Chuyên gia công viên giải trí Stefan Zwanzger cho biết, không phải điều gì khác mà chính thiết bị điện tử bạn cầm trên tay đang phá hỏng những chuyến đi chơi ý nghĩa của bạn. Và Stefan có bằng chứng cho nhận định của mình.
Zwanzger - người đàn ông được phong danh hiệu "quý ông công viên giải trí" đã dành gần 10 năm để trải nghiệm các công viên giải trí tại 150 quốc gia. Trong chuyến đi gần đây tới một công viên giải trí tại thành phố Thâm Quyến, miền nam Trung Quốc, ông đã vô cùng ngạc nhiên khi chứng kiến một cảnh tượng "mới mẻ" tại công viên giải trí này: Nhìn đâu cũng thấy những khuôn mặt đờ đẫn, dán mắt vào chiếc điện thoại di động.
Bức hình được ông chụp vào năm 2017 khi đem ra so sánh với tấm hình chụp cách đây 7 năm đã khiến mọi người có cái nhìn hoàn toàn khác. Điện thoại di động đã khiến con người thay đổi hoàn toàn, kể cả cách mọi người đi chơi công viên giải trí.
Bức hình năm 2010 với những gương mặt tươi cười, khác xa so với tấm hình được chụp vào năm 2017 khi mọi người dán mắt vào di động.
Nếu những chiếc điện thoại di động đang hủy hoại những nơi mà đáng nhẽ ra, người ta tới đó để tránh xa những thứ cám dỗ từ thiết bị điện tử thì có lẽ, chẳng có gì không bị ảnh hưởng bởi những chiếc smartphone cả.
"Đó là một lời cảnh báo", ông chia sẻ trên CNN. "Khi bạn nhìn thấy mọi người cầm điện thoại di động ngay cả khi đang ở công viên giải trí, chắc chắn họ cũng sử dụng chúng trên xe bus, tàu điện ngầm, khi ăn tối ở nhà hàng, trên giường, trong toilet và thậm chí là kể cả khi đi tắm".
"Công viên giải trí đáng nhẽ ra là nơi để mọi người vui chơi, quên đi những thứ như điện thoại, máy móc... Nếu bạn không thể dứt ra khỏi cái điện thoại, mọi thứ sẽ không có gì khác cả".
Nhìn lại bức ảnh 2010 của Zwanzger, ông cảm thấy tiếc nuối những gương mặt rạng rỡ, những ánh mắt, nụ cười của các gia đình đưa con đi chơi công viên. Giờ đây, thay vì trò chuyện, cười đùa, họ chỉ lấy điện thoại ra để chụp lại mọi thứ xung quanh hay lại lướt Facebook, lướt web.
"Lũ trẻ nên nhìn ngắm xung quanh, chạy nhảy và nô đùa, chứ không phải bị thôi miên vào màn hình chiếc điện thoại di động", ông cho biết.
Tuy nhiên, vấn đề này xảy ra không chỉ tại Trung Quốc. Nó đã thành một xu hướng trên toàn cầu, từ châu Âu sang tới châu Mỹ. Tuy nhiên, ở châu Phi, tình trạng này không quá phổ biến khi người dân tại lục địa đen vẫn chưa quá quen thuộc với điện thoại di động.
"Thế giới đã thực sự thay đổi chỉ trong vòng 7 năm. Hãy nhìn bức hình năm 2010 mà xem, ai ai cũng tràn đầy năng lượng và luôn thấy vui vẻ thoải mái. Nhưng đến năm 2017, mọi thứ đã thật khác. Đáng nhẽ ra, họ nên ở nhà cho đỡ tốn tiền thay vì tới công viên".