Đi ngược xu hướng, dân freelancer quay trở lại văn phòng dù thu nhập thấp hơn

Tô Diệp, Theo Phụ nữ Việt Nam 15:30 05/01/2024

Hiện nay, không ít freelancer đang “rục rịch” tìm cách quay lại làm công việc văn phòng. Tại sao vậy?

Tìm kiếm cơ hội phát triển rõ ràng hơn

Mai Phương (sinh năm 1999, Hà Nội) đã làm freelancer toàn thời gian 2 năm trước khi trở lại văn phòng vào cuối năm nay. Cô bạn bén duyên với nghề này khi Covid-19 bùng phát, bị cắt giảm hơn 40% lương và phải chuyển đổi làm việc từ xa. Để đảm bảo thu nhập, cô cố gắng tìm kiếm thêm những dự án làm việc từ xa khác.

Cuộc sống freelance giúp Mai Phương phát huy tối đa khả năng của bản thân và phát triển nhanh hơn so với đi làm văn phòng trước đó. Bên cạnh đó, sức khỏe thể chất và tinh thần cũng được cải thiện rõ rệt vì không còn rơi vào trạng thái burn out (kiệt quệ) dù làm việc nhiều hơn. Do cô bạn vẫn sắp xếp được thời gian tập thể thao, học thêm kỹ năng mới và mở rộng các mối quan hệ. Vì vậy, Mai Phương đã quyết định làm freelancer toàn thời gian.

“Mình đưa ra quyết định đi làm văn phòng chỉ trong một thoáng chốc, giữa lúc cuộc sống freelance của mình vẫn ổn định. Nhờ các mối quan hệ thân thiết, mình đã kết nối với bài đăng tuyển dụng làm truyền thông trong ngành Kiến trúc. Cân lên đặt xuống giữa “được” và “mất”, cuối cùng mình ứng tuyển. Và rồi trúng tuyển. Vậy là mình đi làm văn phòng trở lại”. Hiện cô bạn là một cây viết song ngữ, đồng thời là một chuyên viên truyền thông trong ngách Kiến trúc và ngách Sức khỏe.

Mai Phương chọn trở lại làm văn phòng bởi công ty đó là một tên tuổi có tiếng trong ngành kiến trúc. Làm việc tại đây sẽ giúp cô bạn xây dựng thương hiệu cá nhân, gia tăng uy tín khi gặp gỡ các đối tác trong ngành về sau này.

Đi ngược xu hướng, dân freelancer quay trở lại văn phòng dù thu nhập thấp hơn - Ảnh 1.

Ảnh minh họa - Pinterest

Cũng giống Mai Phương, Minh Thư (sinh năm 2000, TP Hồ Chí Minh) đã quyết định trở lại văn phòng sau 10 tháng làm freelancer toàn thời gian. “Mình quyết định làm freelancer vào thời điểm đó vì mình muốn được trải nghiệm thử xem có phù hợp với bản thân không. Đồng thời, mình cũng là một người thích đi du lịch. Làm freelancer đem lại sự tự do về không gian làm việc nên đã đi được rất nhiều nơi”.

Tuy nhiên, do cảm thấy tốc độ phát triển về mặt chuyên môn của mình khi làm freelancer chậm hơn khi mình làm văn phòng, cô bạn đã quyết định trở lại môi trường công sở. Hiện tại Minh Thư đang làm trong ngành Affiliate Marketing. Khi làm văn phòng được tham gia vào các dự án lớn hơn, có sếp và đồng nghiệp hỗ trợ giúp cô bạn cảm thấy tự tin hơn. Lộ trình thăng tiến cũng rõ ràng hơn.

Về thu nhập, nếu làm freelancer có nhiều dự án thì thu nhập sẽ cao hơn so với làm văn phòng, nhưng đồng nghĩa với việc bấp bênh hơn và phải cố gắng nhiều để duy trì hoặc tìm khách hàng mới liên tục. Hiện tại, Minh Thư vừa làm văn phòng vừa nhận các công việc freelance nên cũng không có quá nhiều sự thay đổi trong thu nhập.

Đi ngược xu hướng, dân freelancer quay trở lại văn phòng dù thu nhập thấp hơn - Ảnh 2.

Minh Thư - Ảnh: NVCC

Còn đối với Mai Phương, thu nhập hiện tại với thời làm freelancer toàn thời gian thấp hơn nhưng không nhiều. Vì cô bạn không còn nhận được nhiều dự án như trước do chỉ có thể làm việc freelance sau khi đã tan làm ở văn phòng.

Freelancer có còn là xu hướng?

Mai Phương vẫn cho rằng freelancer là một xu hướng được quan tâm hay thậm chí đó còn là đích đến trong lộ trình sự nghiệp của nhiều người. Bằng mắt thường cũng dễ dàng nhận thấy các bài đăng tuyển freelancer hay làm việc từ xa luôn nhận được rất nhiều tương tác. Tuy nhiên, công việc này không hoàn toàn màu hồng.

Khi làm việc freelance toàn thời gian, bạn buộc phải có kỹ năng quản lý, từ quản lý thời gian, quản lý khách hàng, quản lý tài chính, cho tới quản lý chính bản thân mình. Đó mới chỉ là điều kiện cần. Điều kiện đủ còn các yếu tố khác như chuyên môn, kinh nghiệm, kỹ năng đàm phán - thuyết phục, kỹ năng thích ứng và học hỏi, tư duy kinh doanh, tư duy chiến lược...

Đặc biệt, freelancer không nên chọn cạnh tranh về giá. Giá càng thấp vừa phá giá thị trường chung, vừa khiến chính freelancer mãi luẩn quẩn và dậm chân tại chỗ, không phát triển và cũng không thể chạm tới điểm “tự do" trong freelance.

Theo Minh Thư, freelancer thật sự rất áp lực trong việc giữ chân khách hàng và tìm kiếm khách mới. Vì không có gì cam kết giữa cả hai, thông thường khách hàng chỉ làm cùng trong thời gian ngắn, freelancer phải luôn trong trạng thái tìm các dự án mới. Bên cạnh đó, hiện tại rất khó để tìm công việc freelancer. Một phần các doanh nghiệp cắt giảm kinh phí, hơn thế nữa, freelancer bây giờ nhiều quá nên mức độ cạnh tranh cao.

“Hãy thử đặt một freelancer và một nhân viên làm việc tại văn phòng lên bàn cân. Làm sao để người tuyển dụng chọn freelancer thay cho một người làm việc tại văn phòng 9-5? Đó nên là những thế mạnh vượt trội, kinh nghiệm ấn tượng, hoặc những dịch vụ/ đề xuất/ giải pháp tối ưu và khả năng hiện thực hóa những đề xuất đó”, Mai Phương chia sẻ.

Các cụ đã có câu “mây tầng nào gặp mây tầng đó”. Chỉ khi freelancer phát triển và hoàn thiện những kỹ năng lẫn chuyên môn, khi đó mới gặp được những khách hàng “xịn", ký được những hợp đồng có giá trị, kết nối được những công việc hay ho, nổi bật giữa vô vàn freelancer trên thị trường việc làm.