Ở Hà Nội, nhiều người vẫn hay đùa rằng mùa hè có thể sống thiếu bất cứ thứ gì, trừ cái điều hòa. Ngồi húp mì tôm trong phòng có máy lạnh vẫn “ok” hơn ngồi trước một bàn la liệt sơn hào hải vị, mà chỉ có mỗi cái quạt không. Nói vậy là đủ hiểu sức nóng của mùa hè ở thủ đô kinh khủng thế nào.
Có điều hòa giúp chúng ta dễ thở hơn dưới cái nóng hầm hập như thiêu như đốt. Chúng ta sướng, nhưng ví của chúng ta thì đau vì tiền điện; đặc biệt là những người đang đi ở nhà thuê, tiền điện bị tính theo giá dịch vụ (khoảng 4 - 4,5 nghìn đồng/số điện).
Những ngày đầu tháng 4, thời tiết đã nóng hơn nhưng vẫn trong khả năng chịu đựng, chưa tới mức rời cái điều hòa là toàn thân như bị nhúng nước vì mồ hôi túa ra.
Dẫu vậy, không ít người đang đi thuê nhà đã bắt đầu lo lắng về chuyện tiền điện tăng cao trong những tháng tới, lý do thì quá rõ ràng rồi. Nóng quá thì phải bật điều hòa cả đêm, nên thành ra tốn điện chứ còn sao nữa!
Phương Mai (32 tuổi) và chồng hiện đang thuê một căn chung cư 2 phòng ngủ ở quận Thanh Xuân, Hà Nội. Cô cho biết trung bình tiền điện sẽ tăng khoảng 660k-800k vào những tháng hè, nếu so với các tháng mùa đông.
"Tháng 12/2022, nhà mình hết khoảng hơn 800k tiền điện. Đến tháng 5/2023 là đầu hè, mà tiền điện đã tăng lên 1,5 triệu rồi. Trời nóng, bớt được cái bình nóng lạnh với cái máy sưởi, thêm cái điều hòa thôi mà tiền điện tăng kinh lắm. Những tháng sau còn cao hơn nữa. Nói chung cứ đến mùa hè, mỗi lần thấy hóa đơn điện là chỉ thấy rầu hết cả người" - Phương Mai kể và cho biết thêm tiền điện nhà cô được tính theo giá nhà nước, không phải tính theo giá dịch vụ.
Hóa đơn tiền điện của vợ chồng Phương Mai trong tháng 12/2022 (Ảnh: NVCC)
Đến đầu mùa hè năm sau đó (tháng 5/2023), tiền điện của vợ chồng cô đã tăng lên thành 1.573.590đ (Ảnh: NVCC)
Nếu Phương Mai thấy “rầu hết cả người” khi nhắc tới chuyện tiền điện mùa hè, thì Nguyễn Hiền (28 tuổi) lại muốn khóc ngất luôn, vì cô đang thuê phòng trọ và tiền điện bị tính 4,2 nghìn đồng/số. Cứ đến hè là tiền điện lại tăng gấp đôi.
“Mình ở một mình nên tiền điện mùa hè thực sự là một gánh nặng. Nấu ăn bằng bếp gas, lại đi làm cả ngày nên mùa đông thì tiền điện của mình ít lắm, chủ yếu là do bật bình nóng lạnh, trung bình khoảng 400-450k/tháng; còn mùa hè thì khoảng 800k-900k/tháng.
Nói chung nếu tiền điện bị tính giá dịch vụ thì cứ xác định là mùa hè sẽ tăng gấp đôi. Riêng tháng 7 năm ngoái, đúng đợt nóng đỉnh điểm nhất thì mình lại thất nghiệp khoảng 20 ngày, ở nhà nên gần như bật điều hòa từ sáng đến đêm, tiền điện tháng đó vọt lên 1,7 triệu đồng. Xót kinh khủng" - Nguyễn Hiền bộc bạch.
Tiền điện tháng 7/2023 của Nguyễn Hiền là một cơn "ác mộng" (Ảnh: NVCC)
Tiền điện tháng 7/2023 của Nguyễn Hiền là một cơn "ác mộng" (Ảnh: NVCC)
Chung cảnh ngộ với Nguyễn Hiền là Nhật Minh (25 tuổi). Hiện tại, Nhật Minh đang thuê một căn studio ở quận Ba Đình (Hà Nội), tiền điện là 3,8 nghìn đồng/số.
“Mùa hè thì gần như cứ về đến nhà là mình bật điều hòa, vì mình không chịu nóng được, cứ nóng là người dính dớp khó chịu vô cùng. Trung bình một tháng mùa hè, tiền điện của Minh rơi vào khoảng 1,2 triệu đồng, tăng khoảng 600k so với mùa đông” - Nhật Minh chia sẻ.
Ngân sách sinh hoạt phí có hạn, thu nhập cũng vẫn thế, chỉ có tiền điện là không ngừng tăng vào những tháng mùa hè. Vậy Phương Mai, Nguyễn Hiền và Nhật Minh đã làm thế nào để tiền điện không khiến mình bội chi?
1 - Săn voucher giảm giá khi thanh toán tiền điện qua Ví điện tử
Với suy nghĩ "tiết kiệm được đồng nào, hay đồng ấy", mỗi khi thanh toán hóa đơn tiền điện, cô đều vào từng Ví điện tử, xem ứng dụng nào có mã voucher giảm "sâu" nhất thì dùng.
Ảnh minh họa
"Lần đầu tiên thanh toán tiền điện qua ZaloPay, mình được giảm 30k; lần đầu tiên thanh toán qua VNPay thì hình như được giảm 20k hay 25k ấy; lần đầu tiên thanh toán qua MoMo và Shopee Pay, mình được giảm 15k thì phải. Phần lớn các ví điện tử chỉ cho voucher giảm trên nhiều tiền trong lần đầu tiên thanh toán, những lần sau thì cũng có voucher nhưng thực sự không đáng kể, khoảng 5k, 10k gì đó thôi.
Chịu khó kiểm tra tất cả các ứng dụng, xem cái nào có mã to nhất thì mình thanh toán tiền điện qua đó thôi" - Phương Mai chia sẻ.
2 - Đi siêu thị sau 20h, săn hàng giảm giá để cắt giảm ngân sách mua thực phẩm
Đây là phương pháp "bù tiền điện" của Nguyễn Hiền - Cô gái đang đi thuê nhà và tiền điện bị tính 4,2 nghìn đồng/số. Sau mùa hè đầu tiên ở căn phòng đó, Hiền đã ngộ ra một phương pháp cắt giảm chi tiêu hiệu quả nhờ việc săn hàng giảm giá trong siêu thị.
"Mình thường mua rau và trái cây bổ sẵn trong Aeon Mall. Mua sau 8 rưỡi tối là đều được giảm giá 30-50%; còn thịt thì mình mua trong WinMart, mỗi lần mua đều được giảm 20% vì tích điểm hội viên, tính ra cũng rẻ hơn chút xíu so với mua thịt ngoài chợ đấy" - Nguyễn Hiền kể.
Ảnh minh họa
Ngoài ra, cô cũng hạn chế tối đa việc mua sắm quần áo và ăn uống bên ngoài (bao gồm cả bữa chính lẫn ăn vặt). Bằng cách này, Nguyễn Hiền cho biết tổng chi phí sinh hoạt của cô vẫn giữ nguyên hoặc nếu có tăng, cũng chỉ tăng chưa tới 200k/tháng.
3 - Đi làm về xong đi thể dục, giảm thời gian "dính" lấy điều hòa
Thích ở một mình, không thể chịu được nóng nên phải bật điều hòa từ lúc về nhà cho tới khi đi làm, nhưng cũng không muốn tháng nào cũng phải trả hơn 1,2 triệu đồng tiền điện, Nhật Minh quyết định đi làm về là đi đá bóng hoặc đánh cầu lông thay vì về thẳng nhà.
"Một công đôi việc, đã ngồi văn phòng "ướp lạnh" cả ngày rồi, tối vận động tí cũng hay, tốt cho sức khỏe nên mình thường đi đá bóng hoặc đánh cầu lông. Khỏe thì có khỏe hơn chứ còn tiết kiệm hơn thì mình thấy cũng không tiết kiệm được hơn nhiều lắm. Tiền điện có giảm khoảng 100-150k/tháng, nhưng mà lại tốn tiền đi uống bia sau khi đi thể dục ấy. Tại nóng quá mà" - Nhật Minh kể.