Điểm vào lớp 10 thấp kỷ lục tại nhiều địa phương: Lộ diện thành tích “ảo” ở trường phổ thông?

Quang Anh, Theo GĐ&XH 09:20 04/07/2019

Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2019-2020 tại nhiều địa phương đã kết thúc, song câu chuyện nhiều học sinh được điểm kém, dẫn đến điểm chuẩn trúng tuyển ở nhiều nơi chỉ vài điểm/môn có thể đỗ cho thấy những học sinh có học lực trung bình, thậm chí học sinh tiên tiến cấp THCS là do “bệnh thành tích”.

Điểm vào lớp 10 thấp kỷ lục tại nhiều địa phương: Lộ diện thành tích “ảo” ở trường phổ thông? - Ảnh 1.

Tổng điểm xét tuyển vào lớp 10 tại Hà Nội khá đẹp, song vẫn còn nhiều thí sinh có điểm thấp. Nguồn: Sở GD&ĐT Hà Nội

Những điểm 0 gây sốc

Cuối tháng 6, Sở GD&ĐT TPHCM đã tổ chức công bố điểm thi, điểm chuẩn vào lớp 10 THPT năm học 2019 - 2020 trên địa bàn. Kết quả kỳ thi tuyển sinh lớp 10 năm nay TPHCM có 79.594 thí sinh dự thi, trong đó môn Toán có 49,62% học sinh có điểm môn Toán dưới 5. Môn Tiếng Anh có 58,4% thí sinh có điểm thi dưới trung bình (46.287 thí sinh). Tuy nhiên, môn Ngữ văn vẫn có 11 điểm 0. Trong khi đó, có 126 thí sinh bị điểm 0 môn Toán. Sau khi công bố điểm, lãnh đạo Sở GD&ĐT TPHCM cho biết, cũng rất ngạc nhiên với những điểm 0 của thí sinh, bởi phổ điểm năm nay cũng rất phù hợp trong tuyển sinh.

Còn tại Khánh Hòa, Sở GD&ĐT tỉnh Khánh Hòa cũng mới công bố điểm thi của thí sinh, đáng chú ý là những điểm số “gây sốc” của thí sinh khi có tới 668 học sinh đạt điểm không môn Toán trong kỳ thi tuyển sinh lớp 10 trường công lập được tổ chức vào đầu tháng 6. Mặc dù, trước đó theo đánh giá của nhiều học sinh, giáo viên tại tỉnh này, đề thi năm nay nhìn chung là phù hợp, đề ra vừa sức, có phân hóa trình độ nhằm chọn lựa sức học của học sinh. Có đến 668 học sinh điểm 0, đồng nghĩa tất cả thí sinh một là không làm bài, hai là không có một chút kiến thức nào.

Điểm thi thấp cũng kéo theo điểm chuẩn tại nhiều địa phương giảm so với các năm trước, thậm chí để tuyển đủ chỉ tiêu, nhiều trường đã phải lấy điểm rất thấp, mức điểm đến khó tin. Tiêu biểu như tại Thái Bình, Sở GD&ĐT tỉnh này sau khi công bố điểm chuẩn tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm học 2019 - 2020, dư luận hết sức bất ngờ khi Trường THPT Bắc Duyên Hà chỉ lấy 10,5 điểm, tức 2,1 điểm/môn. Một số trường khác có điểm chuẩn thấp như: THPT Phạm Quang Thẩm: 11,5 điểm; THPT Bắc Kiến Xương: 12,25 điểm; THPT Thái Ninh: 14,75 điểm; THPT Đông Tiền Hải: 15,5 điểm...

Tại Thái Nguyên, điểm chuẩn của một số trường THPT công lập trên địa bàn tỉnh cũng ở mức khá thấp. Nếu như các năm trước, Trường THPT Đại Từ luôn lấy mức 25-30 điểm, năm nay chỉ lấy 5,9 điểm. Trường THPT Lý Nam Đế thậm chí chỉ lấy 4,5 điểm. Ngoài ra, rất nhiều trường tại Thái Nguyên lấy điểm chuẩn thấp như THPT Lưu Nhân Chú: 4,6 điểm; THPT Nguyễn Huệ: 10,3 điểm, THPT Bắc Sơn: 10,9 điểm; THPT Ngô Quyền: 10,9 điểm; THPT Đồng Hỷ: 11,8 điểm...

Điểm kém do “bệnh thành tích”?

Điểm vào lớp 10 thấp kỷ lục tại nhiều địa phương: Lộ diện thành tích “ảo” ở trường phổ thông? - Ảnh 2.

Kỳ tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm học 2019-2020 tại nhiều nơi chứng kiến điểm thi, điểm chuẩn khá thấp. Ảnh minh họa: Q.Anh

Ngay tại Hà Nội, câu chuyện rất nhiều thí sinh điểm kém cũng thu hút dư luận, theo thống kê của Sở GD&ĐT Hà Nội tại kỳ thi vào lớp 10 vừa qua, đối với điểm 0, Toán: 150 thí sinh; Ngữ văn: 56 thí sinh; Ngoại ngữ: 1 thí sinh. Điểm dưới trung bình: môn Toán: 16.818 thí sinh; môn Ngữ văn: 10.853 thí sinh; Ngoại ngữ: 37.600 thí sinh; Lịch sử: 9.283 thí sinh. Đáng chú ý, tại kỳ thi năm nay, lần đầu tiên môn Tiếng Anh trở thành môn bắt buộc trên phạm vi toàn thành phố, khiến nhiều người liên tưởng môn thi này sẽ là “cứu cánh” về điểm số cho các thí sinh sau nhiều năm Hà Nội chỉ thi Ngữ văn và Toán.

Vốn được xem như một môn học thế mạnh của học sinh Hà Nội nhưng môn Tiếng Anh lại chiếm tỷ lệ điểm trên trung bình thấp nhất so với 3 môn còn lại. Cụ thể, chỉ có 55,78% thí sinh đạt điểm trên trung bình; có tới 37.600 thí sinh (44,22%) bị điểm dưới trung bình; điểm số có nhiều thí sinh nhất là 3 và điều này khiến dư luận khá bất ngờ. Bởi trong năm đầu tiên thi Tiếng Anh nên theo đánh giá của nhiều giáo viên, đề thi không hề đánh đố thí sinh, ngược lại còn khá “dễ thở”. Tuy nhiên, với mức độ đề cơ bản như này, trái ngược với đánh giá của các giáo viên, việc kết quả thi có tới 44,22% số thí sinh có điểm dưới trung bình cho thấy thực trạng đáng lo ngại về trình độ Tiếng Anh còn quá yếu, chưa đạt tới mức cơ bản.

Chứng kiến câu chuyện nghịch lý học sinh “lạm phát” giấy khen, phần thưởng, nhưng kết quả thi lại lộ ra nhiều em bị điểm kém, thậm chỉ là điểm 0 tròn trĩnh, GS.TS Phạm Tất Dong, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Trung ương Hội khuyến học Việt Nam lại không tỏ ra ngạc nhiên, bởi theo ông “bệnh thành tích” và câu chuyện điểm “ảo” của thí sinh trong các nhà trường không phải từ bây giờ mà nhiều năm nay. Kết thúc năm học, nhiều nơi có tỷ lệ học sinh giỏi, khá rất cao, giấy khen cả lớp hầu như em nào cũng được… đã cho thấy thực tế của bệnh thành tích và cũng chính các em đó nhưng lại có em bị điểm kém trong các kỳ thi nghiêm túc.

“Trên thực tế, có những tỷ lệ nhất định trong một trường học, lớp học về học sinh giỏi, khá, trung bình, thậm chí cả yếu. Nhưng chỉ có kỳ thi là chỉ ra được số học sinh yếu kém đó, còn lại từng năm các em vẫn là học sinh trung bình, thậm chí là học sinh khá. Do đó, chất lượng hiện nay là ảo, chưa đúng thực chất. Nó tạo ra hệ lụy, các em không có sự cố gắng, học kém vẫn được khen, thưởng, lên lớp... và rồi thi trượt tại các kỳ thi. Nếu cứ lấy thành tích, thi đua làm mục tiêu thì tình trạng này còn tiếp diễn, nhất là tình trạng “làm đẹp” học bạ để phục vụ tuyển sinh”, GS.TS Phạm Tất Dong chia sẻ thêm.

Đầu tháng 6/2019, Bộ GD&ĐT đã có công văn gửi Giám đốc các Sở GD&Đ trên phạm vi cả nước yêu cầu thực hiện tốt quy định về việc tuyển sinh đầu cấp, năm học 2019 - 2020. Bộ yêu cầu các địa phương tổ chức tuyển sinh lớp 10 bậc THPT, tuyển sinh vào trường THPT chuyên phải thực hiện đúng các quy định hiện hành của Bộ về quy chế tuyển sinh THPT. Các Sở cần tăng cường chỉ đạo, quản lý, thanh tra, kiểm tra nhằm thực hiện tốt quy trình tuyển sinh theo đúng các quy định của Bộ, đặc biệt là khâu ra đề thi, coi thi, chấm thi và xử lý kết quả tuyển sinh. Bộ yêu cầu báo cáo kết quả tuyển sinh đầu cấp về Bộ trước ngày 15/7.