Các nhà nghiên cứu cho biết trong một báo cáo ngày 12/6, nền kinh tế bị ảnh hưởng do đại dịch Covid-19 có thể khiến 395 triệu người nữa rơi vào tình trạng nghèo đói cùng cực, đồng thời làm tăng tổng số người có mức thu nhập dưới 1,90 USD/ngày trên toàn thế giới lên hơn 1 tỷ người.
Những người vô gia cư ngủ trong một bãi đỗ xe tạm thời tại Trung tâm Cashman, Las Vegas, bang Nevada, Mỹ. Ảnh: Reuters.
Báo cáo do Viện nghiên cứu kinh tế phát triển thế giới của Đại học Liên Hợp Quốc (UNU-WIDER) thực hiện đã đưa ra một số giả thiết, trong đó có tính đến các chuẩn nghèo khác nhau dựa theo tiêu chuẩn của Ngân hàng Thế giới (WB). Từ người nghèo đói cùng cực với mức thu nhập tối đa dưới 1,9 USD/ngày và người nghèo kiếm được 5,5 USD/ngày.
Theo kịch bản tồi tệ nhất, nếu mức thu nhập bình quân đầu người giảm 20% thì số người sống trong tình trạng nghèo đói cùng cực có thể lên tới 1,12 tỷ người. Số người sống dưới mức thu nhập 5,50 USD/ngày sẽ tăng lên hơn 3,7 tỷ người.
“Tương lai của những người nghèo sẽ không thể thay đổi trừ khi các chính phủ hành động nhiều và nhanh chóng hơn, đồng thời cần bù đắp mức thu nhập hàng ngày thấp mà người nghèo đang phải đối mặt. Điều này có thể khiến mục tiêu chấm dứt đói nghèo của Liên Hợp Quốc trở thành một giấc mơ xa vời”, Andy Summer, một trong những tác giả của báo cáo cho biết.
Các nhà nghiên cứu tại Đại học King, London (Anh) và Đại học Quốc gia Australia cũng cho rằng, sự nghèo đói sẽ thay đổi theo phân bố địa lý.
Khu vực được dự đoán sẽ chứng kiến số lượng lớn người dân rơi vào tình trạng nghèo đói cùng cực là Nam Á, phần lớn do Ấn Độ là quốc gia đông dân. Tiếp theo là khu vực châu Phi hạ Sahara, nơi 1/3 dân số có nguy cơ rơi vào cảnh cực kỳ nghèo khổ.
Trước đó, ngày 8/6, Ngân hàng Thế giới dự kiến sẽ có 70-100 triệu người rơi vào tình trạng nghèo đói cùng cực do đại dịch Covid-19./.