Công an quận Ba Đình đề xuất khởi tố vụ án
Liên quan đến vụ sập nhà ở số 43 Cửa Bắc, quận Ba Đình, Hà Nội xảy ra rạng sáng ngày 4/8 khiến 2 người tử vong, nhiều người khác bị thương, chiều tối ngày 4/8, Cơ quan Cảnh sát điều tra (Công an quận Ba Đình) đã công bố kết quả điều tra ban đầu đồng thời đề xuất khởi tố vụ án Vi phạm quy định về trật tự xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng trong sự cố sập căn nhà 3 tầng số 43 Cửa Bắc khiến 2 người tử vong.
Lực lượng cứu hộ đưa thi thể nạn nhân trong vụ nhà sập ra ngoài.
Theo cơ quan điều tra, nguyên nhân ban đầu do chính các đối tượng liên quan khai nhận. Theo đó, ngày 3/8, căn nhà số 41 của bà Nguyễn Thị Vân (sinh năm 1943) chính thức khởi công sửa chữa sau khi được Ủy ban Nhân dân quận Ba Đình cấp phép do xây dựng từ năm 1980 nay đã xuống cấp.
Rạng sáng 4/8, trong quá trình lái máy xúc đào móng nhà số 41 Cửa Bắc, Trần Văn Minh, được thuê lái máy đã làm vỡ ống nước dẫn đến lở móng nhà số 43, đây có thể là nguyên nhân gây nên sự cố trên.
Hiện trường đổ nát sau vụ sập nhà.
Cũng theo cơ quan điều tra, do nhà số 43 bị sập, dẫn đến nguy cơ nhà số 45 cùng 4 hộ dân phía sau đổ theo, đơn vị này đề xuất Ủy ban nhân dân quận Ba Đình và phường Trúc Bạch có phương án di dời các hộ dân. Đồng thời, đề xuất Phòng quản lý đô thị có phương án khảo sát đánh giá mức độ an toàn của các công trình để có phương án khắc phục.
Trước đó, chiều 4/8, thông tin từ Văn phòng Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội: hiện, các lực lượng chức năng đang tiến hành điều tra, làm rõ chính xác nguyên nhân của vụ sập nhà và xem xét trách nhiệm của các cá nhân liên quan để có biện pháp xử lý.
Cần xem xét khởi tố vụ án hình sự, làm rõ trách nhiệm người có liên quan
Liên quan đến vấn đề trên, trao đổi với chúng tôi, luật sư Trần Anh Dũng, Công ty luật Đại Phúc (Hà Nội) cho biết, theo quy định của pháp luật, trước khi xây dựng, sửa chữa công trình xây dựng, chủ sở hữu công trình phải đề nghị cơ quản quản lý có thẩm quyền cấp giấy phép.
Lực lượng chức năng đưa người dân ra khỏi khu vực nguy hiểm.
"Khi thi công phải có biện pháp đảm bảo an toàn, không được gây ảnh hưởng đến các công trình liền kề. Nếu vi phạm những quy định của pháp luật về xây dựng, gây thiệt hại cho công trình liền kề sẽ phải bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu hình sự tùy vào mức độ vi phạm cũng như hậu quả gây ra", luật sư Trần Anh Dũng nói.
Đối với vụ việc xảy ra tại Công trình xây dựng tại số 41 phố Cửa Bắc, luật sư Trần Anh Dũng cho rằng: "Nếu công xây dựng sai phép (Chỉ được cấp phép sửa chữa nhưng chủ sở hữu đã đào móng xây dựng) gây ra hậu quả nghiêm trọng như vậy thì cơ quan chức năng có thể xem xét khởi tố vụ án hình sự về tội vi phạm quy định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng theo quy định tại Điều 229 Bộ luật hình sự, để điều tra làm rõ trách nhiệm của những người có liên quan. Phía nạn nhân có thể đề nghị được bồi thường thiệt hại về người và tài sản theo quy định của pháp luật".
"Theo Khoản 4 Điều 229 Bộ luật hình sự Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.
Theo Khoản 2 Điều 229: Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười năm: Là người có chức vụ, quyền hạn; Gây hậu quả rất nghiêm trọng (Chết 2 người)", luật sư Dũng cho biết thêm.
Trước đó, khoảng 3 giờ 30 phút ngày 4/8, đã xảy ra vụ sập nhà dân 3 tầng tại địa chỉ số 43 phố Cửa Bắc, phường Trúc Bạch, quận Ba Đình, TP Hà Nội. Ngay sau khi nhận được tin báo cứu nạn, Ủy ban nhân dân thành phố đã chỉ đạo các lực lượng gồm Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy thành phố, Bộ Tư lệnh Thủ đô, Y tế cùng các lực lượng liên quan khẩn trương thực hiện các biện pháp cứu hộ, cứu nạn, cấp cứu cho các nạn nhân bị thương và bảo đảm an toàn cho các hộ dân xung quanh, ổn định tình hình trật tự khu vực.
Nhà bị sập có diện tích khoảng 30m², 3 tầng 01 tum; tầng 1, 2 để kinh doanh, tầng 3 là bếp và nơi ngủ của nhân viên. Tại thời điểm xảy ra vụ sập nhà, trong căn nhà này có 9 người đang cư trú. Lực lượng cứu hộ cứu nạn xác định có 04 người tự thoát ra ngoài, 05 người mắc kẹt trong nhà. Công tác cứu nạn đã được thực hiện khẩn trương ngay trong đêm.
Ngay sau khi nhận được thông tin, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã hướng dẫn phòng Lao động Thương binh và Xã hội quận Ba Đình thực hiện công tác cứu trợ đột xuất theo quy định đối với đối tượng bảo trợ xã hội. Đến chiều 4/8 thành phố và các đơn vị tổ chức thăm hỏi, động viên người bị nạn (bước đầu đã kịp thời thăm hỏi, động viên và hỗ trợ người bị thương với số tiền 5 triệu đồng/người và 02 gia đình nạn nhân tử vong với số tiền là 22,4 triệu đồng, trong đó: Mặt trận Tổ quốc Thành phố: 5 triệu, Hội CTĐ Thành phố: 2 triệu; UBND quận Ba Đình và UBND phường Trúc Bạch: 15,4 triệu; Bệnh viện Thanh Nhàn hỗ trợ phương tiện miễn phí đưa người bị nạn về nhà).
Sau khi hoàn tất công tác cứu nạn, cơ quan chức năng đã phong tỏa hiện trường phục vụ công tác khám nghiệm. Các lực lượng chức năng đang tiến hành điều tra, làm rõ chính xác nguyên nhân của vụ sập nhà và xem xét trách nhiệm của các cá nhân liên quan để có biện pháp xử lý.
Theo báo cáo của Công an quận Ba Đình, tại căn nhà bị sập số 43 phố Cửa Bắc có 09 người tạm trú, gồm:
1. Nguyễn Văn Thanh, sinh năm 1998, quê quán Yên Phong, Bắc Ninh.
2. Nguyễn Vĩnh Dua, sinh năm 1983, quê quán Yên Phong, Bắc Ninh.
3. Trần Văn Dần, sinh năm 1998, quê quán Đông Cửa, Thanh Sơn, Phú Thọ.
4. Nguyễn Hồng Chiến, sinh năm 1999, quê quán Tản Hồng, Ba Vì, Hà Nội
5. Nguyễn Hồng Thắng, sinh năm 1998, quê quán Tản Hồng, Ba Vì, Hà Nội
6. Nguyễn Văn Quang, sinh năm 1997, quê quán Thành phố Phủ Lý, Hà Nam.
7. Nguyễn Thị Thoa, sinh năm 1997, quê quán Phú Thọ.
8. Nguyễn Thị Hằng, sinh năm 1993, quê quán Ba Vì, Hà Nội.
9. Nguyễn Vĩnh Dần, sinh năm 1986, quê quán Yên Phong, Bắc Ninh.