Đạt điểm tuyệt đối có trượt tất cả nguyện vọng?

Minh Phong, Theo Giáo dục và Thời đại 14:14 21/07/2022

Nhiều cơ sở giáo dục đại học bắt đầu công bố mức điểm đủ điều kiện trúng tuyển theo phương thức xét tuyển riêng. Theo thông báo, điểm trúng tuyển (trừ điều kiện tốt nghiệp THPT) với phương thức xét kết quả học bạ THPT của một số ngành ở mức cao kỷ lục, trên 30 điểm mới trúng tuyển.

Nhiều ngành “điểm chuẩn” cao kỷ lục

PGS.TS Phạm Thị Thu Hương – Chủ tịch Hội đồng tuyển sinh, Hiệu trưởng Trường ĐH Văn hóa Hà Nội đã ký thông báo mức điểm đủ điều kiện trúng tuyển theo phương thức xét tuyển kết hợp kết quả học tập cấp THPT với quy định của trường và hướng dẫn thực hiện việc đăng ký nguyện vọng xét tuyển.

Theo đó, phương thức này xét tuyển 3 tổ hợp từ kết quả học tập THPT gồm: C00 (Văn, Sử, Địa), A00 (Toán, Lý, Hóa) và D01 (Toán, Văn, Anh). Theo thông báo của trường này, đối với tổ hợp C00 có 3 ngành gồm: Báo chí; Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành; Luật - điểm đủ điều kiện trúng tuyển là 30,5/30 điểm. Đối với tổ hợp A00, D01 – mức điểm này là 29,5/30; riêng ngành Ngôn ngữ Anh là 37/40 điểm.

Trước đó, Đề án tuyển sinh của Trường ĐH Văn hoá Hà Nội hướng dẫn cách tính điểm xét kết quả học bạ THPT theo công thức: Điểm trung bình cộng mỗi môn trong 3 năm thuộc tổ hợp xét tuyển và điểm cộng ưu tiên (được nhà trường xác định tùy từng mức theo đối tượng khác nhau, cao nhất được cộng 10 điểm và thấp nhất là 3 điểm). Với mức điểm đủ điều kiện trúng tuyển như trên, những thí sinh thuộc khu vực 3, không có chứng chỉ ngoại ngữ, không đoạt giải học sinh giỏi cấp tỉnh, cấp quốc gia gần như không có cơ hội trúng tuyển vào trường.

PGS.TS Lê Hiếu Giang – Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP Hồ Chí Minh cũng đã ký Quyết định công bố điểm chuẩn trúng tuyển đại học chính quy năm 2022 diện tuyển thẳng, ưu tiên xét tuyển, xét học bạ THPT và điểm đánh giá năng lực.

Trong đó, nhiều ngành điểm chuẩn ở mức 29,75. Điểm chuẩn đối với phương thức xét tuyển thẳng, ưu tiên xét tuyển (thí sinh đạt giải Nhất, Nhì và Ba cấp quốc gia theo môn, cuộc thi khoa học kỹ thuật), ưu tiên xét tuyển học sinh giỏi trường chuyên; xét điểm IELTS quốc tế, ngành sư phạm tiếng Anh; xét điểm SAT quốc tế; xét học bạ với thí sinh trường chuyên (mức điểm chuẩn học bạ thấp hơn trường còn lại).

Với các thí sinh trên, điểm chuẩn ngành cao nhất là 28,75 điểm, nhưng với thí sinh trường thường, điểm chuẩn cao nhất đạt 29,75 điểm (gần 10 điểm/môn học trong tổ hợp xét tuyển). Trong 71 ngành xét kết quả học bạ, có 14 ngành có điểm chuẩn từ 29 điểm trở lên.

Một số ngành của Trường ĐH Cần Thơ cũng có điểm chuẩn theo phương thức xét học bạ THPT tăng so với năm trước. Năm 2021, ngành Công nghệ sinh học chương trình chất lượng cao có điểm chuẩn là 21 điểm; năm nay là 25,25 điểm; ngành Hóa học tăng từ 21,5 lên 26,5 điểm.

Đạt điểm tuyệt đối có trượt tất cả nguyện vọng? - Ảnh 1.

Thí sinh tham dự Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022. Ảnh: TG.

Nên chọn nhiều nguyện vọng xét tuyển

Ở mùa tuyển sinh năm trước, có trường hợp đạt gần điểm tuyệt đối nhưng vẫn trượt tất cả nguyện vọng. Để không lặp lại tình trạng này, TS Nguyễn Tiến Dũng – Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Hà Nội tư vấn: Thí sinh nên khai thác tối đa quyền được đăng ký số nguyện vọng của mình. Theo đó, có nguyện vọng vào những ngành “hot” với điểm trúng tuyển cao và cả những ngành có điểm trúng tuyển ở mức độ vừa phải.

Bên cạnh đó, thí sinh cần nghiên cứu và tìm hiểu về chỉ tiêu dành cho các phương thức tuyển sinh của những ngành mà mình quan tâm. Qua đó, có thể tránh được việc chỉ đăng ký vào những ngành không còn nhiều chỉ tiêu cho phương thức xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT.

“Tất cả nguyện vọng xét tuyển đợt 1 đều phải đăng ký vào cổng thông tin của Bộ GD&ĐT để hệ thống hỗ trợ các trường sắp xếp các nguyện vọng đủ điều kiện trúng tuyển, để các em được trúng tuyển vào nguyện vọng cao nhất theo mong muốn. Lưu ý: Thí sinh chỉ trúng tuyển 1 nguyện vọng duy nhất” - TS Phạm Như Nghệ nhấn mạnh.

TS Phạm Như Nghệ - Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD&ĐT) khuyến cáo: Các em nên chọn ngành, chọn trường gần với mức điểm của mình và sử dụng nhiều phương án khác nhau (nhiều nguyện vọng xét tuyển). Hiểu một cách đơn giản là, thí sinh biết phải lượng sức mình và không nên chỉ đăng ký vào một ngành hoặc một trường có mức cạnh tranh cao. Các trường sẽ xét tuyển từ cao xuống thấp cho đến đủ chỉ tiêu.

Theo TS Lê Xuân Thành – Trưởng phòng Công tác Chính trị - Sinh viên, Trường ĐH Mỏ - Địa chất (Hà Nội), với những thí sinh, dù đủ điều kiện trúng tuyển đại học trước khi dự tốt nghiệp THPT vẫn cần làm các thủ tục cần thiết để hoàn tất việc trúng tuyển.

Thí sinh đăng ký xét tuyển sớm vào trường đại học bằng phương thức xét tuyển học bạ, ưu tiên xét tuyển, thi đánh giá năng lực... sẽ được thông báo trúng tuyển nếu đủ điều kiện. Tuy nhiên, để bảo đảm quyền lợi trúng tuyển, thí sinh cần lưu ý một số quy định liên quan. Chẳng hạn, sau khi nhận giấy chứng nhận tốt nghiệp THPT tạm thời, nếu thí sinh đã xác định theo học ngành đã trúng tuyển sớm thì cầm giấy này về trường ĐH đã đăng ký để hoàn thành hồ sơ.

PGS.TS Phạm Thị Thu Hương lưu ý, thí sinh đã trúng tuyển (trừ điều kiện tốt nghiệp THPT) muốn theo học ngành mong muốn thì khi đăng ký trên hệ thống của Bộ GD&ĐT, cần đặt nguyện vọng đã được xét đủ điều kiện trúng tuyển là nguyện vọng 1 để bảo đảm chắc chắn trúng tuyển.

“Theo Quy chế tuyển sinh trình độ đại học, cao đẳng ngành Giáo dục mầm non năm 2022 của Bộ GD&ĐT, để bảo đảm đầy đủ quyền trúng tuyển, từ ngày 22/7 - 20/8, thí sinh đăng ký nguyện vọng đã đủ điều kiện trúng tuyển (trừ điều kiện tốt nghiệp THPT) vào hệ thống của Bộ GD&ĐT. Nếu thí sinh không đăng ký nguyện vọng đã được xét đủ điều kiện trúng tuyển vào hệ thống của Bộ đồng nghĩa với việc từ bỏ quyền trúng tuyển của mình” - PGS.TS Phạm Thị Thu Hương nhấn mạnh.