Đây chính là ca khúc có độ dài kỉ lục của Việt Nam: Muốn hát hết bài này phải mất đến 36 đêm mới xong!

Koi Koi, Theo Trí Thức Trẻ 14:00 02/10/2021

Ca khúc Việt Nam gì mà lại dài đến thế?

Với sự phát triển như vũ bão của công nghệ, thời lượng các bài hát càng lúc càng được rút ngắn. Nếu như ở thập niên 90, đầu thập niên 2000, không khó để thấy các ca khúc có độ dài tầm 4-5 phút hoặc hơn thì trong những năm gần đây, thời lượng một ca khúc được rút xuống còn khoảng hơn 3 phút để phù hợp với lối sống của người trẻ hơn. Tất nhiên, vẫn có những sản phẩm âm nhạc mang tính thể nghiệm có độ dài hơn 10 phút.

Trong lúc thời lượng các ca khúc càng được rút ngắn, bạn có bao giờ đặt vấn đề ngược lại: Đâu là ca khúc có thời lượng dài nhất ở Việt Nam? Bạn có biết rằng có một bài hát cần đến 36 đêm mới có thể trình diễn trọn vẹn không?

Đây chính là ca khúc có độ dài kỉ lục của Việt Nam: Muốn hát hết bài này phải mất đến 36 đêm mới xong! - Ảnh 1.

Đồng bào người Sán Chay

Dọc lên miền Bắc, có một cộng đồng dân tộc thiểu số đang sống yên bình ở khu vực các tỉnh Yên Bái, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Bắc Giang. Đó chính là người Sán Chay, hay còn được gọi là người Cao Lan hoặc người Sán Chỉ. Tính đến năm 2019, dân số cộng đồng người Sán Chay tại Việt Nam theo thống kê là 201.398 người.

Người Sán Chay có một loại hình diễn xướng dân gian có tên Sình Ca hay còn gọi là Sịnh Ca hay Sấng Cọ. Đây là loại hình nghệ thuật độc đáo của đồng bào Sán Chay được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản Văn hóa Phi vật thể cấp Quốc gia.

Sình Ca có từ bao giờ? Đến nay chưa ai trả lời được. Chỉ biết rằng qua bao thế hệ người Sán Chay đã coi Lưu Tam là vị tổ sư của lối hát này. Trải qua bao đời, người Sán Chay đã lưu giữ được những làn điệu Sình Ca gồm hát ru, hát giao duyên đối đáp nam nữ trong các ngày hội xuân, đám cưới, mừng nhà mới, hay khi bản có khách đến chơi. 

Đây chính là ca khúc có độ dài kỉ lục của Việt Nam: Muốn hát hết bài này phải mất đến 36 đêm mới xong! - Ảnh 2.

Hát Sình Ca thường kéo dài trong nhiều đêm, họ chia làm tốp hát đối đáp với nhau theo nhiều chủ đề phong phú. Bên nam và bên nữ cử ra mỗi bên một người có tài ăn nói, giọng hát hay, đối đáp giỏi làm nhóm trưởng. 

Một điều đặc biệt, những người tham gia hát Sình Ca thường là những nam thanh, nữ tú chưa vợ chưa chồng, không cùng huyết thống, bởi người Sán Chay cho rằng hát Sình Ca là lối hát trao tình trai gái, nên những người có gia đình không được tham gia, muốn tham gia có chăng chỉ hát vui trong ngày hội xuân, chúc tết hay trong đám cưới mà thôi.

Đây chính là ca khúc có độ dài kỉ lục của Việt Nam: Muốn hát hết bài này phải mất đến 36 đêm mới xong! - Ảnh 3.

Tương truyền, Sình Ca ban đầu được hát trong 12 đêm, nội dung bài hát chứa đựng trong 12 tập sách hát viết bằng chữ Hán đó mở rộng ra hai dạng thức là hát ngày và hát đêm và cuối cùng phát triển thành lối hát 36 đêm. Có thể nói, đây chính là bài hát có độ dài kỉ lục của Việt Nam mà chưa có tác phẩm nào có thể so sánh được về độ dài.

Một đoàn Sình Ca Cao Lan do các cụ cao niên người Cao Lan thể hiện

Nguồn: Dân tộc & Phát triển, Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam