Đi 5.000km về quê ăn Tết, về tới nhà thấy cảnh mẹ làm trong phòng ngủ, tôi bắt xe trở ngược lại thành phố: "Không sống mãi như thế được"

Trần Hà, Theo Đời sống pháp luật 00:00 23/01/2025
Chia sẻ

Những ngày cận Tết, câu chuyện xoay quanh việc về nhà, đoàn tụ với gia đình vẫn đang nhận được nhiều sự quan tâm của netizen.

Một tài khoản mạng xã hội ẩn danh vừa đăng tải một bài viết trong hội nhóm những câu chuyện buồn dịp Tết để mọi người cùng gỡ rối ở Weibo, đang nhận về nhiều sự quan tâm từ netizen.

“Không phải ai cũng may mắn có nhà để về dịp Tết và khi vẫn còn bố mẹ nhưng chẳng thể có một gia đình trọn vẹn là cảm giác gì?”,.... những dòng mở đầu chứa đầy tâm sự của cô gái trẻ ngay lập tức thu hút người đọc.

"Tôi xin phép mọi người được giấu tên để có thể thoải mái hơn khi chia sẻ câu chuyện của mình. Thật lòng mà nói, những điều tôi sắp sửa tâm sự sau đây cũng chẳng phải mong cầu ai đó sẽ giúp đỡ, chỉ là tôi muốn tìm một nơi để trút hết nỗi lòng này.

Nói sơ qua về bản thân, năm nay tôi 25 tuổi, không học đại học mà từ nhà quê lên Tân Cương đi làm từ năm 20 tuổi, một năm, nếu gia đình có sự kiện trọng đại gì tôi mới về nhà một lần. Có năm, dịp Tết tôi cũng chẳng buồn về, một là vì không có tiền, thứ hai, gia đình tôi không hạnh phúc. Bố trong ký ức của tôi là một người cha, người chồng tồi. Ông ấy suốt ngày nhậu say xỉn, còn hay đánh mắng mẹ con tôi. Anh trai tôi sau khi lấy vợ thì đi ở rể. Nhà còn có bà nội, nhưng bà cũng không ưa mẹ con tôi, từng nói nuôi con gái chỉ tổ tốn cơm, sau này như bát nước hắt đi. 

Nói chung, chỉ có mẹ là lý do duy nhất khiến tôi muốn ở nhà. Nhưng nhà nghèo, nên tôi đành phải lựa chọn xa gia đình, đi làm kiếm tiền. Tết năm nay, vì nghe tin bà nội bị tai biến phải nằm liệt giường, mẹ tôi cũng vừa bị ngã do đi làm đồng, và cũng 2 năm rồi chưa về nhà nên tôi đã quyết định không làm thêm dịp Tết, về gặp mẹ. Song, tôi không gọi điện báo vì muốn tạo bất ngờ cho cả nhà, hơn nữa, mẹ tôi cũng bận trăm công nghìn việc.

Vượt 5.000km từ Tân Cương về Quảng Đông, tính cả quãng đường đi vào nhà tôi, trong một vùng quê nghèo. Hôm đó, tôi về đến cửa nhà cũng đã khá muộn, khoảng gần 9h tối. Vừa bước đến cổng, tôi đã nghe thấy tiếng bố uống say xỉn và đang chửi rủa, lòng tôi như đau thắt lại.

Bao nhiêu năm rồi mà ông ấy vẫn như vậy. Để tránh mặt bố lúc đang say, tôi xách đồ đạc đi vòng ra sau, từ căn bếp chật chội đi lên là căn phòng của bà. Tôi như chết lặng khi nhìn thấy mẹ mình vừa lau nước mắt vừa vật lộn chăm bà nội đang nằm liệt giường, hết cho ăn lại chuyển qua thay tã mà chẳng có lấy một ai đỡ đần. “Mày vô tích sự, vì mày mà bà ấy đổ bệnh, tự mà chăm đi”, tiếng bố tôi vẫn văng vẳng. 

Đi 5.000km về quê ăn Tết, về tới nhà thấy cảnh mẹ làm trong phòng ngủ, tôi bắt xe trở ngược lại thành phố: "Không sống mãi như thế được"- Ảnh 1.

Ảnh minh họa.

Tôi đau đớn vô cùng, tôi thấy mình như là đứa bất hạnh nhất trên đời này. Nhà nghèo, bố nghiện rượu, giờ bà cũng ngã bệnh. Tôi lại nghe được tiếng bố hét lớn: “Ngày mai, thằng Tuấn (anh trai) cùng vợ và con về, bà nấu món gì ngon ngon cho nó, chứ con gái bà năm nay chắc không về đâu ha. Nó gửi tiền là được, về chỉ khiến nhà thêm chật chội”.

Tôi nhìn quanh nhà, đúng thật như lời ông ấy nói. Căn nhà bao năm vẫn vậy nhưng giờ càng trở nên bức bối và chật chội hơn, chẳng có nổi một chỗ ngủ cho tử tế. Đã thế, khi không khí Tết đang đến gần mà đứng trong căn nhà này, tôi chỉ toàn ngửi thấy mùi ẩm mốc, mùi của rượu….

Tôi tự hỏi mình còn lý do gì để ở lại đây nữa, thế là tôi để quà xuống đất, quay ra, đi bộ ra đầu làng thuê một phòng trọ ngủ qua đêm, sáng mai bắt chuyến xe sớm trở lại thành phố. Tôi còn nhớ ngày hôm đó bản thân đã khóc rất nhiều.

Thật lòng mà nói nó chẳng phải cú sốc gì, vì tôi cũng đã quá quen thuộc với gia cảnh của mình. Tuy nhiên, cứ mỗi lần trở về căn nhà đó, tất cả mọi bi thương của cuộc đời tôi lại hiện lên rõ rệt hơn và tôi cũng thương mẹ mình nhiều hơn. Tôi còn nhớ như in bóng lưng bà gầy còm đi, tóc cũng đã bạc màu đi rất nhiều. Cứ tưởng tưởng 1 năm 365 ngày và ngày nào bà ấy cũng sống trong cảnh đó, điều đó khiến tôi càng đau buồn hơn. Có lẽ thứ duy nhất níu kéo mẹ tôi ở trong cuộc hôn nhân này là vì tình nghĩa chăng. Bởi, khoảng 10 năm trước, bố tôi cũng là một người đàn ông tử tế, yêu vợ thương con, song, sau biến cố vỡ nợ, ông ấy như biến thành một người khác, tồi tệ như bây giờ.

Hiện tại, khi chia sẻ những dòng này, tôi cũng đã vực dậy được tinh thần của mình. Mục tiêu bây giờ của tôi rõ ràng hơn bao giờ hết. Tôi muốn đi làm bất kể ngày thường hay lễ Tết, kiếm thật nhiều tiền, sau đó thuê 1 căn nhà trọ khang trang hơn, đón mẹ lên đây ở, thoát khỏi cái nhà đó.

Khi ngồi trên xe quay trở lại thành phố, tôi dặn lòng sẽ đi làm xuyên Tết, không nghỉ ngày nào. Lương làm Tết sẽ được nhân 3, nhân 4, cộng thêm số tiền dành dụm mấy năm qua, và thời gian tôi đi làm sắp tới, chắc hẳn ngày tôi đón mẹ mình lên đây không còn xa nữa đâu. 

Không thể cứ sống mãi như thế được, mẹ tôi đã khổ lắm rồi... ".

Câu chuyện nêu trên của cô gái sau khi chia sẻ lên mạng xã hội đã nhận về nhiều sự quan tâm của netizen. Có nhiều người cho hay họ vô cùng đồng cảm với những tâm sự của cô gái này, bởi đã từng rơi vào hoàn cảnh tương tự. Song, ai cũng khâm phục nghị lực của cô gái. Thay vì than trách số phận thì sao không dành thời gian đó, đi làm, kiếm tiền để có một cuộc sống tốt đẹp hơn.

Mỗi chúng ta đều không có quyền chọn cha mẹ cho mình, không chọn nơi mình sinh ra nhưng đều có quyền quyết định cuộc đời của mình. Vì thế, nếu bạn không may mắn có được một gia đình hạnh phúc, có điều kiện về kinh tế thì cũng không phải là lỗi của bạn, nên đừng tự trách mình. Và, người xưa cũng có câu: “Trời không tuyệt đường người”, thế nên hãy cứ nỗ lực, cố gắng để có được một cuộc sống như ý. 

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày