Đến bây giờ khi nghĩ lại, tôi vẫn thấy gia đình mình may mắn khi ca phẫu thuật của bố tôi diễn ra thuận lợi. Nhưng đó cũng là bài học lớn cho tôi trong việc quản lý chi tiêu, tính toán dự phòng cho chính mình và người thân.
4 năm trước, bố tôi mới ngoài 50 tuổi. Bố tôi hiếm khi ốm nên tôi chủ quan chưa bao giờ nghĩ tới sự cần thiết của việc mua bảo hiểm sức khỏe tự nguyện cho bố. Tôi còn nghĩ rằng, bố có thẻ bảo hiểm y tế… là đủ. Thế nên khi nhân viên bán bảo hiểm từng tư vấn khuyên tôi mua cho bố, mẹ một thẻ bảo hiểm sức khỏe tư nhân với chi phí chỉ hơn 1 triệu đồng. Nhưng tôi lại cho rằng: "Nó thực sự không cần thiết và lãng phí tiền".
Cho đến một ngày, bố tôi đột ngột ngất xỉu tại nhà và may mắn được phát hiện, đưa đi cấp cứu ngay trong buổi tối. Sau khi cấp cứu tại bệnh viện, bác sĩ chuẩn đoán bố tôi cần phải phẫu thuật sớm do vấn đề liên quan đến tim mạch.
Theo thông báo của bác sĩ, chi phí phẫu thuật ước tính khoảng gần 100 triệu đồng chưa kể tiền phòng, thuốc men. Bảo hiểm y tế của bố tôi chỉ hỗ trợ một phần tiền phòng, cùng một số hạng mục nhỏ theo quy định của bảo hiểm. Gia đình dự tính sử dụng hình thức phẫu thuật tiên tiến nhất nên khoản chi phí này gần như không được bảo hiểm y tế chi trả.
Bác sĩ cũng hỏi tôi về việc: Gia đình có mua thẻ bảo hiểm sức khỏe tư nhân cho bố tôi hay không? Nếu có, chi phí này cũng được thẻ bảo hiểm sức khỏe hỗ trợ rất nhiều. Đáng tiếc là tôi đã không mua bảo hiểm sức khỏe cho bố.
Thời điểm đó, khoản dự phòng của tôi chỉ có 20 triệu đồng. Số tiền còn lại tôi xác định đi vay bạn bè, người thân. Thật may mắn, mọi người nhanh chóng chuyển khoản cho tôi mượn để nộp chi phí phẫu thuật cho bố. Ca phẫu thuật của bố tôi cũng diễn ra thành công tốt đẹp.
Sau lần đó, tôi rất ân hận vì sự chủ quan, thiếu tính toán dự phòng cho tình huống xấu xảy ra với mình và người thân.
Chi phí bảo hiểm sức khỏe tư nhân nội trú chỉ khoảng 1,2-1,3 triệu đồng/năm, có thể bằng chi phí một bữa ăn nhà hàng mà bạn từng bỏ ra. Nhưng thực sự, đó là khoản dự phòng rất tốt nếu người thân nằm viện và phẫu thuật.
Nếu có điều kiện, bạn có thể nâng hạng mức mua gói bảo hiểm sức khỏe tự nguyện này. Chi phí càng cao, quyền lợi bảo hiểm càng lớn. Ví dụ như, đối với chi phí phẫu thuật, phía bảo hiểm chi trả trung bình từ 30-60 triệu đồng/ca. Chi phí giường nằm tách riêng, trung bình từ 1 triệu -2,5 triệu đồng/ngày. Chi phí thuốc men cũng được bảo hiểm chi trả riêng.
Đối với bảo hiểm sức khỏe bao gồm quyền lợi ngoại trú, mức chi phí sẽ tăng gấp đôi. Đây cũng là dự phòng tốt nếu như bạn đang trong giai đoạn gồng nhiều khoản nợ lớn như mua nhà.
Một số điểm khác tôi muốn chia sẻ sau khi tìm hiểu thông tin bảo hiểm sức khỏe tự nguyện cho những ai quan tâm.
Đầu tiên, bạn hoàn toàn có thể mua được thẻ bảo hiểm sức khỏe tự nguyện độc lập từ nhiều hãng khác nhau như Bảo Việt, VBI… với chi phí vài triệu đồng. Một số công ty bảo hiểm sẽ bán thẻ cho bạn nhưng yêu cầu buộc phải mua kèm bảo hiểm nhân thọ. Bạn hãy cân nhắc và lựa chọn sự phù hợp với tài chính của chính mình.
Thứ hai, một số thẻ bảo hiểm sẽ loại trừ các bệnh mà bạn từng khám hoặc kê khai. Đó là điểm bất lợi cho bạn. Thay vào đó, bạn tìm đến một số thẻ bảo hiểm cho phép kể từ năm 2, dù lặp lại bệnh cũ, bạn vẫn sẽ được chi trả. Ví dụ như trường hợp của bố tôi từng phẫu thuật về tim mạch. Nhiều thẻ bảo hiểm sẽ từ chối chi trả trong trường hợp bố tôi khám chữa bệnh hay nằm viện vì các vấn đề liên quan đến tim mạch. Nhưng, một số công ty bảo hiểm chấp nhận chi trả khoản này kể từ năm thứ 2 khi tái tục sản phẩm.
Thứ ba, thẻ bảo hiểm sức khỏe cũng sẽ loại trừ một số bệnh như về tiêu hóa, bệnh phụ khoa,… hay cả ung thư. Bạn hãy hỏi kỹ tư vấn viên rõ ràng về danh sách các bệnh loại trừ.
Thứ tư, đừng bao giờ nghĩ mua bảo hiểm sức khỏe nhưng… mãi không được sử dụng. Khoản chi này cần xác định phải bỏ ra mỗi năm và bạn hãy coi như: "May mắn là người thân không phải sử dụng tới. Đó chính là số tiền mua rủi ro sức khỏe của gia đình bạn".