Ngày 27/8, Bộ GD&ĐT đã công bố điểm thi tốt nghiệp THPT Quốc gia 2020 của các thí sinh. Theo thống kê, điều bất ngờ là An Giang đã thăng hạng khi trở thành địa phương có điểm trung bình xếp thứ 4 cả nước (tăng 3 hạng so với năm 2019) với 6,713 điểm.
Đặc biệt, điểm trung bình môn Văn thi tốt nghiệp của An Giang cao nhất cả nước là 7,616 với 6/10 thí sinh lọt top cao nhất cả nước, trong đó có một trong 2 thí sinh đạt điểm 10 duy nhất là Dương Ngọc Trâm (học sinh lớp 12C7, trường THPT Chu Văn An).
Trao đổi với báo Vietnamnet về kết quả này của An Giang, ông Trần Tuấn Khanh (Phó Giám đốc Sở GD&ĐT) cho biết, thành tích của tỉnh không có gì đột biến hay bất thường vì theo thống kê hằng năm, điểm trung bình của học sinh An Giang luôn nằm trong top 10.
"Nếu tính riêng Đồng bằng sông Cửu Long thì 4 năm qua, An Giang đều đứng đầu. Nếu tính riêng 9 môn thi thì cũng có rất nhiều môn An Giang nằm trong top 10 cả nước, trong đó có cả Ngữ văn.
Do đó, có thể có năm thấp, năm cao nhưng độ biến động điểm số không mang tính chất đột biến. Ví dụ như môn Văn, cũng từng có năm, An Giang đứng thứ 2 cả nước".
(Ảnh minh họa)
Theo báo VTC News, ông Khanh cũng chia sẻ thêm rằng trong thành phố có thành lập các hội đồng chuyên môn duy trì được trên 10 năm bao gồm các giáo viên có năng lực chuyên môn tốt, nhiều kinh nghiệm giảng dạy. Sau khi kết thúc kỳ thi, đội ngũ này khảo sát kết quả thi và trực tiếp đến các điểm trường để dự giờ, thăm lớp... nhằm đóng góp ý kiến để nâng cao chất lượng dạy và học.
Sở GD&ĐT chỉ đạo chuyên môn, thường xuyên theo dõi, kiểm tra việc đánh giá kết quả học tập của học sinh, thông qua kiểm tra để điều chỉnh hướng dẫn, chỉ đạo theo hướng phân hóa, đánh sát năng lực học sinh, phù hợp với điều kiện của nhà trường, không để xảy ra chất lượng ảo.
Do nội dung ôn thi phần nào được cô đọng hơn, cộng thêm việc tinh giản chương trình nên đa số học sinh tập trung được nội dung trọng tâm của việc học ôn tập thi tốt nghiệp THPT.
Mặt khác, năm nay đề thi của Bộ cũng bám sát vào đề tham khảo đã công bố trước đó cho các tỉnh nên giáo viên cũng tập trung theo hướng đề tham khảo để tổ chức dạy cho học sinh.
Ông Khanh cho biết: "Hoàn toàn không có bất cứ sự chỉ đạo nào về việc giáo viên phải chấm lỏng tay để thuận lợi cho sĩ tử" và địa phương cũng đã làm đúng quy chế của Bộ khi mỗi bài thi đều được chấm độc lập 2 vòng bởi 2 cán bộ chấm.
Nguồn: Tổng hợp