Mới đây, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội tiếp nhận một trường hợp bệnh nhân tới khám do có tình trạng đau bụng.
Tại bệnh viện, các bác sĩ thăm khám và thực hiện các xét nghiệm. Kết quả cho thấy nồng độ triglyceride trong máu của bệnh nhân rất cao. Huyết tương của bệnh nhân trắng đục như sữa do mỡ máu tăng quá cao, kèm toan chuyển hóa, viêm tụy cấp thể nặng. Bệnh nhân có nguy cơ tử vong cao, cần được lọc máu, thay huyết tương cấp cứu.
Bệnh nhân đã được chỉ định lọc máu điều trị viêm tuỵ cấp theo phác đồ.
Viêm tụy cấp là tình trạng viêm và tự hủy mô tụy cấp tính, do chính men tụy gây ra, dẫn đến các biến chứng tại chỗ (tụy, mô xung quanh tụy) và toàn thân. Viêm tụy cấp biểu hiện ở nhiều mức độ từ nhẹ đến nặng và có thể gây tử vong.
Nguyên nhân gây viêm tuỵ cấp chủ yếu là do sỏi mật, lạm dụng rượu bia, tăng mỡ máu.
Ngoài ra, một số nguyên nhân ít gặp hơn có thể gây viêm tuỵ cấp như: chấn thương vùng bụng, phẫu thuật; Các bệnh lý gây tổn thương mạch máu nhỏ như bệnh đái tháo đường, bệnh lupus ban đỏ; Các bệnh có tăng lipid máu; Các rối loạn chuyển hóa, tăng canxi huyết; Nhiễm virus.
Bệnh nhân được lọc huyết tương cấp cứu. (Ảnh bác sĩ cung cấp)
PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội cho biết, lọc máu chỉ được chỉ định khi cần điều trị, nghĩa là khi đã được chẩn đoán xác định là có bệnh thực sự. Đây là phương pháp hiệu quả, có thể cứu sống nhiều bệnh nhân suy thận, suy tim, nhiễm khuẩn nặng, viêm tuỵ cấp...
Trường hợp bệnh nhân viêm tuỵ trên đã được điều trị lọc máu. Sau khi được điều trị tích cực sức khoẻ của bệnh nhân đã ổn định.
Chia sẻ thêm về vấn đề lọc máu, PGS Nguyễn Lân Hiếu cho biết gần đây trên mạng xã hội xuất hiện trào lưu rủ nhau đi lọc máu để loại trừ mỡ trong máu. Thậm chí, nhiều nơi còn quảng cáo rằng chỉ cần lọc máu sẽ "loại bỏ mỡ máu, xóa bỏ máu xấu, ngăn ngừa đột quỵ, xơ vữa động mạch, đái tháo đường, gan nhiễm mỡ". Có nhiều người còn bay sang Singapore, Nhật Bản để lọc máu "phòng bệnh". Tuy nhiên, theo PGS Lân Hiếu, lọc máu chỉ được chỉ định khi mắc bệnh cần điều trị.
PGS Lân Hiếu lưu ý lọc máu không thể phòng ngừa được đột quỵ, sạch mỡ máu, ngừa đái tháo đường. Do vậy, mọi người không chạy theo trào lưu "lọc máu để phòng bệnh". Chuyên gia cũng khuyến cáo mọi người không nên tiêu tốn tiền bạc và công sức cho việc thực hiện một thủ thuật "xâm lấn" mà hiệu quả phòng bệnh chưa được chứng minh rõ ràng.