏ qua vai trò của người dân trong thành công đó

Ông Chae Su-mi, Trưởng nhóm nghiên cứu tại Viện Y tế và Xã hội Hàn Quốc

Người dân phòng bệnh trước khi được nhắc

Ông Chae Su-mi đưa ra ví dụ về cách người dân Hàn Quốc và Trung Quốc có ý thức đeo khẩu trang và thực hiện các biện pháp phòng ngừa khác trước cả những hướng dẫn chính thức từ cơ quan chức năng.

Trong khi đó, người dân ở một số nước phương Tây đã chịu ảnh hưởng nặng nề bởi virus lại chờ đợi đến khi chính phủ ra khuyến cáo về những hành động cần thiết để bảo vệ cá nhân. Sự chờ đợi này khiến tình hình trở nên tồi tệ hơn.

“Tôi nghĩ rằng, các quốc gia phương Tây đã tin rằng virus là thứ gì đó chỉ ở bên kia địa cầu, và niềm tin đó khiến họ tự tin,” ông Chae nói. “Các quốc gia như Mỹ đã không thực hiện giãn cách xã hội cho đến khi tình hình ở nước này được chú ý rộng rãi.”

Ở Italy, thậm chí còn có một chiến dịch “Milan không dừng lại” để khuyến khích các quán bar tiếp tục mở cửa, trong khi đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố rằng đất nước của ông không “sinh ra để bị đóng cửa”.

Hơn thế, đặc biệt là trong giai đoạn đầu của đợt bùng phát, ngay cả khi các thành phố ở châu Âu đã áp dụng những biện pháp cách ly kiểm dịch, những hạn chế này có vẻ như cũng không được thống nhất. Nhiều bảo tàng tiếp tục mở cửa, hay người dân vẫn tụ tập bình thường.

Và ngay cả khi chính phủ Italy cuối cùng đã cảnh báo người dân rằng những hành động chào hỏi truyền thống như ôm, hôn nhau cần được bỏ trong thời gian Covid-19, thì người dân vẫn cứ làm.

Bài học từ châu Á

Trong một nghiên cứu được công bố trên tạp chí The Lancet Public Health, các nhà nghiên cứu từ HKU nhận thấy rằng việc giãn cách xã hội cũng như những phương pháp khác mà Hồng Kông thực hiện, cùng với phản ứng hợp tác từ phía người dân (chú ý đeo khẩu trang và tránh những nơi đông người) đã giúp ngăn chặn virus corona.

“Các chính phủ khác có thể học hỏi từ thành công của Hồng Kông,” theo chuyên gia nghiên cứu hàng đầu Benjamin Cowling, Giáo sư về dịch tễ học và sinh thống kê học tại khoa y tế cộng đồng HKU.

“Nếu các biện pháp của chính phủ và sự hợp tác của dân chúng được duy trì, đồng thời cũng phải tránh sự mệt mỏi từ phía công chúng, những ảnh hưởng của Covid-19 sẽ được giảm thiểu đáng kể.”

Người dân Hàn Quốc cũng đã thể hiện sự chủ động hơn so với các nước phương Tây trong việc hợp tác chiến đấu với dịch, thậm chí ngay cả khi điều đó đồng nghĩa với việc họ phải hy sinh quyền tự do cá nhân, ví dụ như quyền riêng tư.

Tháng trước, một cuộc khảo sát của Trường Đại học Y tế Công cộng Seoul, cho thấy 78.5% số người được hỏi đồng ý hy sinh quyền riêng tư để cả nước chống lại đại dịch.

Ngay tại châu Á, người Hồng Kông và Hàn Quốc vẫn được lấy làm gương cho những hành động chủ động, như việc tự giác đeo khẩu trang.

Người dân ở cả hai nơi đều được tự do sử dụng những phương tiện công cộng và tới các nơi công cộng kể từ lúc bắt đầu đại dịch, chỉ cần nghe theo khuyến nghị của chính phủ là nên ở trong nhà và thực hành giãn cách xã hội nếu phải ra ngoài.

 Điều đặc biệt và đáng nể giúp Hồng Kông, Hàn Quốc không phong tỏa diện rộng vẫn lội ngược dòng Covid-19 - Ảnh 3.

Người Hàn vẫn đi mua sắm tại các trung tâm thương mại (Ảnh: EPA)

Niềm tin vào chính phủ, lợi thế cơ sở hạ tầng

Một số nhà quan sát cũng chỉ ra rằng cơ sở hạ tầng tiên tiến ở cả Hồng Kông và Hàn Quốc cũng chính là nhân tố tạo nên thành công.

Một nhà phân tích đã chỉ ra, phương pháp xét nghiệm và điều trị tiên tiến của Hàn Quốc đã được hỗ trợ bởi chính các cơ sở hạ tầng mà nước này đang có. Đất nước đã tự đầu tư cho mình và giờ đây, người dân được hưởng lợi.

“Người dân vẫn ra ngoài ăn mà không phải lo lắng,” ông Yun Kyung-chon, thành viên của Ủy ban kiểm soát truyền nhiễm tại Trung tâm Kiểm Soát dịch bệnh Hàn Quốc (KCDC) cho hay.

Ông Yun còn chia sẻ hình ảnh một nhà hàng nơi ông thường ăn trưa với lời giới thiệu “Người dân không lo lắng”.

Chang Kyung-sup, Giáo sư xã hội học tại Đại học Quốc gia Seoul, nói rằng có được điều này là bởi sự chấp hành nghiêm chỉnh từ phía người dân và bởi niềm tin cao của người dân dành cho chính phủ.

“Tổng thống Moon Jae-in đã có tiếng trong việc xử lý khủng hoảng, và điều đó giúp các quốc gia khác phải khen ngợi phản ứng của chính phủ Hàn Quốc,” ông nói.

Chưa thể buông lỏng cảnh giác

Ngay cả khi có được những thành quả chống dịch Covid-19 tốt, các chuyên gia nhấn mạnh rằng cả Hồng Kông lẫn Hàn Quốc vẫn phải cảnh giác.

Giáo sư David Hui Shu-cheong, chuyên gia về bệnh hô hấp của Đại học Hồng Kông, Trung Quốc, và là cố vấn của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), cho biết, các biện pháp bao gồm đeo khẩu trang trên phương tiện giao thông công cộng và ở những nơi đông người vẫn cần được thực hiện cho đến giữa năm sau – thời điểm dự kiến sớm nhất sẽ có vắc xin.

Giám đốc KCDC, bà Jung Eun-kyeong, cảnh báo “khả năng Covid-19 đang dao động trước khi nó tấn công chúng ta một lần nữa vào mùa đông.”

Virus có thể phát triển trong thời tiết lạnh hơn, nó có thể tồn tại thêm một năm nữa hoặc thậm chí lâu hơn.

Một vấn đề khác ở Hàn Quốc là việc tổ chức các cuộc bầu cử quốc hội vào tuần trước có thể ảnh hưởng đến sự lây lan của virus SARS-Cov-2.

Bà Jung cho biết quốc gia này sẽ cần theo dõi trong bốn tuần tới để xem liệu virus có lây lan trong cuộc bầu cử hay không, mặc dù các biện pháp nghiêm ngặt đã được thực hiện như việc đảm bảo người bỏ phiếu phải đứng cách nhau ít nhất 1m, đeo khẩu trang, kiểm tra thân nhiệt trước khi tham gia bỏ phiếu. Tất cả những người bỏ phiếu cũng được phát găng tay nhựa và các khu vực bỏ phiếu cũng được khử trùng nhiều lần.

Cần duy trì sự cảnh giác, và không quá tự tin, nếu không cả Hồng Kông và Hàn Quốc đều sẽ mất đi vị trí hiện tại của mình.

Trong dịp Lễ Phục sinh (12/4) vừa qua, ở Hồng Kông và Hàn Quốc đều xuất hiện các đám đông lớn tập trung tại các công viên công cộng, gây lo ngại rằng mọi người có thể đang "rời chân khỏi bàn đạp" quá sớm và tạo cơ hội cho Covid-19 bùng phát.

John Lie, giáo sư tại Đại học California-Berkeley, đánh giá việc không có "những mối đe dọa rõ ràng ở hiện tại sẽ khiến một số người có thể trở về cuộc sống bình thường, như thể không có mối đe dọa nào".

Nói cách khác, SCMP chỉ ra, vẫn cần phải cẩn thận để ánh sáng ở cuối đường hầm đó chính xác là ánh sáng chiến thắng, chứ không phải là ánh sáng của một con tàu khác đang tiến tới.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày