ĐBQH Thái Trường Giang đề xuất nâng mức xử phạt với các tội vi phạm về vệ sinh an toàn thực phẩm.
Sáng 21/10, sau khi nghe Bộ trưởng Bộ tư pháp Lê Thành Long, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự số 100/2015/QH13 và nghe Chủ nhiệm Ủy ban tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga trình bày Báo cáo thẩm tra trên hội trường, các ĐBQH đã thảo luận tại tổ về các nội dung sửa đổi, bổ sung trong luật.
Đa số các ĐBQH nhất trí quan điểm việc để xảy ra những sai sót trong BLHS là điều đáng tiếc, trong đó có nguyên nhân về áp lực thời gian quá lớn. Vì vậy, quan điểm xuyên suốt lần sửa đổi này là làm thận trọng, kỹ lưỡng, không để sự cố đáng tiếc tương tự xảy ra.
Góp ý vào từng quy định cụ thể, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đề cập đến tội kinh doanh trái phép dưới chiêu thức đa cấp đang gây ra hậu quả rất xấu cho xã hội. Từ đây cũng xuất hiện tràn lan các hình thức quảng cáo lừa bịp, huy động vốn hàng ngàn tỷ nhân danh pháp luật... Từ thực tế đó, người đứng đầu Chính phủ đề nghị có những quy định xử lý nghiêm khắc về các tội danh này. Theo đó, mạng lưới đa cấp dù là quy mô nhỏ nhưng gây ra hậu quả lớn thì vẫn phải có mức xử phạt tương xứng.
Xung quanh vấn đề tín dụng đen, Thủ tướng cho rằng với những kẻ lạm dụng lòng tin của nhân dân thì phải có mức xử phạt cao hơn nữa.
Đồng tình với các ý kiến của người đứng đầu Chính phủ, ĐBQH Thái Trường Giang (Cà Mau) nhấn mạnh thêm đến các quy định về tội vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm. Theo ĐB, hiện trong luật, các tội vi phạm về vệ sinh an toàn thực phẩm không có hình phạt chung thân và tử hình, chỉ có mức xử phạt cao nhất là 20 năm nên không thỏa đáng.
"Tội phạm về vệ sinh an toàn thực phẩm rất nghiêm trọng, họ bất chấp tất cả gây hại cho sức khoẻ của con người, mà sức khoẻ con người thì không thể mua được bằng tiền. Vì thế, phải xem xét nâng lên mức án chung thân cho tội này, thậm chí phải xem xét đến cả mức án cao nhất là tử hình", ĐB Giang đề xuất.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đồng tình quan điểm này và cho rằng, tội phạm liên quan đến thực phẩm bẩn phải bị xử lý nghiêm vì đây là hình thức "giết người gián tiếp".
ĐBQH Lê Thanh Vân đề cập đến vấn đề lạm dụng quyền lực.
Trong khi đó, ĐB Lê Thanh Vân (Cà Mau) tập trung kiến nghị việc bổ sung các tội phạm mới. Điển hình như việc vừa qua nổi lên rất nhiều vấn đề bức xúc trong xã hội, trong đó có việc lạm dụng quyền lực, chiếm đoạt quyền lực làm của riêng, bổ nhiệm người nhà, người thân.
"Thực tế này diễn ra rất lâu rồi, xưa nay vẫn có người có quyền lực bổ nhiệm người không xứng đáng, dùng quyền lực một cách trá hình, để đến khi báo chí phanh phui ra thì người dân rất bức xúc", ông Vân nói và cho rằng, cần quy định rõ những hành vi này vào luật, làm rõ xem lợi dụng quyền lực, chiếm đoạt quyền lực có phải là tội không, có nên đưa vào luật để giải quyết không?
Về thời gian, ông Vân tán thành dự thảo luật này nên được thông qua trong 2 kỳ họp, tức là xem xét cho ý kiến tại kỳ họp thứ 2 và thông qua tại kỳ họp thứ 3.