Con người không ai là giống nhau. Trong hơn 7 tỷ người trên Trái đất này, có những cá nhân đạt thành tích đặc biệt xuất sắc trong lĩnh vực của mình. Họ chỉ chiếm 1% trong số 1% những người thành công nhất thế giới.
Một số ví dụ điển hình bao gồm Elon Musk và Jeff Bezos (công nghệ), Michael Jordan và Serena Williams (thể thao), Mozart và Beethoven (âm nhạc). Họ cũng có thể là những nhà khoa học sáng chế ra các loại thuốc cứu người, hoặc những cá nhân đoạt giải Nobel nhờ những thành tựu tiên tiến mà họ đóng góp cho nhân loại.
Tiến sĩ Kumar Mehta là người sáng lập Bridges Insight - viện nghiên cứu về sự đổi mới và xuất sắc. Ông cũng là nghiên cứu viên cao cấp của Trung tâm Tương lai Kỹ thuật số, thành viên trong Ủy ban về Trẻ em - một tổ chức phi lợi nhuận về giáo dục.
Sau hơn 5 năm nghiên cứu làm thế nào để nuôi dạy những đứa trẻ xuất chúng, TS Mehta nhận thấy: Hầu hết các em đều được rèn luyện các kỹ năng nhằm phát huy tối đa tiềm năng thể chất, tinh thần và xã hội sẵn có. Cha mẹ cũng đóng vai trò to lớn trong việc tạo ra môi trường thuận lợi để trẻ phát triển.
Theo TS Mehta, đây là 7 việc mà cha mẹ của những đứa trẻ đặc biệt thành công và kiên trì vẫn thường làm.
Ngay từ khi còn nhỏ, thần đồng cờ vua người Na Uy Magnus Carlsen đã sớm bộc lộ năng lực độc đáo: kiên nhẫn xếp hình và lắp ráp những bộ lego phức tạp. Cha của Carlsen nghĩ rằng những kỹ năng trên sẽ bổ trợ rất tốt cho cờ vua, nên đã giới thiệu anh môn thể thao này.
Dần dần, Carlsen chơi cờ vua giỏi tới mức cha mẹ quyết định đưa anh đi thi đấu. Họ đã nhìn thấy tiềm năng ở con trai và khuyến khích anh theo đuổi hoạt động giúp phát huy thế mạnh này.
Mọi đứa trẻ sinh ra đều có kỹ năng vượt trội so với người khác ở một số lĩnh vực. Con bạn có thể sở hữu thế mạnh về tư duy không gian, chẳng hạn như khả năng suy nghĩ trừu tượng và đa chiều. Có thể chúng học giỏi toán, với khả năng phân tích vấn đề một cách logic.
Cha mẹ nên chú ý tới con, để phát hiện và giúp chúng rèn luyện năng khiếu bẩm sinh từ sớm.
Bản thân cha mẹ của những đứa trẻ tài năng cũng là những người giỏi giang. Họ không ngừng nỗ lực để làm gương cho con cái mình.
Tỷ phú Bill Gates từng nhận xét về cha mình trong một bài viết: "Ông ấy là một trong những luật sư chăm chỉ và được kính trọng nhất ở Seattle, đồng thời là một tấm gương mẫu mực trong khu vực. [...] Ông ấy luôn thận trọng và nghiêm túc học hỏi mọi điều".
Cha của Bill Gates luôn dạy các con rằng "có công mài sắt, có ngày nên kim". Đây là điều mà phụ huynh nào cũng nên làm. Trẻ cần phải biết rằng chăm chỉ sẽ đem lại thành công; không có gì là miễn phí và không có con đường tắt nào để đạt được mục tiêu.
Vào năm 2017, một nhóm các nhà khoa học người Anh đã nghiên cứu sự khác biệt giữa các vận động viên "ưu tú" và "cực kỳ ưu tú".
Họ nhận thấy, phần lớn những vận động viên "cực kỳ ưu tú" đều được nuôi dưỡng trong môi trường đòi hỏi sự nỗ lực. Cha mẹ của những vận động viên này luôn kỳ vọng con mình sẽ trở nên xuất chúng hoặc vượt qua giới hạn bản thân.
Chị em "nữ hoàng quần vợt" Venus và Serena Williams chính là một ví dụ điển hình. Cha họ - ông Richard - đã viết một bản kế hoạch dài 78 trang nhằm giúp các con trở thành tài năng hàng đầu trong làng quần vợt.
Ông Richard đặt kỳ vọng cho các con từ khá sớm, khi chị em Williams còn chưa đầy 5 tuổi. Nhờ vậy, họ đã trở thành hai trong số những nhà vô địch xuất chúng trong lịch sử môn thể thao này.
Đại kiện tướng cờ vua Magnus Carlsen
Việc giúp con xây dựng sự tự tin sẽ tạo nên khác biệt lớn trong cuộc sống của chúng sau này. Trẻ sẽ có động lực để theo đuổi những giấc mơ lớn, cũng như không bỏ cuộc dễ dàng khi đối mặt với khó khăn.
Ngay từ lúc nhỏ, những đứa trẻ xuất chúng đã tin rằng thành công nằm trong tầm tay của mình, chứ không phải chỉ dành cho những người hay xuất hiện trên TV và báo chí.
Nếu được cha mẹ khuyến khích sự tự tin, trẻ sẽ dễ dàng bộc lộ năng khiếu và phấn đấu để đạt được thành tích cao nhất. Tự tin chính là chìa khóa để chúng trở thành những cá nhân xuất sắc trong tương lai.
Cha mẹ của những cá nhân xuất sắc luôn đề cao việc học hỏi những điều mới lạ. Họ khuyến khích sự tò mò ở trẻ và nghiêm túc trả lời những câu hỏi mà chúng đưa ra.
Một số người từng đoạt giải Nobel cho biết, cha mẹ luôn kiên nhẫn giải đáp các thắc mắc của họ. Kể cả khi không thể trả lời, họ cũng động viên con cái tìm hiểu vấn đề, thậm chí là tham gia giải quyết cùng con.
Những bậc phụ huynh này cũng rất kiên trì tìm kiếm các giáo viên, huấn luyện viên, cố vấn giỏi nhất để hỗ trợ con mình phát triển về trí tuệ và năng lực.
Vấn đề thường khiến cha mẹ "đau đầu" nhất là: Nên hướng con theo đuổi một lĩnh vực cụ thể mà con có tiềm năng, hay cho con thử hết mọi lĩnh vực để phát triển toàn diện?
Đa số các bậc phụ huynh sẽ chọn phương án thứ hai, nhưng phương án đầu tiên mới là điều cha mẹ của những đứa trẻ xuất chúng sẽ làm.
Trẻ vẫn có thể tham gia các hoạt động khác nếu thấy vui hay muốn phát triển kỹ năng bổ trợ. Tuy nhiên, đối với lĩnh vực cụ thể đã chọn, chúng sẽ phải tập trung và nỗ lực nhiều để có thể trở nên xuất sắc.
Các bậc phụ huynh tin rằng, con càng sớm nắm rõ kiến thức cơ bản, càng có nhiều thời gian để học hỏi kỹ năng nâng cao. Càng có nhiều thời gian học hỏi kỹ năng nâng cao, chúng sẽ càng dễ đạt tới trình độ "thượng thừa" trong lĩnh vực mình đã chọn.
Chị em "nữ hoàng quần vợt" Serena và Venus Williams
Theo TS. Mehta, rất nhiều người thành công lớn lên trong môi trường cạnh tranh không ngừng nghỉ.
Cha mẹ có thể cho trẻ tiếp xúc sớm với sự cạnh tranh, thông qua các trò chơi hay việc nhà. Điều này sẽ giúp chúng làm quen và thích nghi với những căng thẳng và áp lực trong cuộc sống sau này.
Tuy nhiên, trẻ cũng cần hiểu rằng cạnh tranh và kết quả không phải là tất cả. Nếu chỉ chăm chăm hoàn thành mục tiêu mà không cố gắng và cải thiện, chúng sẽ không bao giờ làm chủ được lĩnh vực của mình.