Đào tạo đại học: Học phí nhiều ngành tăng mạnh

Ngọc Văn, Theo Tiền Phong 14:51 12/08/2022

Tại Đề án tuyển sinh hay các thông báo độc lập, các trường đều cho biết dự kiến tăng học phí từ năm học mới này, một số ngành có mức học phí tăng chóng mặt.

Trường ĐH Luật TPHCM công bố học phí áp dụng năm đầu tiên cho sinh viên khóa tuyển sinh 2022 chương trình đại trà từ 31 - 39 triệu đồng/năm học, tùy ngành; chương trình chất lượng cao từ 62,5 - 74 triệu đồng/năm; đặc biệt chương trình chất lượng cao giảng dạy bằng tiếng Anh lên tới 165 triệu đồng/năm.

Nếu theo đúng lộ trình dự kiến này, sinh viên chương trình đại trà của trường này sẽ đóng 44,7 - 62 triệu đồng tùy ngành cho năm học cuối cùng; chương trình chất lượng cao dao động từ 89,5 đến gần 220 triệu đồng năm thứ tư. So với năm học 2021 - 2022 vừa qua, ngành đại trà có học phí tăng cao nhất lên đến trên 13 triệu đồng và chương trình chất lượng cao tăng hơn 24,6 triệu đồng.

Trả lời báo chí, lãnh đạo Trường ĐH Luật TPHCM cho biết mức học phí trường công bố được xác định căn cứ vào Nghị định 81 của Chính phủ (Quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập; giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo), áp dụng cho trường tự chủ hoàn toàn. Trường công bố mức học phí mới theo đúng lộ trình 4 năm để người học có thông tin tham khảo khi chọn ngành.

Đào tạo đại học: Học phí nhiều ngành tăng mạnh - Ảnh 1.

Thí sinh xét tuyển ĐH năm nay mong chờ các trường giảm học phí. Ảnh: Như Ý

Lãnh đạo Trường ĐH Luật TPHCM lý giải thêm, sở dĩ học phí năm học này tăng mạnh so với năm trước vì năm học 2021 - 2022 không tăng, giữ nguyên mức năm học 2020 - 2021 để chia sẻ khó khăn với người học do dịch COVID-19.

Nhưng theo nghị định của Chính phủ, học phí bậc ĐH tăng mỗi năm theo lộ trình khoảng trên 10%, nên theo đúng lộ trình, học phí của năm học 2022 - 2023 được tính dựa trên mức thu của năm học 2021 - 2022 mà đáng ra đã được áp dụng.

Như vậy, học phí của Trường ĐH Luật TPHCM năm nay tăng gộp so với năm 2020. Sinh viên nhập học năm 2022-2023 các ngành Luật, Luật thương mại quốc tế, Quản trị kinh doanh (hệ đại trà) nộp học phí thấp nhất 151 triệu đồng cho cả khóa học kéo dài bốn năm. Hệ đại trà của những ngành còn lại ở mức 179-204,7 triệu đồng/khóa. Còn ngành Luật (hệ chất lượng cao, giảng dạy bằng tiếng Anh) có học phí cao nhất, 765,9 triệu đồng cho cả khóa.

Theo PGS.TS Nguyễn Ninh Thụy, Trưởng Ban Kế hoạch Tài chính, ĐH Quốc gia TPHCM, tăng học phí sẽ dẫn đến xu hướng người học ít lựa chọn các ngành khoa học cơ bản mà theo học các ngành “nóng”, bởi cơ hội nghề nghiệp phong phú hơn và thu nhập cao hơn. Xu hướng mới này có thể gián tiếp tạo ra “khủng hoảng thừa” và “khủng hoảng thiếu” về nhân lực của một số ngành khoa học cơ bản trong tương lai gần.

Chờ nghị quyết của Chính phủ

Một số trường ĐH không tăng học phí như Trường ĐH Kinh tế Quốc dân, Trường ĐH FPT, còn phần lớn các trường đều áp dụng tăng theo Nghị định 81.

Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6 năm nay, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn kiến nghị Chính phủ ban hành nghị quyết đối với học phí năm học 2022 - 2023. Trong đó, với giáo dục ĐH công lập, Bộ kiến nghị lùi khung học phí quy định tại Nghị định 81 thêm một năm. Nhưng đến thời điểm này, trong đề án tuyển sinh năm 2022 của trên 90% các trường ĐH đã công bố đều có lộ trình tăng mạnh học phí dự kiến với sinh viên nhập học năm học 2022 - 2023.

Lãnh đạo Trường ĐH Luật TPHCM nói rằng, đó mới chỉ là kiến nghị của Bộ GD&ĐT và chưa có thông báo chính thức về việc này. Do đó, trong trường hợp cơ quan nhà nước có thông báo chính thức yêu cầu các trường áp dụng mức học phí khác với Nghị định 81, trường sẽ có thông báo chính thức tới người học.

Trường ĐH Y Hà Nội năm nay cũng áp dụng tăng học phí theo Nghị định 81 nên học phí tăng từ 30 - 70% tùy ngành. Nhà trường cũng khẳng định chưa nhận được văn bản hướng dẫn giữ nguyên học phí như năm học trước. Trong trường hợp có văn bản, nhà trường sẽ thực hiện theo yêu cầu.

Bộ GD&ĐT đang tham mưu cho Chính phủ ban hành nghị quyết về việc giữ nguyên mức học phí ĐH như năm học trước, vì để thực hiện được chủ trương này phải có nghị quyết của Chính phủ. Tuy nhiên, để nghị quyết được thông qua, phải lấy ý kiến của các bộ, ban ngành liên quan.

Theo kiến nghị này, năm học 2022 - 2023, mức học phí của trường ĐH công lập chưa tự bảo đảm chi thường xuyên chỉ tăng tối đa 15% so với năm học 2021 - 2022 (thấp hơn mức tăng theo Nghị định 81 là 25%). Đối với trường công lập tự bảo đảm chi thường xuyên, mức trần học phí tối đa hệ số 2 lần so với cơ sở chưa tự đảm bảo chi thường xuyên.

Đối với trường công lập tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư được xác định mức trần học phí tối đa hệ số 2,5 lần so với cơ sở chưa tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư.

Như vậy, về chỉ số học phí giữa trường tự chủ hoàn toàn, trường tự chủ một phần so với trường chưa tự chủ vẫn giữ nguyên. Nhưng do mức học phí của trường chưa tự chủ giảm nên nếu Nghị quyết được ban hành thì học phí các trường ĐH đều giảm so với quy định trong Nghị định 81.

TT-Huế chưa tăng học phí các cấp học mầm non và phổ thông

Ngày 10/8, thông tin từ Sở GD&ĐT tỉnh TT-Huế cho biết, đến nay, mức thu học phí mới trong năm học 2022-2023 tại các cơ sở giáo dục mầm non và phổ thông công lập đối với chương trình đại trà trên địa bàn vẫn chưa được HĐND tỉnh quyết nghị thông qua. Trước đó, tỉnh TT-Huế dự kiến mức thu học phí năm học này sẽ tăng gấp đôi so với năm học trước. Năm học trước, nhằm chia sẻ với những khó khăn của người dân trước ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, tỉnh TT-Huế giữ nguyên mức thu học phí của các cơ sở giáo dục mầm non và phổ thông công lập bằng với mức thu học phí năm học 2020-2021.

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Quang Tuấn, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh TT-Huế, cho biết, do Thường vụ Quốc hội có chủ trương lấy ý kiến về việc có miễn giảm học phí hay không, nên HĐND tỉnh chưa thể xem xét quyết nghị vấn đề này. “Chúng tôi chờ Bộ GD&ĐT xin ý kiến chủ trương của Thường vụ Quốc hội, phương án thế nào, HĐND tỉnh sẽ thực hiện theo phương án đó. Tuy nhiên, nghị quyết về mức thu học phí các cơ sở giáo dục mầm non và phổ thông công lập đối với chương trình đại trà trên địa bàn vẫn phải được triển khai vào trước thời điểm năm học mới bắt đầu, vì đây là nghị quyết buộc phải có. Cho nên, nghị quyết này sẽ được xem xét thông qua tại một kỳ họp HĐND tỉnh diễn ra trong thời gian tới”, ông Tuấn nói.