Ngành công nghệ vi mạch hay công nghiệp bán dẫn là hạt nhân của ngành công nghiệp điện tử. Là "huyết mạch" của nền kinh tế số, ngành bán dẫn được dự báo có thể mang lại doanh thu hơn 620 tỷ USD vào năm 2024 và tăng mạnh lên 1.000 tỷ USD vào năm 2030, theo Gartner - công ty tư vấn và nghiên cứu công nghệ hàng đầu thế giới. Ngành này cũng được xem là phần cốt lõi trong cuộc cạnh tranh công nghệ giữa các cường quốc trong thế kỷ 21.
Ảnh minh họa
Giáo sư Richard Henry Friend - Giáo sư tại Đại học Cambridge - Chủ tịch Hội đồng Giải thưởng VinFuture, phát biểu về tầm quan trọng của ngành này trong toạ đàm "Công nghệ Bán dẫn: Nền tảng của Thế giới hiện đại" do Quỹ VinFuture tổ chức vào ngày 18/12/2023, trong khuôn khổ chuỗi Tọa đàm "Khoa học vì Cuộc sống" thuộc Tuần lễ Khoa học Công nghệ VinFuture 2023 rằng:
"Công nghệ bán dẫn là nền tảng của nhiều giải pháp công nghệ hiện tại từ hệ thống năng lượng, viễn thông, điện toán đều cần bán dẫn… Điều thú vị là xu thế đang diễn ra ở mọi khía cạnh để ta có thể làm những hệ thống thiết bị mới, với điện áp cao, hoặc các thiết bị có hiệu quả năng lượng tốt hơn. Quả thực, ngành chất bán dẫn có vai trò quan trọng và là tiêu điểm của nhiều ngành công nghiệp".
Giáo sư Richard Henry Friend
Việt Nam cũng không nằm ngoài xu thế này. Trong bối cảnh tác động mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghiệp, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã và đang không ngừng thay đổi về tư duy, giải pháp, máy móc, nguồn nhân lực nhằm hướng đến mục tiêu phát triển ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn. Theo Công ty Nghiên cứu Technavio, thị trường chất bán dẫn tại Việt Nam dự kiến sẽ tăng trưởng lên 1,65 tỷ USD trong giai đoạn 2021 - 2025, với mức tăng trưởng hàng năm khoảng 6,5%.
Dẫu vậy, nước ta vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức, nhất là thiếu hụt nguồn nhân lực cho ngành công nghiệp này.
Theo nhận định trong hội thảo "Thực trạng và giải pháp trong đào tạo nhân lực và nghiên cứu triển khai lĩnh vực vi mạch bán dẫn Việt Nam tầm nhìn 2045" do Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia TP.HCM) và Hội Công nghệ Vi mạch bán dẫn TP.HCM (HSIA), dù được xem là ngành công nghiệp "tỷ USD", ngành vi mạch bán dẫn tại Việt Nam vẫn phải đối mặt với thách thức thiếu hụt nguồn nhân lực trầm trọng.
Cụ thể hơn, Việt Nam hiện đang thiếu khoảng 5.000 - 10.000 kỹ sư/năm trong ngành công nghiệp bán dẫn. Tuy nhiên, đáp ứng cho ngành này vẫn còn là một thách thức lớn, đặc biệt là về chất lượng và số lượng nhân lực. Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ phối hợp với các bộ, ngành khác triển khai các chương trình đào tạo nguồn nhân lực cao đáp ứng yêu cầu của ngành.
Đặc biệt, theo các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, đào tạo nhân lực ngành bán dẫn đòi hỏi sự tham gia của giảng viên và chuyên gia có kiến thức và kinh nghiệm sâu sắc trong lĩnh vực này. Trong khi đó, tại Việt Nam, số lượng giảng viên và chuyên gia có chuyên môn cao và kinh nghiệm trong ngành bán dẫn chưa nhiều.
Ảnh minh họa
Trong nước hiện có 35 cơ sở giáo dục đại học đào tạo trực tiếp ngành bán dẫn hoặc ngành gần như công nghệ thông tin, điện tử viễn thông. Trong đó có các trường đại học hàng đầu về khoa học, kỹ thuật như Đại học Bách Khoa Hà Nội, Đại học Bách khoa TP.HCM (Đại học Quốc gia TP.HCM), Đại học Khoa học tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội)...
Đầu tháng 9/2023, trường Đại học FPT cùng Công ty Cổ phần Bán dẫn FPT cũng thông báo thành lập khoa Vi mạch Bán dẫn, dự kiến đón sinh viên từ năm tới. Trường Đại học FPT đang lên kế hoạch hợp tác với nhiều trường đại học tại Mỹ và Đài Loan (Trung Quốc) để thiết kế chương trình, giáo trình và chuẩn đào tạo. Được biết, đây là hai trong bốn thị trường dẫn đầu về chip và bán dẫn toàn cầu, bao gồm Mỹ, Đài Loan (Trung Quốc), Nhật Bản, Hàn Quốc...
Trong quá trình học tập để trở thành một kỹ sư ngành bán dẫn, sinh viên sẽ được trang bị những kiến thức và kĩ năng quan trọng như: Toán học; Kỹ năng kỹ thuật; Phân tích dữ liệu…
Đại học Bách Khoa Hà Nội là một trong những trường hàng đầu đào tạo ngành này
Tại Mỹ, mức lương trung bình hàng năm của một kỹ sư bán dẫn lên tới 101.500 USD (gần 2,5 tỷ đồng). Kỹ sư bán dẫn vẫn có thể làm việc trong các ngành khác nếu mức thu nhập tốt hơn, chẳng hạn như làm cho công ty tư nhân trong lĩnh vực kinh doanh, công nghệ, y tế, hoặc trong bộ máy chính phủ liên bang.
Tại Việt Nam, bà Vũ Thị Phương Thảo, Trưởng phòng Quản lý Tuyển dụng cấp cao, Navigos Search (nhà cung cấp dịch vụ tuyển dụng nhân sự tại Việt Nam), cho biết lương sau thuế trong năm đầu đi làm của kỹ sư thiết kế chip là gần 220 triệu đồng, tức hơn 18 triệu/tháng, đồng thời tăng dần sau mỗi năm.
Với 5 năm kinh nghiệm, kỹ sư bán dẫn có thể có thu nhập trên 330 triệu đồng/năm. Con số này tăng dần lên hơn 800 triệu - 1,3 tỷ đồng nếu có 15 - 20 năm kinh nghiệm. Có thể thấy đây là mức thu nhập hấp dẫn, nhanh chóng được cải thiện sau khi kỹ sư đã tích lũy được kinh nghiệm làm việc.
Theo báo cáo của Tập đoàn Công nghệ FPT, mức lương trung bình cho các vị trí trong ngành bán dẫn tại Việt Nam dao động từ 15 triệu đồng đến 45 triệu đồng/tháng 1. Tuy nhiên, điều quan trọng cần lưu ý rằng đây chỉ là ước tính và mức lương thực tế có thể khác nhau tùy thuộc vào công ty, kinh nghiệm và các yếu tố khác.
Cũng phát biểu trong trong toạ đàm "Công nghệ Bán dẫn: Nền tảng của Thế giới hiện đại" do Quỹ VinFuture tổ chức mới đây, TS. Sadasivan Shankar (Quản lý Nghiên cứu - Phát triển Công nghệ tại Phòng thí nghiệm Máy gia tốc Quốc gia SLAC, Đại học Stanford, Hoa Kỳ) tin rằng những quốc gia đang phát triển như Việt Nam có thể thiết lập các chương trình hoặc các phương án tài trợ để thúc đẩy giáo dục.
"Những cá nhân sáng tạo, khi được trang bị kiến thức và kỹ năng đúng đắn, có thể đối mặt và giải quyết những thách thức phức tạp. Đặc biệt, thế hệ trẻ thường có lý tưởng và tư tưởng lạc quan, khiến họ trở thành một nguồn tài nguyên quý báu của quốc gia", ông nói. TS. Shankar cũng là diễn giả trình bày tại phiên tọa đàm về bán dẫn trong khuôn khổ Tuần lễ Khoa học Công nghệ VinFuture 2023 sáng 18/12.