Đây là phương pháp giáo dục "tàn khốc" nhất: Trẻ em lớn lên rất dễ bị cả thế giới bắt nạt

Hiểu Đan, Theo Đời sống & Pháp luật 14:04 17/05/2025
Chia sẻ

Bạn có mắc phải lỗi sai này khi dạy con?

Có một đoạn video trên mạng, được chính người mẹ nọ đăng tải, giãi bày nỗi oan của mình khiến dân tình chú ý.

Chị kể: "Con gái tôi bị bạn cùng phòng cô lập, sau đó còn được chẩn đoán mắc chứng trầm cảm. Nhưng tôi không tin. Tôi nghĩ con đang làm quá lên, không có gì to tát cả". Chị thậm chí còn trách con: "Tại sao bạn bè không cô lập người khác mà chỉ cô lập mỗi con? Chắc chắn là do con có vấn đề, con làm gì đó không đúng…"

Chính vì chuyện này, hai mẹ con thường xuyên cãi nhau. Mỗi khi nhắc đến, cô bé lại sụp đổ hoàn toàn, gần như không thể chịu đựng được nữa. Nhưng người mẹ cho rằng, chị không làm gì sai cả, chỉ tại con "hư".

Đây là phương pháp giáo dục "tàn khốc" nhất: Trẻ em lớn lên rất dễ bị cả thế giới bắt nạt- Ảnh 1.

Ảnh minh hoạ

Nói thật lòng, nếu đến cả người mẹ, người thân cận nhất cũng không đứng về phía con, thì trên đời này, còn ai để con bé có thể dựa vào? Nếu ngay cả cha mẹ cũng không tin tưởng con mình, thì ai sẽ bảo vệ chúng?

Một trong những câu nói tàn nhẫn nhất mà cha mẹ từng nói với con cái là: "Một cái tay không vỗ vang, ruồi không bu vào quả trứng lành". Con không làm gì, tại sao bạn lại chọn con để gây chuyện?

Chắc nhiều cha mẹ không biết, câu nói tưởng chừng nhẹ tênh ấy thực chất là một nhát dao đâm thẳng vào lòng con trẻ. Một đứa trẻ đáng lẽ nên được mẹ bảo vệ, lại bị chính mẹ mình đẩy vào vực sâu.

Trẻ em bị cha mẹ áp bức, sẽ bị cả thế giới bắt nạt

Một cư dân mạng kể: Tôi còn nhớ năm đầu cấp 3, có một bạn bị cô chủ nhiệm than phiền rằng "nói năng không lễ phép, tỏ thái độ". Cô gọi điện cho phụ huynh. Nhưng cha mẹ bạn ấy không vội tin ngay. Họ nói: "Con tôi từ nhỏ đã không như vậy, chắc là có hiểu lầm. Để vợ chồng tôi tâm sự thêm với cháu cô nhé".

Sau này bạn kể lại, khi nghĩ về chuyện đó vẫn thấy rất cảm động: "Bố mẹ tôi không vì một câu nói của cô giáo mà vội vàng mắng chửi tôi, cũng không vì tôi là con họ mà bênh vực mù quáng. Họ nhìn vào sự thật, nhưng từ trong lòng, họ tin tôi là người tử tế".

Sự tin tưởng của cha mẹ chính là chỗ dựa vững chắc nhất để con đối mặt với thế giới. Nếu ở nhà, trẻ con đã phải sống trong sợ hãi, thì ra ngoài đời, làm sao các em có đủ tự tin và sức mạnh để tự vệ?

Một người khác nói, anh không bao giờ quên câu nói mẹ nói khi còn nhỏ, sau một chuyến đi thăm họ hàng: "Nhìn mày cứ cúi gằm mặt, nhát như cáy, mẹ thấy phát bực!". Nhưng mẹ đâu biết, ở nhà anh toàn bị đánh mắng. Một câu nhẹ cũng bị ăn roi. Anh rụt rè, nhát gan – chẳng phải là do chính cách cha mẹ đối xử sao?

Nhiều bậc phụ huynh bất lực trước cuộc sống ngoài kia, lại về trút giận lên con cái. Cha mẹ như thế, khi con bị tổn thương, sẽ luôn đổ lỗi cho con. 

"Từ nhỏ, tôi đã bị gán cái mác "có vấn đề", dần dà tôi thấy bản thân mình đúng là có vấn đề thật. Tôi lớn lên trong mặc cảm, sợ hãi, lúc nào cũng cảm thấy lỗi là ở mình, cảm thấy mình không đủ tốt, không xứng đáng. Phải mất hơn 10 năm, sau khi rời quê lên thành phố học đại học và làm việc, tôi mới từ từ gỡ bỏ được những gánh nặng đó.

Nhìn lại, tôi mới nhận ra, không phải tôi sai, mà là cha mẹ tôi sai. Tôi từng là đứa trẻ vừa nghe thấy tiếng chân mẹ đã run lên vì sợ. Giờ đây, đã rời xa quê hơn chục năm, mỗi khi mẹ gọi điện, tôi chẳng muốn bắt máy. Nếu có nghe, tôi cũng chỉ mong nói nhanh cho xong để tìm cớ cúp máy. Không phải vì tôi hận. Chỉ là tôi đã quá mệt mỏi, quá chai lì rồi", anh nói.

Đừng "thắng" con, hãy "thắng được trái tim con"

Nhiều cha mẹ nghĩ rằng: Làm con sợ mình mới là cách dạy con hiệu quả. Họ cho mình quyền đứng trên con, ép con nghe lời tuyệt đối.

Một bà mẹ kể: "Người bạn tôi có cậu con trai lớn, hồi nhỏ lanh lợi, vui vẻ. Nhưng gần đây đi khám thì được chẩn đoán có dấu hiệu bất ổn tâm lý. Bạn tôi nói, hồi nhỏ vợ anh thường mắng con nặng lời, lúc nào cũng quát tháo, đè đầu cưỡi cổ. Cô ấy còn tự hào: "Thằng bé thấy tôi là sợ, tôi chỉ cần trừng mắt là nó chẳng dám hó hé!". 

Nhưng từ khi vào cấp 2, con hoàn toàn thay đổi, không chỉ không phản kháng, mà đến một câu nói với cha mẹ cũng không buồn nói. Giờ anh bạn tôi mới tỉnh ngộ: Ngày xưa, cách vợ dạy con thật ngu xuẩn, còn anh thì im lặng, cũng chẳng khác gì đồng lõa.

Tôi thấy chính tôi cũng từng như thế, lấy quyền uy làm chuẩn mực, cho rằng con cái phải cúi đầu nghe theo. Gần đây, con tôi cãi lại tôi một câu, tôi ban đầu thấy khó chịu. Nhưng nghĩ kỹ lại, thấy điều đó thật ra là tín hiệu tốt nó chứng tỏ con cảm thấy an toàn khi ở nhà, mới dám thể hiện ý kiến"

Thật ra, đứa trẻ nào cũng sẽ trải qua giai đoạn "nổi loạn". Biết cách dẫn dắt, hiểu con, còn hơn là nuôi một đứa trẻ chỉ biết răm rắp nghe lời, không dám lên tiếng. Là cha mẹ, việc quan trọng nhất không phải là "thắng con", mà là "thắng được trái tim con".

Đừng để con sợ bạn. Hãy để con kính trọng bạn, yêu bạn từ tận đáy lòng. Đó mới là bản lĩnh thật sự của người làm cha mẹ.

Nguồn Sohu

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày