Nếu hay đi máy bay thì chắc bạn cũng nắm được rồi, để đặt chân vào phòng chờ bạn sẽ phải vượt qua những vòng kiểm soát kỹ càng từ các nhân viên an ninh sân bay. Nhưng còn một điều mà có lẽ bạn chưa biết, đó là quá trình "soi" này vẫn còn tiếp tục ở thời điểm bạn bước lên máy bay (boarding) nữa cơ.
Người thực hiện bước kiểm tra cuối cùng này chính là các tiếp viên hàng không. Khi bạn đặt chân lên khoang hành khách, các tiếp viên tươi cười ấy sẽ thực hiện một bước "soi" lần cuối (gọi là profiling - tạm dịch: sàng lọc), để đánh giá xem ai là người đáng tin cậy, và ai cần phải theo dõi kỹ hơn.
Dưới đây là 7 yếu tố các tiếp viên sẽ xem xét từng hành khách của mình, theo như thống kê của I.G.S Security - một công ty chuyên cung cấp dịch vụ an ninh cho doanh nghiệp hàng không tại Canada.
Mỗi lần bước lên máy bay, sẽ có ít nhất 2 tiếp viên đứng ở cửa, miệng nở nụ cười và nói lời chào với hành khách. Tưởng như chỉ là quy trình mang tính lịch sự của một ngành dịch vụ, nhưng thực chất đây là điều cần thiết trong quy trình "profiling" trên khoang hành khách.
Nếu một hành khách có gương mặt lạnh tanh, không chào lại, nhiều khả năng người này cũng sẽ không đứng ra trợ giúp khi có sự việc khẩn cấp xảy ra. Ngược lại, một người thân thiện có thể sẽ hữu ích hơn rất nhiều.
Các tiếp viên sẽ luôn nhìn vào mắt hành khách khi nói lời chào lúc boarding. Nếu hành khách lảng tránh, đó là một tín hiệu cần lưu tâm. Theo I.G.S Security, tín hiệu này dựa trên một quan niệm rất đơn giản: khi bạn giấu diếm điều gì đó, bạn sẽ lảng tránh ánh mắt của người đối diện.
Dĩ nhiên, điều này không có nghĩa bất kỳ ai không nhìn vào mắt tiếp viên cũng là người xấu. Đó chỉ là một trong các dấu hiệu để các tiếp viên lưu ý hơn thôi.
Trước khi vào phòng chờ, các nhân viên mặt đất có thể yêu cầu hành khách xuất trình giấy chứng nhận từ bác sĩ để đảm bảo họ không có bất kỳ bệnh lý nào gây nguy hiểm cho chuyến bay. Tuy nhiên, một số trường hợp bị dị ứng nhẹ, gây ho và sổ mũi vẫn sẽ được cho phép lên máy bay, và điều này vô tình khiến các tiếp viên cũng phải cẩn thận hơn.
Nếu gặp một hành khách có sắc mặt nhợt nhạt, mũi đỏ tấy, chảy nước, các tiếp viên sẽ phải hỏi han, để ý nhiều hơn, thậm chí một số trường hợp còn được xếp ngồi ở vị trí cô lập so với các hành khách khác.
Đây cũng sẽ là yếu tố khiến các tiếp viên phải chú ý. Thử tưởng tượng, người ngồi cạnh bạn bỗng nhiên nổi hứng quay ra trò chuyện, thuyết phục bạn tham gia một tổ chức, hội nhóm mua bán gì đó thì sao?
Nhiệm vụ chính của các tiếp viên thực chất là đảm bảo chuyến bay được an toàn và thoải mái cho tất cả mọi người. Thế nên, việc một người có ý định quảng cáo, thuyết phục những hành khách xung quanh sẽ bị liệt vào danh sách "có tiềm năng quấy rối", và nhận được nhiều sự chú ý của các tiếp viên hơn.
Việc nói quá nhanh hoặc quá ngập ngừng là dấu hiệu cho thấy một người đang cảm thấy lo lắng. Khi tiếp xúc với một hành khách như vậy, đó là dấu hiệu cho thấy người này nhiều khả năng đang giấu diếm ý định thực sự của mình.
Dĩ nhiên đây cũng chỉ là phỏng đoán thôi, nhưng các tiếp viên sẽ chú ý đến những hành khách như vậy hơn.
Một anh chàng đẹp trai, đô con lực lưỡng hiển nhiên sẽ gây chú ý ở bất kỳ đâu, nhưng khi ở trên máy bay còn mang một ý nghĩa khác. Một hành khách như vậy sẽ được xem là nguồn hỗ trợ hữu dụng trong tình huống khẩn cấp (như mở cửa thoát hiểm), hoặc đơn giản chỉ là cất giúp hành lý cho phụ nữ, trẻ em và người già.
Gãi đầu gãi tai, cơ mặt căng cứng, ho húng hắng, đầu khó giữ yên, đổi tư thế liên tục... là những dấu hiệu cho thấy một người đang có gì đó muốn giấu; hoặc nếu cười quá nhiều - dấu hiệu cho thấy họ đang lo lắng... Những hành khách như vậy sẽ cần phải chú ý nhiều hơn.
Ngoài ra, một người nét mặt khá thiếu kiên nhẫn cũng sẽ được tiếp viên để ý, ghi nhớ vị trí ngồi. Những người này có khả năng trở nên hung dữ, gây ảnh hưởng đến an toàn bay.