Những ngày qua, nhiều người có ý kiến trái chiều về cách gọi tên "Ga tàu thủy" tại các điểm đón trả khách lên xuống tàu buýt đường sông ở TPHCM.
Nhiều người cho rằng, từ "ga" trong từ điển Tiếng Việt là công trình kiến trúc dùng làm nơi cho hành khách lên xuống hoặc xếp dỡ hàng hóa tại những điểm quy định trên đường xe lửa, xe điện hay trên đường hàng không. Còn đường thủy là "bến" hoặc "cảng".
"Ga tàu thủy" là tên gọi được đặt từ lúc khai trương dịch vụ buýt đường sông
Từ đó nhiều người đặt ra vấn đề nên thay đổi cách dùng từ trên bảng hiệu của "Ga tàu thủy".
"Nên đổi tên thành 'Bến tàu buýt' hoặc 'Cảng đường sông'... để cho phù hợp với hoạt động vận tải hành khách đường thủy. Sông Sài Gòn là con sông đẹp và dịch vụ buýt đường sông đang hoạt động tốt, đáp ứng nhu cầu của người dân và du khách khi đến với TPHCM", anh Thanh Dương (quận 1) chia sẻ.
Mặc dù vậy, một số ý kiến cũng cho rằng không cần đổi để tránh sự phiền hà cho hành khách sử dụng dịch vụ buýt đường sông.
Bảng hiệu "Ga tàu thuỷ" đã được gỡ xuống để thay thế thành "Bến tàu"
Liên quan đến vấn đề này, ngày 29/2, ông Nguyễn Kim Toản - Giám đốc Công ty TNHH Thường Nhật (đơn vị vận hành tàu buýt đường sông) - cho biết: "Về tên gọi 'Ga tàu thủy', khi tư vấn lập đề án và đặt tên, thấy không ai có ý kiến gì nên chúng tôi sử dụng luôn. Chúng tôi vẫn đang lắng nghe, với tiêu chí luôn hướng về điều đúng. Sau thời gian tìm hiểu thì chúng tôi nhận thấy tên gọi như vậy chưa phù hợp nên hiện tại đang tiến hành sửa tên gọi trên bảng hiệu".
Theo ông Toản, tất cả các bến đón trả khách có tên gọi "Ga tàu thủy" sẽ được đổi thành "Bến tàu" từ hôm nay (29/2).
Tuyến buýt sông số 1 (Bạch Đằng - Linh Đông) có lộ trình dài 10,8km được đưa vào khai thác từ tháng 8/2017. Toàn tuyến có 12 điểm đón, trả khách.
Theo đơn vị vận hành, hiện nay, mỗi ngày tuyến phục vụ từ 3.000 - 3.500 hành khách. Riêng 2 ngày cuối tuần và các dịp lễ, tết thì lượng khách đi lại rất lớn, từ 5.000 đến 7.000 lượt. Hiện giá vé áp dụng là 15.000 đồng/người/lượt.