Đi học tiết kiệm được 150 triệu nhưng mất sạch, ôm một đống nợ vì sai lầm nhiều người trẻ mắc phải!

Ngọc Linh, Theo Phụ nữ mới 06:36 28/10/2024
Chia sẻ

4 năm sinh viên cố gắng lắm mới tiết kiệm được 150 triệu, vậy mà…

Nếu không muốn mất tiền, đừng coi thường những “cái bẫy” này, kẻo có ngày hối hận cũng đã muộn.

Bị lừa mất 150 triệu vì… ham làm giàu nhanh

Mới đây, trong một cộng đồng chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức quản lý tài chính cá nhân, một cô sinh viên mới ra trường đã kể lại câu chuyện có phần đáng buồn của mình. Chuyện là cô bạn tiết kiệm được 150 triệu trong 4 năm học đại học. Tuy nhiên, vì quá tin người và ham làm giàu nhanh, nên hiện tại số tiền tích góp bao năm đã bị lừa hết sạch.

Đi học tiết kiệm được 150 triệu nhưng mất sạch, ôm một đống nợ vì sai lầm nhiều người trẻ mắc phải!- Ảnh 1.

Cô gái kể lại câu chuyện này với hy vọng mọi người đừng đi vào vết xe đổ “ham giàu nhanh” như mình

Trong phần bình luận của bài đăng, nhiều người cũng khuyên cô bạn nên coi đây là bài học sâu sắc. Số tiền 150 triệu đương nhiên không phải nhỏ, nhưng bản thân còn trẻ, còn nhiều cơ hội kiếm tiền và quan trọng nhất là sai một lần, để còn biết đường mà tránh.

Có thể thấy, nhiều bạn trẻ ngày nay đã mon men bước chân vào thị trường chứng khoán từ rất sớm, một phần vì đặc điểm của thị trường này là có thể bắt đầu với số vốn không quá lớn. Ham đầu tư, ham học hỏi và trải nghiệm là tốt. Dẫu vậy, cũng đừng mù quáng mà tin rằng mình có thể “giàu nhanh”.

Theo anh Gerard Do - Người quản lý hệ sinh thái khởi nghiệp tại Trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo Quốc gia, đồng thời là tác giả cuốn sách Nguyên tắc cơ bản trong đầu tư, có 2 “hũ mật” mà các NĐT non trẻ tuyệt đối phải tránh: Các thông tin phím hàng và những lời hứa hẹn quá tốt về tỷ suất sinh lời.

Đi học tiết kiệm được 150 triệu nhưng mất sạch, ôm một đống nợ vì sai lầm nhiều người trẻ mắc phải!- Ảnh 2.

Anh Gerard Do

“Việc lắng nghe các “chuyên gia” phím hàng trên livestream, các buổi hội thảo hay những sự kiện tương tự là dấu hiệu đầu tiên của việc bạn đang bị lừa. Càng đông người nghe, bạn càng dễ bị thua lỗ vì nếu tất cả người nghe đều tin tưởng và mua theo thông tin được phím hàng, vậy ai sẽ là người thua lỗ ở đầu bên kia của giao dịch? Chẳng lẽ tất cả đều sẽ thắng tiền hay sao? Bạn phải luôn ghi nhớ câu nói sau đây: Nếu đã ngồi vào bàn chơi 30 phút mà vẫn chưa biết ai là “gà thì bạn chính là gà đó!”

Ngoài ra, bạn cũng phải nhớ rằng trên TTCK, không bao giờ có bữa ăn miễn phí. Mỗi khi có người nói với bạn rằng bạn không cần làm gì nhiều ngoài việc bỏ ra một số vốn, rồi tiền lời sẽ tự động sinh lời, tự động chảy vào tài khoản, bạn hãy mặc định rằng họ chỉ đang muốn lấy số tiền vốn của bạn mà thôi” - Anh Gerard Do nhấn mạnh.

Vừa là sinh viên, vừa là “Chúa chổm” vì vập vào việc vay app tín dụng đen

Cách đây chưa lâu, trên MXH cũng lan truyền bức ảnh các khoản nợ của 1 bạn sinh viên, khiến ai xem cũng phải rùng mình. Các khoản nợ này được một người chị ghi chép và chia sẻ lại. Cô cho biết người em của mình đã sa đà vào việc vay tiền qua các app tín dụng đen. Những khoản vay lắt nhắt chỉ từ vài trăm ngàn tới vài triệu đồng, nhưng khi cộng lại, con số cũng lên tới tiền trăm triệu chứ không hề ít.

Đi học tiết kiệm được 150 triệu nhưng mất sạch, ôm một đống nợ vì sai lầm nhiều người trẻ mắc phải!- Ảnh 3.

Những con số trong này toàn là tiền vay từ các app tín dụng đen…

Nếu bạn chưa biết: App tín dụng đen (hay còn được gọi là app đen) là các ứng dụng di động hoặc website trực tuyến, cung cấp dịch vụ vay tiền một cách bất hợp pháp, không được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cấp phép, bảo hộ. Đặc biệt, app tín dụng đen cho vay với mức lãi suất từ cao đến rất cao, lãi tính theo ngày, cách tính lãi không tuân theo bất cứ quy định nào của pháp luật hiện hành.

Vay tiền không phải là điều gì sai trái hay đáng bị chỉ trích, tuy nhiên, thói quen vay tiền - mà lại là vay ở các app tín dụng đen thì khác. Hiện tại, việc ứng tiền nhanh hoặc vay tiền nhanh quá đơn giản, dễ dàng nên nhiều bạn trẻ thường không suy nghĩ nhiều, cứ bí tiền là mở app, vay một khoản nhỏ vài ba triệu với suy nghĩ “ít thôi mà, trả 2-3 tháng là xong”. Lâu dần, lối suy nghĩ ấy sẽ tạo nên thói quen vay tiền vô tội vạ. Vòng xoáy nợ nần tiếp diễn liên hồi, không điểm kết.

Bởi thế, thay vì ỷ lại vào các ứng dụng ứng tiền nhanh, vay tiền nhanh, hay các app tín dụng đen, hãy tập quản lý chi tiêu, tiết kiệm trước số tiền cần chi cho các mục đích lớn. Và đừng quên: Bản thân còn chưa thể tự kiếm tiền để nuôi thân, vẫn còn phải xin trợ cấp từ bố mẹ hàng tháng, bản thân bạn cũng không có quyền được đi vay tiền mà không xin phép bố mẹ!

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày