Bí ẩn rùng mình về ung thư phổi: Thể dục thường xuyên, không hút thuốc vẫn bị Thần chết gõ cửa

VN Tin nhanh, Theo 10:53 05/09/2016

Những nghiên cứu mới đây chỉ ra rằng, ai cũng có thể mắc bệnh ung thư phổi...

Bí ẩn rùng mình về ung thư phổi: Thể dục thường xuyên, không hút thuốc vẫn bị Thần chết gõ cửa - Ảnh 1.

Hút thuốc là nguyên nhân gây ra ung thư phổi (Ảnh minh họa)

Emily Bennett Taylor thức dậy với một cơn ho quặn ruột. Khi tới bác sỹ, cô được chẩn đoán chỉ bị viêm phế quản xoàng. Khi trở lại phòng khám lần thứ hai, các bác sỹ thông báo Emily đã mắc bệnh hen suyễn.

Thế nhưng sau nhiều tháng điều trị, cơn ho của Emily vẫn không có dấu hiệu thuyên giảm, thậm chí còn trở nên tệ hơn. Cho đến khi những lá phổi đau tới mức không chịu được, Emily mới chết điếng khi biết rằng trong lồng ngực của cô đang có một khối u không ngừng phát triển.

Emily đã mắc ung thư biểu mô tuyến – một dạng ung thư phổi không tế bào nhỏ, thường gặp nhất ở những phụ nữ trẻ không hút thuốc lá. Cho đến khi phát hiện, bệnh ung thư của Emily đã tiến tới giai đoạn IV, có nghĩa là các tế bào ác tính đã lan đến toàn bộ buồng phổi của cô.

“Tôi cảm thấy đất trời như sụp đổ. Tin nổi không, một phụ nữ 28 tuổi, sức khỏe tốt, chơi thể thao đều đặn và thậm chí còn leo núi – thế mà lại bị ung thư phổi!” Emily vỡ òa ra.

Bí ẩn rùng mình về ung thư phổi: Thể dục thường xuyên, không hút thuốc vẫn bị Thần chết gõ cửa - Ảnh 2.

Tuy nhiên, có những người không hề hút thuốc vẫn bị ung thư phổi

Người trẻ tuổi thường chủ quan với sức khỏe của mình 

Ingrid Nunez là một bệnh nhân khác cũng mắc phải ung thư biểu mô tuyến giai đoạn IV. Cô gái này mới có 19 tuổi. Nunez chia sẻ lúc đầu mọi người đều tưởng cô mắc phải ung thư máu, vì ở tuổi của cô, rất ít người bị ung thư phổi ghé thăm.

Độ tuổi trung bình của người mắc ung thư phổi là 70. Chỉ khoảng 2-3% trong số 228,190 người mắc bệnh ung thư có tuổi đời nhỏ hơn 40 (số liệu năm 2013).

Nunez cho biết thứ bất bình thường duy nhất là một nốt sưng đỏ trên xương đòn trái của cô. “Thực ra nốt sưng đó chẳng ảnh hưởng gì mấy, tôi vẫn thấy khỏe phây phây. Hoặc ít ra là tôi tưởng như vậy.”

Cho đến trước khi sinh thiết, không ai nghĩ rằng nốt sưng đỏ đó thật ra là dấu hiệu của bệnh ung thư phổi đã di căn tới khắp vùng bụng, gan và xương chậu.

Nunez chia sẻ: “Lúc ấy tôi gần như trống rỗng. Sao chuyện này lại xảy ra với mình? Mình có bao giờ hút thuốc đâu?”

Dù sự thật rằng ung thư phổi rất hiếm khi xuất hiện ở người trẻ tuổi, tuy nhiên Tiến sỹ Geoff Oxnard – một chuyên gia trong lĩnh vực ung thư phổi – tuyên bố ung thư phổi đang phát triển mạnh mẽ và có thể trở thành một mối đe dọa khủng khiếp trong tương lai.

Vào năm 2013, đã có 159.480 người chết vì ung thư phổi tại Mỹ - con số này nhiều hơn tổng số ung thư vú, ung thư ruột và ung thư tuyến tiền liệt cộng lại.

Người ta luôn quan niệm rằng hút thuốc là nguyên nhân chính gây ra ung thư phổi. Điều đó không sai, tuy nhiên trên thực tế, có khoảng 10-15% những người mắc ung thư phổi khẳng định họ chưa bao giờ hút thuốc. Đặc biệt trong số đó, tỷ lệ nữ giới trẻ như Emily và Nunez chiếm một con số không nhỏ chút nào.

“Hầu như những bệnh nhân trẻ khi phát hiện ra ung thư thì đều đã bước sang giai đoạn 4. Và tất nhiên, sau khi biết bệnh tình của mình, tất cả đều suy sụp,” Oxnard cho biết.

75% những người mắc bệnh ung thư phổi đều đã bị di căn và số người có thể kéo dài hơn 5 năm chỉ chiếm chưa tới 5%.

“Những bệnh nhân lớn tuổi, bệnh thường được phát hiện một cách tình cờ khi chụp chiếu, X-ray… Nhưng những người trẻ tuổi khỏe mạnh thì thường phớt lờ những biện pháp kiểm tra y tế định kỳ. Họ thậm chí cũng bỏ qua những dấu hiệu chết người xuất hiện trên cơ thể mình.”, Oxnard cho biết.

Trong quá khứ, ung thư phổi được chia làm hai loại: ung thư tế bào nhỏ và ung thư không tế bào nhỏ. Tuy nhiên gần đây, nhiều loại biến chứng đã xuất hiện khiến ung thư phổi càng trở nên đáng sợ.

Cứ mỗi biến chứng bất thường sẽ phải được thiết kế một liệu trình riêng. Những liệu pháp này đem đến hiệu quả tốt hơn hẳn xạ trị hay hóa trị; ít để lại di chứng hơn và đảm bảo an toàn hơn.

Ví dụ, có nhóm những người trẻ tuổi, không hút thuốc nhưng vẫn mắc bệnh ung thư có chung một loại gen đột biến tên là EGFR. Những người có phản ứng dương tính khi xét nghiệm loại tế bào này sẽ được khuyên dùng liệu pháp có tên Tarceva thay vì những liệu pháp thông thường. Tương tự, liệu pháp Xalkori sẽ là lựa chọn tốt nhất dành cho nhóm những bệnh nhân khác có tế bào biến chứng ALK và ROS1.

Bí ẩn rùng mình về ung thư phổi: Thể dục thường xuyên, không hút thuốc vẫn bị Thần chết gõ cửa - Ảnh 3.

Khám sức khỏe định kỳ giúp sớm phát hiện ung thư phổi

Tại sao những người trẻ tuổi, sống lành mạnh lại vẫn mắc bệnh?

Oxnard cho biết quá nửa số người trẻ tuổi mắc ung thư phổi như trường hợp của Emily và Nunez, những người đã điều trị thành công và hiện vẫn đang sống mạnh khỏe.

“Hên xui, tôi nghĩ thế,” Nunez chia sẻ.

Mọi chuyện nào có đơn giản thế. Nhiều nhà nghiên cứu đã đặt nghi vấn liệu bệnh ung thư – đặc biệt là ung thư vú và ung thư ruột kết - có tính chất di truyền hay không. Cũng có một số người lại cho rằng những tác động khác, bao gồm thay đổi nội tiết tố, stress… có thể cũng là nguyên nhân gây ra ung thư.

Tuy nhiên, cho đến giờ câu trả lời vẫn hết sức mông lung. Không có luận điểm rõ ràng nào về việc tại sao những người sống lành mạnh, tránh xa các mầm mống gây bệnh nhưng lại vẫn mắc ung thư phổi? Tiến sĩ Oxnard cho biết những trường hợp người bệnh trẻ tuổi, chưa từng tiếp xúc với thuốc lá hay chất độc nhưng vẫn mắc bệnh lại càng khó giải thích.

Viện Y Tế Ung Thư Phổi Addario (ALCMI) là đơn vị tiên phong trả lời cho câu hỏi này. Cuối năm ngoái, ALCMI đã tiến hành một cuộc nghiên cứu về trường hợp bệnh nhân trẻ tuổi mắc ung thư phổi. Mục đích của cuộc nghiên cứu là nhằm tìm ra tế bào mầm mống gây ung thư ở người trẻ tuổi, qua đó tìm được phương hướng giải quyết. Đây có thể coi là cuộc hội thảo quốc tế trên diện rộng đầu tiên về vấn đề này.

“Chúng tôi cần phải tìm ra điểm khác biệt của những người bệnh trẻ tuổi, không hút thuốc lá,” Bonnies Addario, người đã chiến thắng trong cuộc chiến với bệnh ung thư phổi, đồng thời là nhà sáng lập của ALCMI, nhấn mạnh.

Oxnard bổ sung: “Giữa những người này và nhóm những người bệnh thường xuyên hút thuốc có gì khác nhau? Đó có thể là tiền đề để tìm ra những liệu trình điều trị thích hợp.”

Cuộc nghiên cứu này kéo dài 3 năm và diễn ra trên 60 bệnh nhân – những người đều có tuổi đời nhỏ hơn 40. Sẽ có khoảng 300 mẫu gen nhiễm ung thư được đưa ra nghiên cứu.

Tổ nghiên cứu của Oxnard tại Viện Ung thư Dana-Farber đang nung nấu một phương pháp đặc thù khi chỉ tập trung vào phần protein được mã hóa của các mẫu gen.

Mục đích của phương pháp này, theo Oxnard, đó là “khẳng định sự liên quan giữa thay đổi gen và ung thư phổi; cũng như tìm ra các biến chứng mới để có thể nghiên cứu liệu trình điều trị thích hợp.”

Trong dài hạn, việc này sẽ giúp chúng ta hiểu rõ tại sao bệnh ung thư phổi vẫn ghé thăm những người trẻ tuổi khỏe mạnh, cả đời chưa chạm vào điếu thuốc nào. Khi thông suốt được điều đó, chúng ta có thể tìm ra những cách điều trị mới, hiệu quả hơn dành cho người bệnh.

Ai có phổi cũng có thể bị mắc bệnh, Addario cho biết: “Toàn bộ bệnh nhân sẽ không có chung một loại tế bào nhiễm bệnh, nhưng chắc chắn sẽ chiếm đa số. Chúng tôi đã có biện pháp điều trị cho loại tế bào đó.”

Addrio cũng khẳng định, bất cứ trường hợp bất thường nào cũng sẽ được theo dõi cẩn thận, và ALCMI sẽ cung cấp những gợi ý điều trị thích hợp nhất cho từng bệnh nhân.

Hai bệnh nhân trẻ tuổi của chúng ta, Emily và Nunez, đều sốt sắng tự nguyện tham gia cuộc nghiên cứu. Họ cho biết bản thân muốn tìm hiểu thêm về chứng bệnh của mình.

“Sự thật thì, ai có phổi cũng có thể bị ung thư,” Emily cho biết. “Nhưng vấn đề là, tại sao tôi lại phải hứng cái vận đen đó?”

Theo TheAtlantic