Đã từng một lần đến đây từ thuở còn là học sinh trung học, ký ức về chuyến đi Củ Chi khi ấy là những đường hầm tối om, không khí âm ẩm, và những lần khom lưng di chuyển từng bước nhỏ trong lòng đất.
Gần 15 năm trôi qua, trở lại Củ Chi lần này với một tâm thế khác, mình không còn là đứa học sinh cấp 2 ngơ ngác giữa vùng đất đỏ, mà là một người đã lớn, đã hiểu và biết trân trọng hơn giá trị của lịch sử. Và mình nhận ra, những gì từng thấy chỉ là một phần rất nhỏ. Nhỏ như chính những con hẻm hun hút dưới lòng đất, nơi mà mỗi nhịp thở, mỗi bước chân đều chứa đựng bao gian khổ và lòng quả cảm của một thời máu lửa.
Thêm vào đó, hình ảnh về bộ phim “Địa đạo” vừa xem cách đây ít hôm như được thổi hồn vào thực tại. Cảnh người lính du kích cùng nhau sinh hoạt, cùng nhau chiến đấu không còn là hình ảnh trên màn ảnh mà trở nên sống động ngay trước mắt.
Với tâm thế của một người vừa xem phim, vừa mang theo những câu hỏi chưa lời đáp về lịch sử, mình tìm đến Củ Chi qua một hành trình trong ngày - ngắn thôi, nhưng đủ để chạm đến một phần ký ức hào hùng.
Đi địa đạo Củ Chi đi em, để tận mắt thấy đất thép khiến thế giới phải thán phục, để thấy hòa bình đẹp lắm!
Đi Củ Chi đi em, để lắng nghe đất kể lại những năm tháng chiến đấu gan lì, bất khuất
Hiện nay, Củ Chi có hai khu vực địa đạo nổi bật là Bến Đình và Bến Dược, mỗi nơi đều mang một nét đặc trưng riêng trong hành trình tìm hiểu lịch sử. Bến Đình nằm gần trung tâm hơn, thuận tiện cho việc di chuyển nên thường được các tour quốc tế lựa chọn. Trong khi đó, Bến Dược lại là điểm đến yêu thích của du khách Việt nhờ không gian rộng, chiều sâu lịch sử cùng khu “vùng giải phóng” tái hiện đời sống kháng chiến sinh động.
Không chỉ đơn thuần là một đường hầm trú ẩn, hệ thống địa đạo Củ Chi là cả một công trình quân sự ngầm với quy mô và kỹ thuật khiến bất kỳ ai cũng phải khâm phục. Đến năm 1965, mạng lưới địa đạo đã vươn dài tới hơn 200km, len lỏi qua nhiều vùng đất, được thiết kế ba tầng kiên cố, vừa phục vụ trú ẩn, vừa đảm bảo khả năng tác chiến và sinh hoạt trong lòng đất. Trên mỗi mét vuông chật hẹp ấy, từng nhịp thở của lịch sử như vẫn còn văng vẳng: đó là hơi thở của những con người bền bỉ, khéo léo và kiên cường đến không tưởng.
Bầu không khí trong lòng địa đạo luôn ẩm thấp, thiếu ánh sáng và đặc biệt ngột ngạt. Những ai lần đầu trải nghiệm chắc chắn sẽ choáng ngợp bởi độ hẹp và thấp của lối đi, có đoạn chỉ đủ để bò hoặc khom người bước từng bước ngắn. Một bạn trẻ chia sẻ sau chuyến đi: “Lúc nghe kể thì tưởng tượng chưa tới đâu. Nhưng chỉ cần bò vài phút trong địa đạo thôi đã thấy cả người như kiệt sức. Vậy mà ngày ấy, các chú bộ đội có thể sống và chiến đấu dưới lòng đất này suốt nhiều tháng trời”.
Điều khiến địa đạo trở nên đặc biệt chính là tính chiến lược trong thiết kế vì ngoài các lối đi chính, hệ thống này còn bao gồm ụ chiến đấu, hầm hội họp, kho chứa vũ khí, bếp Hoàng Cầm, và cả những căn hầm sinh hoạt được bố trí kín đáo, kết nối với nhau một cách tinh vi. Từng chi tiết đều được tính toán kỹ để đối phó với đủ mọi chiến thuật của đối phương: từ bom đạn, hóa chất đến chó nghiệp vụ. Theo lời kể của anh hướng dẫn viên, có thời điểm, quân Mỹ đưa vào chiến trường những chú chó Bẹcgiê Tây Đức được huấn luyện đặc biệt để đánh hơi dấu vết.
Nhưng chỉ cần một cục xà phòng Tây đặt ở miệng hầm, hoặc một nhúm tiêu và ớt rắc nhẹ… là đủ để làm tê liệt khứu giác của loài chó thiện chiến này. Ngay cả những đòn đánh phá được xem là ác liệt nhất như bơm nước, thổi khí độc hay thả bom cũng chỉ gây thiệt hại ở mức tối thiểu.
Địa đạo bến Đình với diện tích 17ha, nơi đây từng là căn cứ quân sự trọng yếu, được đào thủ công bởi chính tay quân và dân Củ Chi từ thời kháng chiến chống Pháp, rồi tiếp tục mở rộng trong thời kỳ chống Mỹ. Dưới lòng đất ấy là cả một “thành phố thu nhỏ”: có khu hội họp, khu sinh hoạt, kho vũ khí, ụ chiến đấu... Kết cấu nhiều tầng, lối đi ngoắt ngoéo và những hệ thống thông gió tinh vi khiến bất kỳ ai lần đầu bước vào cũng thấy choáng ngợp.
Du khách ngày nay còn được trải nghiệm nhiều hoạt động khó quên: thử bắn súng AK thật, xem các màn tái hiện lịch sử sống động, bước vào khu trưng bày vũ khí, và lắng nghe những thước phim tài liệu kể lại một thời máu lửa. Đó là cách mà Bến Đình làm lịch sử trở nên gần gũi hơn với cả người trẻ lẫn người lớn tuổi.
Anh Huy - hướng dẫn viên gắn bó hơn hai năm với địa đạo kể rằng, để có thể đứng đây chia sẻ cho du khách từng câu chuyện, anh đã phải học từ tài liệu, qua tập huấn, rồi theo chân những anh chị đi trước để thấm được từng góc nhỏ trong địa đạo, từng giá trị mà nơi này lưu giữ. “Khách Việt giờ quay lại nhiều hơn, đặc biệt là những gia đình có con nhỏ. Người lớn dẫn con tới không phải chỉ để vui chơi, mà để các bé biết mình là ai, đất nước mình từng đi qua những gì. Có những thứ, sách vở khó kể lại được.” - anh bộc bạch.
Địa đạo Bến Dược có quy mô lớn hơn, kết cấu cũng phức tạp hơn, bao gồm các phòng họp, nơi ở, kho thực phẩm, hệ thống thông gió tinh vi được ngụy trang dưới các gốc cây, mô phỏng cuộc sống sinh hoạt thực tế của chiến sĩ trong thời chiến. Không khí bên trong chật hẹp, tối, ẩm, lại gấp khúc liên tục, người tham quan phải liên tục khom lưng, bò, leo để hình dung rõ hơn những gì các chú bộ đội từng trải qua. Không chỉ là một phần của hệ thống địa đạo nổi tiếng, nơi đây còn mang trong mình giá trị tinh thần sâu sắc, từng là điểm kết nối quan trọng giữa các căn cứ địa trong kháng chiến chống Mỹ.
Bạn Phan Đình Khuê (Thủ Đức) chia sẻ: “Ngay lúc đầu xuống là thấy ‘gắt’ rồi. Hầm không hề thẳng, lúc hẹp lúc rộng, dốc lên xuống phải leo. Dụng cụ ngày xưa chỉ là rổ với xẻng nhỏ, mà người ta đào cả hệ thống dài như vậy để tránh bom, lẩn trốn, sinh hoạt, chiến đấu. Nghĩ lại mà rợn”. Bạn kể thêm: “Mình mang balo nhỏ còn thấy mệt, huống chi ngày xưa còn vác vũ khí, cơm nước, chiến đấu dưới này mỗi ngày”.
Ngoài địa đạo, một điểm không thể bỏ lỡ là Đền tưởng niệm liệt sĩ Bến Dược - một công trình trang nghiêm được xây dựng để ghi nhớ hàng ngàn người đã ngã xuống vì độc lập dân tộc. Những hàng bia tưởng niệm, những câu chuyện lịch sử được kể lại nơi đây khiến trải nghiệm càng thêm sâu sắc, khơi dậy trong lòng người trẻ lòng biết ơn và niềm tự hào về dân tộc mình.
Tại địa đạo Củ Chi, hiện còn có tour đêm “Trăng Chiến Khu”, nơi bạn được đi dạo giữa rừng đêm, xem tái hiện lại cảnh sinh hoạt thời chiến, ngồi bếp Hoàng Cầm giữa khói lam chiều và nghe kể chuyện lịch sử giữa tiếng ve râm ran. Một trải nghiệm không thể quên, đặc biệt dành cho những ai yêu thích không gian tĩnh lặng nhưng sâu sắc.
Sau những bước chân khom người qua địa đạo, sau những câu chuyện khơi lại ký ức lịch sử thì Củ Chi còn một cách rất riêng để níu chân du khách bằng những món ăn đậm chất miền quê đầy dung dị.
Khoai mì luộc chấm muối mè, một món ăn giản dị gắn liền với thời chiến vẫn luôn được phục vụ trong tour tham quan, như một cách nhắc nhớ về thời đói khổ mà kiên cường. Ngoài ra, món ăn còn được bán khắp nơi trên đường đi về Củ Chi nên du khách có thể ghé vài phút để mua ăn vặt hay mua về làm quà.
Không thể bỏ qua bò tơ Củ Chi, đặc sản gắn liền với vùng đất này. Thịt bò non được chế biến đa dạng từ nướng, hấp, nhúng giấm đến lẩu..., thơm ngon, mềm và ngọt tự nhiên. Một số quán nổi bật tại Củ Chi có thể kể đến như:
Quán Lâm Bò
Giờ mở cửa: 11:00 - 21:00
Địa chỉ: 224A đường Nguyễn Kim Cương, ấp Bàu Lách, xã Tân Thạnh Đông, huyện Củ Chi, TP.HCM
Quán Bò Tơ Hồng Đào
Giờ mở cửa: 08:00 - 21:00
Địa chỉ: 171 quốc lộ 22, ấp Tân Phú, xã Tân Thông Hội, huyện Củ Chi, TP.HCM
Bò Tơ Hai Nghẹo
Giờ mở cửa: 09:00 - 21:00
Địa chỉ: 663 tỉnh lộ 8, tổ 2, ấp 4, xã Tân An Hội, huyện Củ Chi, TP.HCM
Bò Tơ Chính Cư
Giờ mở cửa: 09:00 - 21:00
Địa chỉ: Số 2 đường Phạm Văn Chèo, tổ 1, khu phố 7, thị trấn Củ Chi, huyện Củ Chi, TP.HCM
Ngoài ra, còn có món tóp mỡ giòn béo dùng ăn kèm cơm hoặc bánh tráng hay và nước mía Vườn Cau nổi tiếng để giải nhiệt sau hành trình.
Nước mía Vườn Cau
Địa chỉ: 259A Quốc lộ 22, xã Tân Thông Hội, huyện Củ Chi, TP.HCM
Giờ mở cửa: 06:30 - 20:00
Giá tham khảo: Nước mía sầu riêng 15.000đ/ly; khoai mì hấp 5.000đ/đĩa
Tóp Mỡ Anh Da Đen
Địa chỉ: 82/2 đường 93, Tổ 5, Ấp Bến Đò 1, xã Tân Phú Trung, huyện Củ Chi, TP.HCM
Những ngày tháng Tư về, giữa không khí rộn ràng và tinh thần yêu nước lan tỏa mạnh mẽ trong giới trẻ, Củ Chi trở thành điểm đến đặc biệt hơn bao giờ hết. Không phải vì mới mẻ, mà vì mỗi lần trở lại, nơi này lại khơi dậy thêm một tầng sâu cảm xúc mới.
Sau khi bộ phim “Địa đạo” lên sóng, nhiều bạn trẻ tìm đến Củ Chi để xem lại những thước phim bằng chính đôi mắt và nhịp tim của mình. Anh hướng dẫn viên chia sẻ với ánh mắt đầy hy vọng: “Chỉ mong sẽ có thêm nhiều bạn trẻ ghé qua, không chỉ để check-in, mà để lắng nghe, vì mỗi khối đất ở đây đều từng rung lên vì tự do của dân tộc.”