Đi làm 8 năm, tôi rút ra 5 bài học: Không nên nhảy việc, vạch kế hoạch quản lý tiền giúp tôi hiểu rõ vị trí và hướng đi; học tiếng Anh, đọc sách, vận động là không bao giờ thừa

Tú An, Theo Trí Thức Trẻ 11:47 02/08/2019

Những câu chuyện bắt nguồn từ suy nghĩ “còn trẻ mà, cứ đổi nghề, nhảy việc”, kết cục đa phần là buồn.

Nhìn những người còn đang loay hoay tìm việc, loay hoay khẳng định mình, tôi hốt hoảng với suy nghĩ: Thời gian giống như một tên trộm, lặng lẽ lấy mất thanh xuân của chúng ta. Tính từ năm 2011 tốt nghiệp đến bây giờ, tôi đã đi làm được 8 năm rồi. 8 năm tại nơi làm việc của tôi, có vui có buồn, có cảm giác thành tựu cũng có cảm giác thất bại, có thu hoạch cũng có tiếc nuối...

1. Giữa công ty lớn và công ty khởi nghiệp, hãy chọn công ty lớn

Nếu bạn trúng tuyển công ty lớn và công ty khởi nghiệp cùng lúc, hãy chọn công ty lớn trước, bởi vì công ty lớn có thực lực hùng hậu, nền tảng vững chắc, cơ hội dồi dào.

Hồi mới đi làm tôi vẫn khá may mắn, tuy công ty của tôi không nổi tiếng, nhưng cũng được tính là doanh nghiệp lớn tương đối có quy mô của thành phố.

Vừa vào hai tháng, là nhân viên đang trong giai đoạn tìm tòi học hỏi nhưng tôi đã có cơ hội được tham dự Hội chợ xuất nhập khẩu (Hay Canton Fair, được tổ chức từ năm 1957 tại Quảng Châu và là Hội chợ Thương mại lớn nhất thế giới hiện nay, thu hút hơn 24.000 công ty thương mại nước ngoài hay nhất, có uy tín tốt và khả năng tài chính mạnh của Trung Quốc, cùng với 500 công ty nước ngoài tham gia). Nhờ đó mà vốn tiếng Anh học xong bỏ đó của tôi cũng được nâng cao, tôi không còn căng thẳng khi gặp gỡ người nước ngoài nữa, ngược lại cảm thấy rất gần gũi.

Nếu vào một công ty nhỏ, hạn chế thăng tiến đi cùng áp lực tài chính, tôi sợ là phải đợi rất lâu mới được trải nghiệm. Đồng thời công việc đầu tiên cũng đã giúp tôi nhanh chóng hiểu rõ toàn bộ quy trình làm việc của nghề. Cho nên từ 2011 đến 2012, là hai năm mang đến cảm giác thành tựu cho tôi!

Đi làm 8 năm, tôi rút ra 5 bài học: Không nên nhảy việc, vạch kế hoạch quản lý tiền giúp tôi hiểu rõ vị trí và hướng đi; học tiếng Anh, đọc sách, vận động là không bao giờ thừa - Ảnh 1.

2. Đừng đổi nghề dễ dàng

Từ 2013 đến 2014 là khoảng thời gian tương đối “ngu ngốc” của tôi, mỗi khi hồi tưởng tôi lại hối hận không dứt về hai năm đã qua ấy, luôn cảm thấy bản thân đã lãng phí quá nhiều thời gian tốt đẹp.

Do chuyển sang thành phố khác, tôi buộc phải xin nghỉ ở công ty đầu. Đến thành phố mới, môi trường mới, tôi cảm thấy tương lai mờ mịt, lại sốt ruột mong muốn một công việc ổn định nên chỉ trong hai năm mà tôi đã đổi đến ba nghề, lương còn không tăng chứ đừng nói đến cảm giác thành tựu trong sự nghiệp, suốt thời gian đó tôi sống mơ mơ màng màng.

Nếu có thể đừng bỏ ngành nghề hiện tại, trừ phi bạn thấy rõ manh mối mà bản thân chiếm ưu thế, bằng không thì từ bỏ những thứ trước kia tích lũy được, cái giá phải trả sẽ rất đắt.

Năm 2015, sau khi cân nhắc và so sánh cẩn thận, tôi đã chọn công ty hiện tại, đến giờ cũng được 5 năm rồi. Nguyên nhân của sự lựa chọn này: Một là công ty tôi được coi là doanh nghiệp hàng đầu trong ngành, nổi tiếng tại nơi tôi sống. Hai là công ty có trường mầm non và nơi gửi trẻ nhỏ, hơn nữa còn hỗ trợ một phần học phí.

Năm đó con tôi vừa chào đời, cũng chưa mua nhà ở đây, suy nghĩ đến việc đi học vài năm sau của con mình thì đây thật sự là một điều kiện hấp dẫn. Tuy đến bây giờ thì phúc lợi đó không dùng được nữa, nhưng tổng thể mà nói điều thứ hai này cũng là một trong những nguyên nhân quan trọng khiến tôi chọn công ty.

Ba là công ty có tiếng, thực lực hùng hậu, khách hàng ổn định, nhiều cơ hội, phúc lợi đầy đủ. Thực tế chứng minh đúng thật là như vậy, đi làm vài năm, công ty chưa bao giờ trả lương muộn lấy một ngày, gặp ngày nghỉ lễ, đều sẽ phát lương trước đó.

Một lần đổi nghề là một lần đứt gánh giữa đường, rơi xuống một tầng của kim tự tháp, trình độ lại quay trở về tầm thường như số đông. Thời gian là hữu hạn, một lần đổi nghề đồng nghĩa với nguy cơ trở lại làm một người không giỏi mặt nào, đóng cho mình dấu ấn bi kịch của một kẻ mất phương hướng.

Vì vậy chúng ta nên suy nghĩ nghiêm túc trước khi đổi nghề để xem mình có thể đổi hay không:

- Nếu như muốn đổi nghề, bạn hiểu rõ yêu cầu mà ngành nghề mới dành cho bạn không? Bạn có thể hoàn thành không?

- Bạn đã đọc qua ba quyển sách cơ bản nhất, khô khan nhất của ngành nghề mới chưa?

- Có thể tìm hiểu ngành nghề mới thông qua Google, sau khi hiểu rõ, suy nghĩ đến những rắc rối của nghề, bạn chịu đựng được chứ?

Đi làm 8 năm, tôi rút ra 5 bài học: Không nên nhảy việc, vạch kế hoạch quản lý tiền giúp tôi hiểu rõ vị trí và hướng đi; học tiếng Anh, đọc sách, vận động là không bao giờ thừa - Ảnh 2.

3. Đừng nhảy việc dễ dàng

Như phần trên tôi đã kể, hai năm đổi ba ngành, đương nhiên tôi cũng đổi ba công ty. Bây giờ nghĩ lại mỗi lần lựa chọn tôi đều không suy nghĩ cẩn thận, chỉ mang tâm thái thử nghiệm nhận việc, dẫn đến kết cục đau khổ sau này.

Cho dù chọn lựa con đường nào, đều cần suy nghĩ kỹ càng rồi hãy hành động, cố đừng để xuất hiện tình huống giữa chừng nuốt lời rồi lại đổi nghề, nhảy việc. Đổi nghề, nhảy việc đồng nghĩa bạn phải vứt bỏ mọi thành tích đã có, bởi vì có thể những thành tích ấy không hề có ích gì với công việc hiện giờ của bạn. Bạn không thể cứ ôm những thứ của quá khứ để ứng phó hiện tại.

Từ 2015 đến 2019 tôi không nhảy việc, mặc dù lương tăng không nhiều, nhưng đảm bảo năm nào cũng tăng, đặc biệt tiền thưởng cuối năm kha khá, coi như từng bước đi lên. Đây chính là lợi ích mà người nhảy việc liên tục không tài nào hưởng thụ!

Vì vậy chúng ta nên suy nghĩ nghiêm túc trước khi nhảy việc, xem thử rốt cuộc là tại sao?

- Đổi việc hay đổi mức lương;

- Đổi năng lực hay đổi môi trường;

- Đổi các mối quan hệ hay đổi sếp;

- Đổi nghề hay đổi sở thích;

- Đổi tâm trạng hay đổi giá trị.

4. Nên có kế hoạch quản lý tài chính từ sớm

Có câu nói “nổi tiếng phải nhân lúc còn sớm”, quản lý tài chính cũng như vậy, nếu lúc trẻ bạn vẫn chưa có nhiều tiền, vậy nhất định phải nhớ “quản lý tài chính phải nhân lúc còn sớm". Đến năm 2015 tôi mới bắt đầu học cách quản lý tài chính và thực hiện nó, khi đó tôi đã tốt nghiệp rất lâu rồi, khởi đầu thật sự quá muộn nên thường nghĩ rằng nếu như từ năm 2011 tốt nghiệp tôi bắt đầu thì hay biết mấy, có kế hoạch rồi thì tôi sẽ không mơ hồ nữa.

Vạch ra kế hoạch quản lý tài chính, tôi càng hiểu rõ vị trí lúc này của mình, càng biết rõ hướng đi tiếp theo của mình.

Tôi nhớ trước đây từng trò chuyện cùng bạn bè về chủ đề tiền và công việc. Khi một người kiếm tiền đủ nhiều, đủ để chống lưng cho anh ta, đến lúc không muốn làm nữa, anh ta có thể thẳng thừng nói: "Tôi nghỉ! Không làm nữa!". Nghĩ thôi cũng thấy sảng khoái! Vậy nên, vì để sớm kiểm đủ tiền và được tùy hứng, hãy học cách quản lý, vạch kế hoạch nghề nghiệp, càng bắt đầu sớm càng tốt!

Đi làm 8 năm, tôi rút ra 5 bài học: Không nên nhảy việc, vạch kế hoạch quản lý tiền giúp tôi hiểu rõ vị trí và hướng đi; học tiếng Anh, đọc sách, vận động là không bao giờ thừa - Ảnh 3.

5. Bất kỳ thời điểm nào, đừng quên tự "nạp điện" cho mình

Thời gian trước tôi có xem một đoạn video phỏng vấn cô gái từng làm phiên dịch cho Chủ tịch nước và Thủ tướng, lương giờ ngang với lương tháng của người bình thường, tất cả đều bắt nguồn từ tính kỷ luật cao của cô ấy.

Nghe nói trong một năm cô ấy đi công tác ít nhất nửa năm, thời điểm bận rộn nhất đã từng thực hiện 12 buổi phiên dịch trong một ngày, thậm chí có khi vừa xuống máy bay, còn chưa kịp làm quen với múi giờ đã bị gọi đi làm việc tiếp!

Nhưng cho dù có mệt mỏi bao nhiêu, hằng ngày cứ đúng 8 giờ sáng cô ấy sẽ mở ti vi và radio lên nghe đài BBC, VOA, CNN, đó luôn là thói quen không bao giờ bỏ của cô ấy! Vâng, sự ưu tú của cô ấy đã trở thành một loại thói quen.

Dù ở bất kỳ thời điểm nào, đừng quên tự “nạp điện” cho mình, duy trì khả năng học hỏi.

Trước mắt tôi dồn sự kiên trì vào tiếng Anh, đọc sách và vận động.

Tiếng Anh: Có liên quan đến công việc của tôi, tôi sẽ kiên trì học tiếp, học khẩu ngữ tiếng Anh thật sự rất thú vị. Khi bạn nhận ra mình có thể dùng những kiến thức thu được để nói ra một câu tiếng Anh đúng chuẩn, cảm giác thành tựu ấy là động lực thúc đẩy sự cố gắng. Quá trình học tiếng Anh cần tuân theo nguyên tắc “ít chính là nhiều, chậm chính là nhanh”, mỗi ngày giữ vững tinh thần rèn luyện, chăm tra từ điển, hiểu ý câu và cách dùng từ vào thời gian rảnh, khẩu ngữ tiếng Anh thật ra không hề khó.

Đọc sách: Mỗi người đều sẽ có thời kỳ lười biếng và buông thả, hãy tự nhắc mình không ngừng theo đuổi một cuộc sống tốt hơn, đọc sách chính là lời nhắc nhở tuyệt vời nhất. Những điều mà hiện tại vẫn chưa có khả năng thực hiện được viết trên trang sách chính là động lực tinh thần lớn nhất.

Vận động: Có quá nhiều lợi ích của vận động. Để được mạnh khỏe, tôi biết sẽ rất gian nan. Tôi không kỳ vọng ngày hôm sau sẽ gầy hơn được bao nhiêu, mà là khi tôi 50 tuổi, trông vẫn như 30, cho nên ước nguyện ban đầu của việc tập luyện không chỉ vì để cho người khác thấy, mà quan trọng là để trở thành một người có thể vượt qua thử thách của năm tháng!