Rượu hay thuốc lá thì đều không phải là thứ tốt cho sức khỏe, nên tất nhiên khi kết hợp cả 2 thứ đó cũng không đem lại điều gì tốt đẹp hơn.
Trên thực tế, việc hút thuốc khi uống rượu còn khiến cồn ngấm vào máu nhanh hơn, và bạn càng dễ dàng mất tỉnh táo.
Vậy lý do gì khiến cho con người ta lên cơn "thèm" thuốc khi đang ăn nhậu? Có nghiên cứu khoa học hẳn hoi để giải thích cho chuyện này!
Thuốc lá tạo ra thói quen mới
Đầu tiên, hãy đến với một nghiên cứu của ĐH Pennsylvania từ năm 2009, do tiến sĩ John Dani và các cộng sự thực hiện. Ông thực hiện các thí nghiệm về sự ảnh hưởng của nicotine đến quá trình hình thành trí nhớ trên chuột.
"Não bộ thường tạo ra các mối liên kết về sự tồn tại của ta và môi trường xung quanh, qua đó hình thành các hành vi thường ngày. Não sẽ truyền tín hiệu tưởng thưởng khi chúng ta làm điều gì đó tốt và vui vẻ. Tuy nhiên, nicotine ra lệnh cho não làm việc này, để não nghĩ rằng hút thuốc là một hành động tốt." - Dani cho biết.
Điều này có nghĩa là về cơ bản, nicotine khiến não bộ tạo ra những mối liên kết giữa hành vi hút thuốc và môi trường xung quanh. Tức là nếu như trong lúc bạn đang uống rượu mà có người mời thuốc (điều này rất dễ xảy ra), não bộ sẽ tự động ghi nhớ điều đó thành một thói quen. Và kể từ đó về sau mỗi khi uống rượu bia, thói quen ấy, khao khát ấy lại xuất hiện.
"Hoạt động của não bộ thay đổi rất ấn tượng khi tiêm vào chuột nicotine so với saline (nước muối) - mạnh hơn đến 200%. Mức độ hoạt động như vậy ảnh hưởng rất lớn đến quá trình hình thành ký ức" - Dani chia sẻ.
Khát khao tâm lý và phản ứng hóa học
Không chỉ vậy, sự kết hợp giữa thuốc lá và rượu còn là phản ứng hóa học và tâm lý học nữa. Đầu tiên, nicotine và cồn có thể khiến não tiết ra dopamine - hóa chất truyền dẫn thần kinh cho cảm giác... sung sướng.
Nhưng vấn đề không dừng lại ở đó. Cũng giống như thuốc phiện và chất kích thích, sự kết hợp giữa thuốc lá và rượu sẽ dần mất tác dụng. Dần dần, một điếu thuốc khi đang uống rượu là không đủ, và bạn tiếp tục châm điếu thứ 2, thứ 3 mà bản thân chẳng nhận ra.
Mối nguy hại của "cặp đôi hoàn cảnh" này chắc bạn cũng hiểu: bạn sẽ hút thuốc nhiều hơn, rượu cũng nhiều hơn, và tác hại cũng theo đó mà nhân lên.
Ngày Thế giới không thuốc lá (World No Tobacco Day - WNTD) được chọn vào ngày 31 tháng 5 hàng năm, theo Nghị quyết Resolution 42.19 của WHO. Ngày này bắt nguồn từ năm 1987.
Mục đích của Tổ chức Y tế Thế giới WHO muốn tạo ra 24h đồng hồ không có khói thuốc lá trên toàn cầu, để khuyến khích cộng đồng từ bỏ thói quen hút thuốc. Mục đích xa hơn là để cộng đồng nhận ra tác hại của thuốc lá đối với người hút chủ động cũng như bị động.