Hiện nay, nhiều bạn trẻ có xu hướng trở thành freelancer vì một số ưu điểm nổi bật của ngành nghề này, chẳng hạn linh hoạt về thời gian cũng như thu nhập, có cơ hội làm việc trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Tuy nhiên, nó có một nhược điểm đó là mức thu nhập của freelancer cũng không cố định. Do vậy, họ cần chú trọng đến cách quản lý chi tiêu để không bị rơi vào áp lực tài chính.
Cùng gặp gỡ 2 bạn trẻ sau đây để hiểu hơn về cách chi tiêu của freelancer:
- Ý Nhi, 23 tuổi, Đà Nẵng, đã làm freelance 1 năm
- Đức Chi, 26 tuổi, Hà Nội có kinh nghiệm làm freelancer khá lâu và khá nhiều lần. Cô bạn vừa trở lại làm freelancer toàn thời gian sau khi nghỉ công việc văn phòng 6 tháng trước.
Ý Nhi chia sẻ hàng tháng bản thân chi khoảng 16-20 triệu đồng. Trong đó, những khoản chi lớn nhất bao gồm tiền thuê nhà khoảng 4,7 triệu, tập gym 7 triệu, ăn uống 4 triệu đồng. Hiện tại, cô bạn đang thuê căn nhà rộng 55m2 nhiều tiện ích với mức giá đắt gấp 3 lần căn cũ. Tuy nhiên, Ý Nhi vẫn cho rằng đây là khoản chi khá phù hợp bởi vì cô bạn thường làm việc ở nhà để tối đa hóa hiệu suất công việc thay vì ra cà phê.
“Mình tập ở phòng cá nhân, có HLV riêng. Lúc trước mình tự tập ở nhà, bị sai tư thế dẫn đến võng lưng. Tự tập khó có thể kỷ luật được. Thêm nữa giai đoạn tháng 4 sức khỏe mình đi xuống quá trầm trọng nên mình thấy đây là khoảng đầu tư cực kỳ xứng đáng nhất trong năm 2023. Nhờ vậy, mình đã gần như thay đổi ngoạn mục về sức khỏe, ngoại hình. Từ đó, hiệu suất làm việc cũng tăng lên nhiều”.
Cùng với tập gym, cô bạn cũng chú trọng về ăn uống đủ bữa, đủ chất và healthy. Cô bạn thường cố gắng tự nấu ăn để tiết kiệm hơn, tuy nhiên một nửa số bữa Ý Nhi ăn ngoài vì công việc khá bận.
Những khoản chi phí cố định khác bao gồm đầu tư cho kiến thức; mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, đi lại, tiền gửi về cho gia đình. Ngoài ra, cô bạn thường đi du lịch 2-3 tháng/lần rơi vào khoảng 5-7 triệu.
Ý Nhi - Ảnh: NVCC
Bên cạnh đó, hàng tháng Đức Chi chi khoảng 15 triệu đồng, trong đó 5,5 triệu chi phí thuê nhà ở 1 mình, khoảng 4 triệu tiền ăn, 500 nghìn xăng xe di chuyển. Ngoài ra cô bạn chi khoảng 4-5 triệu đồng cho đi cà phê, ăn ngoài, mua sắm và du lịch.
“Khoản chi tiêu vì sở thích cá nhân và hưởng thụ của mình khá vô vàn và không cố định. Ví dụ, đến tháng đổi mùa, mình sẽ chi vài triệu mua quần áo mới, hay có tháng làm chuyến du lịch. Trong đó, hàng tháng mình chi khoảng 2 triệu cho cà phê để làm việc, bởi vì mình muốn đổi cảnh để có thêm nhiều động lực hơn”.
Vì làm freelancer được tự chủ về thời gian, tần suất Đức Chi đi du lịch nhiều hơn hẳn khi làm văn phòng. Ví dụ trước đây làm văn phòng chỉ có thể xin nghỉ phép 1 lần/năm, trong 6 tháng nghỉ vừa qua, cô bạn đã đi 2 chuyến dài ngày và 2 chuyến ngắn ngày. “Đây là cách mình “trả thù” cho quãng thời gian không được đi chơi nhiều vì gò bó làm văn phòng và đại dịch. Chi phí cho các chuyến đi này tất nhiên là khá lớn với mình, ít nhất tầm 30 triệu đồng. Tuy nhiên mình coi như đó là tự thưởng bản thân sau nhiều năm làm việc vất vả và coi như tiêu vào khoản tiết kiệm hưởng thụ của mình”.
Ảnh minh họa - Pinterest
Đối với Đức Chi, khoản mục chi phí mà freelancer khác biệt nhất so với dân văn phòng là du lịch. Trong khi đó, với Ý Nhi đó là khoản mục đầu tư vào việc học và nâng cao năng lực bản thân nhất. Cô bạn chia sẻ rằng thị trường freelancer tiềm năng nhưng cũng cực kỳ cạnh tranh, mỗi ngày có hàng trăm nghìn freelancer, các doanh nghiệp tuyển dụng rất nhiều. Đặc biệt là đối với lĩnh vực content marketing, bắt buộc người làm tự do kể cả dân văn phòng phải luôn cập nhật thông tin, liên tục trau dồi và phát triển kỹ năng.
“Khác với dân văn phòng có mức lương tạm gọi là ổn định hàng tháng, freelancer sẽ làm việc theo dự án, theo các công việc khác nhau. Chính vì thế thu nhập cũng sẽ phụ thuộc vào số lượng công việc bạn nhận, mức lương mà khách hàng chi trả. Điều đó yêu cầu freelance phải chủ động hơn trong công việc và nên có thương hiệu cá nhân tốt. Nếu không bạn sẽ rơi vào trạng thái “bấp bênh” như cách mà nhiều người hay bảo làm tự do là “không ổn định”.
Mặt khác, làm tự do thường sẽ không có cố định một mức lương hàng tháng cũng như không có lương thưởng lễ Tết, do vậy freelancer cũng cần cẩn trọng hơn khi lập kế hoạch chi tiêu. Theo Đức Chi, freelancer cũng cần có 1 khoản cất đi đề phòng rủi ro chẳng hạn tháng đó kiếm được ít hay cần đột xuất lại không có. Và dù làm việc kiểu gì, thu nhập thế nào, cũng cần cố gắng tiết kiệm tối thiểu 20% tổng thu nhập.
Ảnh minh họa - Pinterest
Còn đối với Ý Nhi, nếu không có kế hoạch rõ ràng, chi tiết các khoản chi tiêu và tiết kiệm dự phòng, bạn sẽ dễ dàng lâm vào tình trạng khó khăn tài chính. Nó dẫn đến xu hướng tự hạ thấp giá công việc khi deal với khách cực kỳ bất lợi, mất cân bằng dẫn đến áp lực không trụ được với nghề.
Đây là 4 cách Ý Nhi áp dụng để quản lý tài chính:
- Luôn ghi lại chi tiêu: Bạn phải cần biết tiền của bản thân đã được chi vào những khoản gì và bao nhiêu.
- Luôn tiết kiệm ít nhất 10-15% thu nhập mỗi tháng và cắt giảm chi tiêu những khoản không cần thiết:
- Phải có mục tiêu tiết kiệm: Việc đặt ra mục tiêu và thiết lập kế hoạch khoa học sẽ giúp bạn tạo ra sự tập trung và động lực, giảm bớt sự trì hoãn. Hơn nữa có định hướng rõ ràng mới có thể giúp bạn quản lý được các vấn đề khác trong cuộc sống không riêng gì tiền, định hình được kế hoạch phát triển cá nhân.
- Chọn hình thức tiết kiệm thông minh và mở rộng nhiều nguồn thu nhập thụ động.