Đi tìm chị Lê Duy trong phim Finding Phong, người dặn "đừng có mơ mình sẽ được xem như đàn bà thực thụ"

Bài viết: Hoàng Xuân; Ảnh: Hoàng Long; Video: Hoàng Long, KingPro; Thiết kế: Hoàng Anh, Theo Trí Thức Trẻ 07:31 02/11/2018
Chia sẻ

Lê Duy nói: "Đừng có mơ người ta hoàn toàn coi mình là con gái. Mình đã từng là đàn ông, mình là người chuyển giới, dù có đẹp bao nhiêu nữa cũng không phải là con gái thật. Mình… mình như bông hoa vải vậy, mà người con gái thật người ta là hoa trồng trong chậu, mình không bao giờ so bằng người ta hết… "

- Em đừng nghĩ rằng chuyển giới về thì mình đã là phụ nữ trăm phần trăm. Em đừng nghĩ đàn ông không biết em là người chuyển giới. Không có đâu! Em đừng có mơ!

Đây là câu cảnh báo của Lê Duy, nhân vật phụ làm nghề trang điểm trong bộ phim tài liệu xuất sắc Đi tìm Phong (Finding Phong) với nhân vật chính Lê Ánh Phong.

Khi ấy Phong đang trong quá trình uống nội tiết tố nữ để thay đổi ngoại hình trong vòng một năm trước khi phẫu thuật nam sang nữ. Phong tìm đến Duy để được chỉ cách trang điểm và kiểu tóc cho thật đẹp, thật con gái. 

 Chỉ vì câu nói ấy, tôi quyết định đi tìm Lê Duy.

Đi tìm chị Lê Duy trong phim Finding Phong, người dặn đừng có mơ mình sẽ được xem như đàn bà thực thụ - Ảnh 1.

Duy cũng là một người chuyển giới, thậm chí đã từng mặc áo cô dâu lên xe hoa, đã  có tổng cộng 10 năm hạnh phúc với hai đời chồng.

Còn Phong- đã đau khổ suốt hàng chục năm chỉ vì thấy mình là Chúc Anh Đài phải giả trai đi học, giờ cởi bỏ được lớp lốt, vui sướng như con bướm rực rỡ vừa thoát xác bay vút lên bầu trời.

Tại sao con bướm ấy không được mơ?

“Tôi nghĩ những người như tôi chỉ là bông hoa vải”

Khoảng những năm 1990, Lê Duy đã là diễn viên chính của đoàn cải lương Sông Hương (TP Huế), nhà hát cải lương Long An, tỉnh Long An, đoàn kịch Trẻ thành phố HCM và đóng nhiều bộ phim truyện. Lúc ấy cô vẫn còn là một cậu trai có khuôn mặt mềm mại.

Ngoài diễn cải lương, Duy đi hát nhạc Bolero. Và dù theo dòng nhạc mà người ta thường gắn vội cái mác nhạc não tình nức nở nhưng cô không cố vay mượn cảm xúc rền rĩ. Duy hát mộc và thật. Duy không cố giả giọng cho ra nữ. Duy lại không gây xì căng đan nào. Có lẽ vì một ít nguyên nhân đó, cộng thêm gương mặt hiền hòa bình thường mà Duy không bật lên trên sân khấu ca nhạc thời ấy. Nhưng, cái chất giọng trầm trầm mà da diết, êm ái tự nhiên và nỗi buồn lúc nào cũng phảng phất trong đó khiến người ta nghe lâu dễ nghiện.

Đi tìm chị Lê Duy trong phim Finding Phong, người dặn đừng có mơ mình sẽ được xem như đàn bà thực thụ - Ảnh 3.
Đi tìm chị Lê Duy trong phim Finding Phong, người dặn đừng có mơ mình sẽ được xem như đàn bà thực thụ - Ảnh 4.

23 tuổi, Duy có tên trong danh sách một đoàn nghệ sĩ đi châu Âu lưu diễn. Thời ấy được đi lưu diễn về thì hầu hết sẽ nổi bật thành ngôi sao. Đó gần như là cơ hội thay đổi vị trí của những người làm nghề biểu diễn giai đoạn đó. Nhưng khi cả đoàn đã ngồi trong phòng cách ly chờ bay thì nhận được thông báo sét đánh: về.

Show lưu diễn bị hủy vào phút chót vì lý do gì đó.

Duy bị sốc. Thất vọng. Mất tự tin. Cộng thêm chuyện thất bại trong tình cảm.

Duy mang thể xác con trai. Nhưng từ nhỏ xíu, Duy thích chơi búp bê, thích may váy áo búp bê. Thích nhìn mẹ trang điểm, mặc áo đầm.

Lên 16 tuổi, Duy có rung động sâu sắc với một người con trai. Nhưng, người ta là trai thẳng, không thể yêu một người con trai giống họ. Cho nên Duy cứ yêu đơn phương và thất vọng mãi.

Đến lúc bị hủy show lưu diễn thì những thất vọng lên đến đỉnh điểm. Duy không tin vào giọng hát và nghề hát nữa. Sẵn được nhiều người khen vì tài trang điểm, Duy học thêm, rồi từ Sài Gòn chuyển hẳn ra Hà Nội sống.

Đi tìm chị Lê Duy trong phim Finding Phong, người dặn đừng có mơ mình sẽ được xem như đàn bà thực thụ - Ảnh 5.

Cũng thời điểm này, Duy bắt đầu cho phép bản thân làm những gì mình khao khát. Ban ngày mặc đồ con trai, ban đêm mặc đồ con gái, phấn son, áo váy đi chơi. Duy hạnh phúc trong những giờ phút đó.

Một lần đi bar chơi, có một anh đẹp trai thích Duy quá. Duy cũng thích anh ấy. Duy theo anh về khách sạn. Nhưng khi biết Duy thực ra là con trai, anh ta đạp bung cửa phòng bỏ chạy.

Đi tìm chị Lê Duy trong phim Finding Phong, người dặn đừng có mơ mình sẽ được xem như đàn bà thực thụ - Ảnh 6.

- Từ lúc đó mình quyết định phải chuyển giới. Chuyển giới để mình thực sự được là con gái, từ trong ra ngoài. Chứ thân thể là đàn ông, làm sao mặc được một cái váy đầm, cái áo dài, tô son, đính lông mi lên mắt? Mình muốn yêu một người đàn ông thực sự nên mình phải có vẻ ngoài của một người đàn bà thực sự.

Hơn 30 tuổi, Duy quyết định đi chuyển giới. Nhưng từ quyết định đến khi đủ tiền để thực hiện phẫu thuật là 4 năm dài. Duy phải làm đủ nghề để dành dụm tiền. Rồi trải qua đau đớn thể xác đến mức nhiều người chuyển giới nói nếu biết trước phải đau đớn đến vậy, họ sẽ không phẫu thuật.

- Đánh đổi nhiều thứ tới như vậy để làm con gái thì khi chuyển giới xong chắc Duy mãn nguyện lắm chứ? Tại sao Duy khuyên Phong đừng nghĩ mình là người phụ nữ trăm phần trăm?

- Không chỉ nói Phong đâu, Duy luôn luôn nhắc mình như vậy. Đừng có mơ người ta hoàn toàn coi mình là con gái. Mình đã từng là đàn ông, mình là người chuyển giới, dù có đẹp bao nhiêu nữa cũng không phải là con gái thật. Mình… mình như bông hoa vải vậy, mà người con gái thật người ta là hoa trồng trong chậu, mình không bao giờ so bằng người ta hết… Duy nhắc mình như vậy để cảnh tỉnh mình.

Trước mắt tôi là người phụ nữ có khuôn mặt đẹp và giọng nói trầm trầm dễ chịu. Duy không can thiệp vào thanh đới để sửa giọng cho thanh trong, dù bác sĩ nói chắc là làm được. Duy yêu giọng hát mình, Duy sợ khi can thiệp, giọng hát bị mất đi. Nhưng, một phần cũng vì chất giọng ấy mà khi không thấy mặt, có những người vẫn gọi Duy là “anh”.

- Nhưng bản thân Duy nghĩ về mình như thế nào?

- Duy thấy mình là đàn bà. Rất đàn bà- Duy hất đầu lên rất kiêu hãnh. Rồi ngay lập tức lại rũ xuống, trong một điệu cười khó tả- Nhưng… cũng không phải. Đàn bà là phải biết sinh đẻ. Duy không đẻ được cho chồng mình một đứa con. Người ta đi lấy vợ khác. Nên Duy thấy mình vẫn khiếm khuyết.

Đi tìm chị Lê Duy trong phim Finding Phong, người dặn đừng có mơ mình sẽ được xem như đàn bà thực thụ - Ảnh 8.

Vừa biết mình hết đỗi đàn bà, cùng lúc vẫn cho là mình không thể đạt được cái chuẩn đàn bà thông thường nhất. Ôi cái phức cảm khó thể chia sẻ của những người sinh ra có một cuộc đời quá gian nan.

Đạo diễn Trần Phương Thảo  của phim “Finding Phong” kể Phong cũng từng nói như thế khi giải thích về nỗi đau khổ của cô: “Em có nói mọi người cũng không hiểu đâu”. Phong nói với rất nhiều người. “Anh không hiểu  đâu”. “Chị không hiểu đâu”. Vâng, không ai hiểu thấu nổi những giằng co phức tạp trong tâm trí một người lạc giới. Nhất là trong một xã hội vẫn còn nặng về xét đoán con người qua vẻ bề ngoài, và hầu như bất cứ ai khác thường thì đều bị dán cái mác chung “biến thái” “bệnh hoạn”.

Nếu ra đường mà chung quanh đều có những con mắt kín đáo hoặc ngang nhiên dò xét, có những người kín đáo hoặc ngang nhiên chửi mình là “ đồ bệnh hoạn”, bạn nghĩ sao? Có từng đặt mình vào vị trí những người như Duy?

Đi tìm chị Lê Duy trong phim Finding Phong, người dặn đừng có mơ mình sẽ được xem như đàn bà thực thụ - Ảnh 9.
Đi tìm chị Lê Duy trong phim Finding Phong, người dặn đừng có mơ mình sẽ được xem như đàn bà thực thụ - Ảnh 10.

Mình quen với chuyện đó rồi. Ban đầu thì buồn. Tổn thương lắm. Cứ day dứt hỏi tại sao từ cơ thể đến khuôn mặt mình đã là một người con gái mà vẫn bị họ xì xầm sau lưng: “bê đê”, “nó là đàn ông đấy chứ”! Nhưng 11 năm nay như thế, đến giờ mình không để ý nhiều nữa. Hồi trước có một lần đi hát, MC giới thiệu “nữ ca sĩ Lê Duy”.

Mình mặc áo dài rất đẹp bước ra sân khấu, khán giả ngắm thích lắm. Nhưng khi mình vừa cất tiếng thì khán giả ồ lên một cái rần!

Từ đó về sau mình luôn luôn dặn MC giới thiệu là nữ ca sĩ chuyển giới Lê Duy. Mình không muốn bị lặp lại chuyện đó lần nào nữa. Mình rõ ràng ngay từ đầu trong tất cả các mối quan hệ để mà đừng ảo tưởng về cái gì. Không mơ thì không bị vỡ mộng!

Đúng là tôi sẽ không thể hiểu được tận cùng nỗi lòng của Phong, của Duy, của những người chuyển giới. Nhưng sự chua xót, bất bình luôn cuộn xoáy trong lòng tôi mỗi khi nghe họ kể về cách họ phải đối mặt  mỗi ngày với sự chế giễu xúc phạm. Trong khi họ chẳng làm gì nên tội.

Trên thế giới ngày nay đã có 71 quốc gia công nhận quyền của người chuyển giới. Tại Việt Nam, qua 10 năm, từ Bộ luật Dân sự 2005 đến Bộ luật Dân sự 2015 đã được xem là một bước tiến, vì không còn cấm người đồng tính kết hôn và cũng đã cho phép chuyển giới.

Đi tìm chị Lê Duy trong phim Finding Phong, người dặn đừng có mơ mình sẽ được xem như đàn bà thực thụ - Ảnh 11.

Nhưng cộng đồng LGBTQ vừa thở ra một hơi thì lại phải nén lại, vì quy định này (điều 37) mới chỉ được nêu ra chung chung như vậy. Muốn thực hiện được còn phải sửa đổi rất nhiều điều không thống nhất giữa các bộ luật liên quan như Luật Hôn nhân và gia đình, Luật Hộ tịch, Luật Nghĩa vụ quân sự, Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam… Giải pháp tròn vẹn nhất là cho ra đời một bộ luật Luật chuyển đổi giới tính mới hoàn toàn.

Nhưng cho đến nay, dự thảo bộ luật này vẫn còn đang trong quá trình lấy ý kiến người dân, chưa biết khi nào mới hoàn chỉnh và được thông qua. Và do vậy, dù Hương Giang có là hoa hậu chuyển giới quốc tế 2018 đi nữa, dù Lê Ánh Phong thông qua bộ phim Finding Phong đã truyền cảm hứng yêu thương và tự tin cho những gia đình và cá nhân đang băn khoăn về bản dạng giới bao nhiêu đi nữa… thì với pháp luật Việt Nam hiện hành, họ vẫn là những người chuyển giới “lậu”.

Đi tìm chị Lê Duy trong phim Finding Phong, người dặn đừng có mơ mình sẽ được xem như đàn bà thực thụ - Ảnh 12.

Thực tế, từ hàng chục năm nay, người chuyển giới đang sống ngoài vòng pháp luật do không có chứng minh thư, không sử dụng tên khai sinh, không được thừa nhận thực tế sau phẫu thuật.

“Họ dễ trở thành nhóm bị tổn thương nhất. Nếu một người là chuyển giới nam sang nữ mà bị đàn ông hiếp dâm sẽ không được pháp luật bảo vệ do trên chứng minh thư vẫn là nam. Họ cũng không được bảo vệ về thể chất tinh thần, phải phẫu thuật chui.

Không có cơ sở y tế nào giúp đỡ, người chuyển giới phải chịu nhiều rủi ro vì tự tiêm hormone vào người.”-tiến sĩ Phạm Quỳnh Phương (Viện nghiên cứu văn hóa) nói.

Một người quen biết của TS Phương do khát khao có được cơ thể phụ nữ đã tự tiêm hormone và phải trả giá bằng cái chết.

Mặc dù vậy, mặc kệ tất cả, hàng chục năm nay vẫn có vô số người đi chuyển giới. Vì pháp luật Việt Nam không cho phép nên con số thống kê đều phải tạm tính từ nhiều nguồn. Theo đó, Viện nghiên cứu xã hội, kinh tế và môi trường (iSEE) cho biết mỗi năm Việt Nam có khoảng 1.400 người sang nước ngoài chuyển giới. Đến 2015, ước tính cộng đồng người chuyển giới tại Việt Nam có 270.000 người.

Một con số khác từ Bộ Y tế vào tháng 6/2018 nói cộng đồng đã và muốn chuyển giới tại Việt Nam vào khoảng 300.000-500.000 người.

Một cộng đồng đông đảo đến vậy và vẫn đang không ngừng tăng lên mỗi năm, với những đòi hỏi về quyền con người chính đáng và bức thiết, vậy mà đang gần như vô hình, đang hoàn toàn bị pháp luật bỏ rơi!

Đi tìm chị Lê Duy trong phim Finding Phong, người dặn đừng có mơ mình sẽ được xem như đàn bà thực thụ - Ảnh 13.

Pháp luật định ra quan điểm và thái độ của số đông. Vì pháp luật còn mù mờ nên không ít người dị giới nghĩ rằng mình được quyền kỳ thị và cô lập người chuyển giới. Chịu ảnh hưởng từ điều đó, nhiều người chuyển giới cũng tự cô lập và tự kỳ thị chính mình. Cái vòng tròn đau đớn và bất công đó chỉ có thể được giải quyết tận gốc một khi pháp luật Việt Nam hoàn toàn công nhận người chuyển giới với đầy đủ quyền lợi như mọi cộng đồng khác. 

Khi đó, giống như nhiều nước trên thế giới đã làm, trên giấy tờ nhân thân, mục giới tính ngoài nam/nữ sẽ có thêm một ô: Chuyển giới. Họ cũng không bắt buộc phải trải qua cuộc phẫu thuật bộ phận sinh dục thì mới được công nhận là người chuyển giới, vì không phải ai cũng muốn làm và đủ điều kiện làm. Chỉ cần sau khi làm việc với bác sĩ tâm lý, họ xác định bản dạng giới của mình với pháp luật là đủ, giống như nhiều nước trên thế giới.

Đi tìm chị Lê Duy trong phim Finding Phong, người dặn đừng có mơ mình sẽ được xem như đàn bà thực thụ - Ảnh 14.

Về phần mình, Lê Duy từ lâu đã không mong đợi nhiều nữa. Duy tự an ủi “chỉ cần mình biết mình”. Duy cũng không quan tâm pháp luật giờ đang bàn cãi đến những gì, sẽ tiến triển được hay không. Giấy tờ ghi “ông Nguyễn Trường Duy, giới tính: nam”. Kệ. Người ta gọi bằng anh, kệ. Duy đi hát, người ta châm chọc “Gọi bằng chị hay bằng anh đây”.

Kệ.

Vì Duy giãy giụa mãi mà những đòi hỏi tưởng như giản đơn nhất đó vẫn ngoài tầm tay. Duy đã cố với hàng chục năm rồi, hơn nửa cuộc đời, vẫn chưa tới được.

Đi tìm chị Lê Duy trong phim Finding Phong, người dặn đừng có mơ mình sẽ được xem như đàn bà thực thụ - Ảnh 15.
TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày