Đêm hè nóng nực tại thành phố New York năm 1969, sự yên tĩnh của một công viên nhỏ tại Queens bị khuấy động bởi tiếng cưa chặt và tiếng cây xào xạc.
Người dân giận dữ khi những người đàn ông đồng tính thường xuyên tụ tập ở đây. Nhưng các chàng trai kia có làm phiền ai đâu - không có họ thì công viên nhỏ này cũng chẳng có ma nào ngó ngàng. Họ cũng chẳng hại ai cả.
Đám đông người dân kia vẫn bực tức. Một nhóm khoảng 40 người đàn ông lực lưỡng lùng sục quanh công viên như đi săn mồi; khi thấy một người đàn ông đồng tính nào lấp ló nơi bụi cây, họ sẽ soi đèn vào mặt.
“Biến đi và đừng bao giờ trở lại, không tao đánh mày nhừ tử giờ”.
Tuy nhiên lời dọa dẫm không thực sự hiệu quả. Họ phẫn nộ. Đám thị dân giận giữ ấy về nhà, cầm cưa và rìu, chặt hạ hàng cây trong công viên. Không chặt được tinh thần của những người đồng tính, họ trút giận lên hàng cây vô cớ.
Chẳng lẽ cứ phải núp sau những lùm cây như vậy sao? Trong niềm căm phẫn của cộng đồng? Không như vậy là đủ rồi, người đồng tính đã có đủ sự căm phẫn, chửi rủa, những lần bị cảnh sát tấn công vô cớ hay gây sự trên phố.
Vào ngày 28/6/1969, tại “làng” Greenwich, trong một quán bar tên Stonewall Inn, những người đàn ông đồng tính quyết định đã tới lúc cần chấm dứt sự bất công với cộng đồng, trong sự ủng hộ của người chuyển giới và đồng tính nữ. Stonewall Inn đã lưu tên vào lịch sử của cộng đồng LGBT+ và ngày trọng đại đó đã thay đổi nước Mỹ và toàn thế giới.
Năm đó, những người thiểu số ở Mỹ đã có giành thắng lợi trên nhiều mặt trận: Người Mỹ gốc Phi đã giành được quyền công dân của mình, phụ nữ đã có nhiều tiếng nói hơn. Vậy còn người đồng tính, sao cuộc đời họ vẫn phải nấp sau những lùm cây? Phải 4 năm sau đó, đồng tính mới được đưa ra khỏi danh sách các bệnh về thần kinh bởi Hiệp hội tâm lý Hoa Kỳ.
Những người đồng tính tại Mỹ phải chấp nhận che giấu danh tính của mình nếu không muốn thành nạn nhân của các vụ tấn công, thậm chí là giết người. Cảnh sát New York đã phát hiện một thi thể trên sông Hudson vào tháng 4 năm 1969. Khám nghiệm tử thi đưa ra kết luận rằng nam thanh niên này đã bị siết cổ trước khi thi thể bị vứt xuống sông. Đây là nạn nhân của “khu vực cảng” - nơi gặp gỡ nguy hiểm nhất của những người đồng tính trong thành phố.
Tại những quán bar nơi người đồng tính thường tụ tập, kể cả ở Greenwich Village - một “thánh địa” của cộng đồng LGBT, các chàng trai không dám tỏ ra thân mật, ăn mặc lòe loẹt khi cảnh sát ập tới hay những kẻ bài đồng tính xuất hiện. Nắm tay trên phố là điều không thể, “nếu bạn không muốn vài gã ngốc nào đó đánh bạn”, Martha Shelley, một nhà hoạt động vì người đồng tính vào năm 1969 chia sẻ. Cô cũng từng bị tấn công trên đường bởi những gã kỳ thị đồng tính.
Vào năm 1969, những ông trùm mafia kiểm soát tất cả các quán bar dành cho người đồng tính nam và nữ. Ngoài các hoạt động buôn bán rượu bia như bình thường, họ ung dung kiếm tiền từ việc tống tiền những người đàn ông đã có vợ hay các giáo sư thường xuyên lén lút tới quán bar. Nếu không muốn bị lộ thì “nôn” tiền ra.
Stonewall Inn, số 51 phố Christopher có lẽ là quán bar lớn nhất trong khu vực. Tuy cùng chịu cảnh chung như những quán bar khác, Stonewall vẫn thu hút nhiều người đồng tính tới đây. Vì họ được nhảy múa.
Tuy nhiên, cảnh sát vẫn không bỏ qua Stonewall và các quán bar khác, tiếp tục cuộc truy quét trong suốt nhiều năm. Những cuộc càn quét tụ điểm bar cho người đồng tính quy mô đã bắt đầu từ năm 1964. Đỉnh điểm của các đợt truy quét, hơn 100 người đã bị bắt mỗi tuần. Đầu tháng 6/1969, 5 quán bar dành cho người đồng tính đã bị truy xét, bao gồm Snake Pit, Checkerboard và Sewer. Sự đàn áp của cảnh sát với người đồng tính dường như đã diễn ra mỗi ngày; thậm chí còn có những từ tiếng lóng để người đồng tính gọi cánh cảnh sát như Lilly Law”, “Betty Badge”, “Patty Pig”.
“Đó là thời điểm thích hợp: Khi làn sóng đàn áp người đồng tính dâng cao tại Mỹ, khi người đồng tính phải chịu sự bất công từ xã hội, khi tinh thần vùng lên thực sự mạnh mẽ - có lẽ đã tới lúc cho một sự thay đổi lớn”, David Carter, tác giả một cuốn sách nổi tiếng về sự kiện Stonewall chia sẻ với tờ Guardian.
1: 20 sáng thứ bảy, ngày 28/6/1969.
Cảnh sát ập tới Stonewall. Họ trấn áp những người trong quán bar, giữ một số người bên trong và yêu cầu một số khác ra ngoài. Đêm hôm đó, mọi chuyện không diễn ra suôn sẻ như vậy; những người bị dẫn ra ngoài quyết định sẽ không về nhà, bỏ mặc cho số còn lại trong kia. Thay vào đó, họ tập trung trên phố Christopher để ủng hộ những người vẫn bị giữ trong đó.
Đám đông nhanh chóng thu hút nhiều người tham gia, chủ yếu là các thanh niên, những người đồng tính trẻ tuổi. Khu vực Greenwich Village là nơi tập trung của nhiều trẻ em đường phố, những đứa trẻ bị bố mẹ ruồng bỏ, tìm thấy sự yên bình và đồng điệu nơi này. Bên trong Stonewall, không chỉ những người đồng tính nam mà cả người chuyển giới hay đồng tính nữ cũng bị trấn áp. Câu chuyện của những người chuyển giới tại nước Mỹ 50 năm về trước thực sự còn ác mộng hơn những người đồng tính nam. Tất cả những điều người đồng tính phải hứng chịu - bắt giữ, nơi làm việc bị đốt, tấn công… người chuyển giới phải chịu đựng gấp nhiều lần như vậy.
Lanigan-Schmidt, một nghệ sĩ sống ở Manhattan nhớ lại ngày hôm đó: “Stonewall - nơi duy nhất để chúng tôi có thể lui tới, bị cảnh sát xúc phạm, khống chế. Chúng tôi không phải đắn đo nhiều, mọi người như đang đấu tranh để bảo vệ chính mái nhà của mình”.
Buổi sáng hôm đó đã mở con đường tự do và bình đẳng, những cuộc tuần hành và biểu tình diễn ra sau đó. Với những người đồng tính, chính giây phút đó - khi họ có thể cùng nhau đứng trên phố, không phải núp sau những lùm cây hay quán bar chật hẹp, đã thực sự là một cuộc cách mạng.
Những cuộc đụng độ bên ngoài Stonewall với cảnh sát diễn ra trong vòng 6 đêm. Tuy nhiên, đó chỉ là mở màn cho những cuộc biểu tình tuần hành sau đó. Người đồng tính tại nhiều nơi trên nước Mỹ đã thực sự cảm nhận được “tinh thần nổi loạn” của buổi sáng sớm thứ bảy lịch sử ấy và biến nó thành vũ khí trong cuộc “chiến đấu” thực sự. Stonewall không chỉ là một cuộc nổi loạn bên ngoài quán bar hay sục sôi bên trong, nó là sự vùng lên trong tinh thần của những người đồng tính - sự nổi loạn bên trong mỗi người được giải thoát khỏi nỗi sợ và thôi thúc mọi người tiến về phía trước, cho tương lai của bản thân và cả cộng đồng.
“Gay Power”!
Đám đông hô vang khẩu hiệu, không khí sục sôi lan khắp thành phố. Nếu bây giờ nhìn lại, nhiều kẻ bài đồng tính sẽ nói “Gay power” như một điều gì đó thể hiện sự hơn người. Nhưng trong bối cảnh lúc bây giờ, đó là tinh thần vùng lên của người đồng tính. Phải sống ở thời đại đó, trải qua những gì họ đã gặp phải mới có thể hiểu được.
Nhà sử học David Carter nói: “Kể cả nếu Bastille thất bại, cách mạng Pháp không diễn ra, nó vẫn là một dấu mốc lịch sử còn được lưu truyền tới ngày nay. Với Stonewall cũng vậy, nếu những cuộc đụng độ không kết thành một làn sóng để đem lại tự do cho những người đồng tính, nó vẫn sẽ ghi dấu trong lịch sử”.
Báo chí và truyền thông im lặng trước sự kiện Stonewall trong thời điểm năm 1969. Tuy nhiên, sự im lặng ấy của báo chí không thể khiến cả cộng đồng im lặng. Đêm lịch sử ấy tại Stonewall đã châm ngòi cho tinh thần sục sôi của cộng đồng người LGBT trong suốt nhiều ngày sau và gần 50 năm miệt mài của phong trào đấu tranh vì quyền của cộng đồng LGBT trên khắp thế giới.
“Sau Stonewall, mọi thứ đã thay đổi. Chúng tôi không còn phải cầu xin mọi người hãy coi như chúng tôi như phần còn lại của nước Mỹ. Đó là quyền của tất cả mọi người và chúng tôi sẽ không phải quỳ gối để xin ai nữa”, Martha Shelley chia sẻ.
Một tháng sau chuỗi sự kiện Stonewall, ngày 27/7/1969, một cuộc tuần hành công khai của người đồng tính đã diễn ra tại New York. Dư âm của Stonewall vẫn còn, hàng trăm người tập trung tại công viên Washington Square, tuần hành tới quảng trường Sheridan. Martha nhớ lại bài phát biểu của mình: “Thời khắc này đã đến để chúng ta có thể tự hào bước đi trong nắng mai. Chúng ta không phải cầu xin ai để có được điều đó nữa!”.
Ngày 27/6/1970 - kỷ niệm 1 năm cuộc nổi dậy Stonewall, một cuộc tuần hành nhỏ đã được diễn ra từ công viên Acquatic tới trung tâm thị chính San Francisco. Cùng ngày hôm đó, Chicago Gay Liberation đã tổ chức một cuộc tuần hành khác tại thành phố Chicago. Đây chính là hai Tuần hành Tự hào đầu tiên trên thế giới. Nước Mỹ và thế giới hậu Stonewall chứng kiến những đổi thay tích cực cho cộng đồng người đồng tính: Lá cờ 6 màu ra đời, lần lượt các quốc gia hợp pháp hóa hôn nhân đồng tính, quyền cho người chuyển giới được nhiều nước công nhận, các cuộc tuần hành Pride Month diễn ra ở nhiều nước… Để có được những điều đó, Martha Shelley và những người bạn của bà đã có nhiều đêm không ngủ với Stonewall.
50 năm đã trôi qua, nếu hỏi Martha hay Lanigan-Schmidt rằng có điều gì khiến họ tự hào và ấn tượng nhất, có lẽ câu chuyện về những đêm hè oi ả của 50 năm về trước lại trở về trong tâm trí.
“Người đồng tính đã không còn núp sau những lùm cây”.