Đi tù vì bịa chuyện câu views

THU THỦY, Theo Tiền Phong 08:20 01/10/2023
Chia sẻ

Chiều 25/9, TAND tối cao, Viện KSND tối cao, Bộ Công an Trung Quốc đã ban hành “Ý kiến ​​chỉ đạo trừng phạt các hành vi vi phạm, tội phạm bạo lực trên mạng Internet theo quy định của pháp luật” đồng thời đưa ra các vụ án điển hình.

Vụ án “Anh Phi ở Đông Quản” đăng tin bịa đặt để câu views từng gây rúng động thu hút sự chú ý rộng rãi một thời được văn bản “Ý kiến chỉ đạo...” nêu lên như trường hợp điển hình hàng đầu. Vào tháng 11/2021, một cư dân mạng có nickname “Phi Ca tại Đông Quản” (Anh Phi ở Đông Quản) đã đăng bài viết kèm theo ảnh trên một nền tảng mạng xã hội về: “Một doanh nhân 73 tuổi giàu có ở Thanh Khê, Đông Quản kết hôn với một người đẹp Quảng Tây 29 tuổi, tặng vợ trẻ quà gồm 880 ngàn NDT, một căn hộ trị giá 880 ngàn NDT và một xe hơi hạng sang”.

Thông tin này nhanh chóng lan truyền trên mạng Internet và thu hút rất nhiều sự chú ý. Sau đó, cô gái có mặt trong bức ảnh được gọi là “người đẹp Quảng Tây” đã đăng tin cho biết, đó là các bức ảnh cô chụp cùng ông ngoại rồi đưa lên mạng xã hội vào năm 2018 nhưng bị tác giả bài viết lấy và bịa đặt là ảnh cặp “chồng già vợ trẻ”; “Anh Phi ở Đông Quản” lập tức bị công an bắt giữ.

Tòa án đã điều tra, xác minh làm rõ bị cáo Vũ Phi đã bịa đặt câu chuyện trên và đưa lên tài khoản cá nhân “Anh Phi ở Đông Quan” nhằm câu views và tăng lượng truy cập để mua bán bất động sản. Ngày 19/11/2021, Vũ Phi sau khi đọc được bài “Cuộc sống hàng ngày với ông ngoại” do cô Thẩm X. đăng trên Internet, đã tải ảnh xuống và sử dụng để đăng lên tài khoản của mình, bịa đặt ra câu chuyện “Một doanh nhân già 73 tuổi giàu có ở Thanh Khê, Đông Quản kết hôn với người đẹp Quảng Tây 29 tuổi và tặng vợ trẻ nhiều tiền, một căn hộ và một chiếc ô tô sang trọng”. Bài viết nói trên sau khi đăng đã được chia sẻ và thảo luận rộng rãi trên Internet, gây nên làn sóng cư dân mạng lăng mạ, sỉ vả, chế giễu cô Thẩm X. “tham tiền”, “vô sỉ”… Số lượng ý kiến thảo luận về thông tin được đăng trên các nền tảng trực tuyến có liên quan thống kê được 75.608 bài, bài viết của Vũ Phi được đăng lại và chia sẻ 31.485 lần và thu hút hơn 470 triệu lượt truy cập, gây tác động xã hội rất tiêu cực. Ngoài ra, bị cáo Vũ Phi còn bịa đặt và đăng tải thông tin phỉ báng một người khác là ông Mẫn Y. trên mạng.

Tòa án nhân dân số 1 thành phố Đông Quản, tỉnh Quảng Đông đã ra phán quyết cho rằng: Vũ Phi bịa chuyện để vu khống người khác trên mạng thông tin xã hội, tình tiết nghiêm trọng, gây nguy hại nghiêm trọng đến trật tự xã hội. Căn cứ vào tình tiết phạm tội của bị cáo cũng như lời thú nhận tội lỗi và xin nhận hình phạt của anh ta, tòa phán quyết phạt Vũ Phi mức án một năm tù giam vì tội phỉ báng. Bản án đã có hiệu lực pháp luật.

Đi tù vì bịa chuyện câu views - Ảnh 1.

Khi nói về ý nghĩa điển hình của vụ án này, “Ý kiến chỉ đạo…” của ba cơ quan nói trên chỉ ra rằng những lời lăng mạ, vu khống truyền thống hầu hết xảy ra giữa những người quen biết nhau. Để bảo vệ tốt hơn quyền riêng tư của những người liên quan và chấn chỉnh quan hệ xã hội ở mức tốt nhất; luật hình sự sẽ xử lý những trường hợp như vậy theo quy định vụ việc chỉ được xử lý khi có khiếu nại và đặt ra các trường hợp ngoại lệ đối với những vụ “gây nguy hại nghiêm trọng đến trật tự xã hội và lợi ích quốc gia”.

Tuy nhiên, với sự ra đời của thời đại Internet, hành vi lăng mạ, vu khống đã có những thay đổi đáng kể về đối tượng. Lấy bạo lực mạng làm ví dụ, những lời lăng mạ và phỉ báng thường được thực hiện đối với người lạ, nạn nhân gặp khó khăn thực tế trong việc xác định thủ phạm và thu thập chứng cứ, đồng thời chi phí bảo vệ quyền lợi là cực kỳ cao.

“Ý kiến chỉ đạo…” được đưa ra lần này chỉ rõ, các cơ quan kiểm sát nên khởi tố công khai theo quy định của pháp luật đối với các hành vi phạm tội xúc phạm và phỉ báng gây nguy hại nghiêm trọng đến trật tự xã hội và lợi ích quốc gia, đồng thời có thể khởi tố theo quy định của pháp luật về phạm tội bạo lực mạng gây tổn hại đến lợi ích xã hội và công cộng. Việc xúc phạm và phỉ báng trên mạng có gây nguy hại nghiêm trọng cho trật tự xã hội hay không cần được xác định dựa trên các yếu tố như đối tượng bị hại, động cơ và mục đích, phương thức hành vi, phạm vi phổ biến thông tin và hậu quả gây hại.

“Ý kiến chỉ đạo…” cũng yêu cầu thể hiện tinh thần trừng phạt nghiêm khắc đối với các tội phạm bạo lực mạng, trọng tâm là trấn áp những kẻ khởi xướng, tổ chức, cổ động ác ý và những người tái phạm. Người nào phạm tội bạo lực mạng thuộc một trong năm trường hợp sau đây thì bị xử phạt nghiêm khắc theo quy định của pháp luật: phạm tội với người vị thành niên hoặc người khuyết tật; tổ chức “côn đồ mạng”, hoặc huy động người khác phạm tội; người bịa đặt các chủ đề liên quan đến tình dục xâm phạm nhân phẩm cá nhân của người khác; người sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo tổng hợp để đưa ra thông tin bất hợp pháp; hành vi phạm tội do các nhà cung cấp dịch vụ mạng khởi xướng và tổ chức.

Theo Sina

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày