Câu chuyện về quê ăn Tết sau một năm làm việc, học tập xa nhà luôn mang đến cho người trẻ những cảm xúc buồn vui lẫn lộn. Vui vì sau một năm dài đằng đẵng, những ngày cuối năm được về bên mẹ cha, quây quần quanh mâm cơm gia đình, kể nhau nghe những biến động của cả một năm qua.
Tuy nhiên, song song với những niềm vui dung dị ấy, có một nỗi ám ảnh mà nhiều người phải đối mặt mang tên tiếp chuyện họ hàng ngày Tết. Sau một năm gặp lại, những câu hỏi muôn thuở vẫn thường nhận được chính là: "Bao giờ lấy chồng/vợ?", "Đã có người yêu hay chưa?", "Thưởng Tết có nhiều không?", "Hiện giờ đã làm lên đến chức gì rồi?"...
Những câu hỏi dạng như thế đối với người hỏi nhiều khi cũng chỉ đơn thuần là sự quan tâm, hỏi han lịch sự sau một quãng thời gian gặp lại nhưng trong nhiều trường hợp lại mang một ý nghĩa vô cùng nhạy cảm và nhiều khi tạo nên một áp lực vô hình mà không phải ai cũng có thể chịu đựng được.
Nói về chủ đề này, vừa mới đây, trên trang cá nhân của mình, đạo diễn Phan Gia Nhật Linh – người được công chúng biết đến sau thành công của hai bộ phim "Em là bà nội của anh" và "Cô gái đến từ hôm qua", đã có dịp chia sẻ ý kiến cá nhân của mình.
"Vậy thật ra, bạn muốn người ta hỏi gì?
Tết năm nào cũng có những người viết status về chuyện đi chúc Tết bị hỏi: Bao giờ lấy chồng/vợ? Bao giờ có con?...
Mặc dù năm nào mình cũng bị hỏi, nhưng thật tình mình cũng chẳng thấy có gì đáng phàn nàn cả.
Mình cũng hiểu rằng, các cô ế chồng, các cặp hiếm muộn thì hẳn dễ bị tổn thương nếu cứ bị hỏi mãi, nhưng thật ra, nếu để lời nói của người khác - đây còn không phải là lời công kích cá nhân hay xúc phạm miệt thị gì - khiến mình bị tổn thương, bị kích động cảm xúc như thế, thì cuộc đời này chắc toàn nỗi bi ai với bạn mà thôi.
Có những người mà có khi mỗi năm chỉ có Tết mình mới gặp - không chỉ người bạn xã giao mà cả người thân họ hàng bà con. Giữa mình và họ có bao nhiêu kết nối, hay câu chuyện để có thể trò chuyện? Bạn có thể thấy rằng, không phải ai cũng có cùng sở thích, cùng mối quan tâm để bắt đầu cho một câu chuyện.
Những câu hỏi kiểu: Bao giờ lấy chồng/lấy vợ? Có người yêu chưa? Bao giờ có con? Làm ăn tốt không? chỉ là những câu hỏi xã giao, và thật tình, đôi khi người ta chỉ hỏi cho có và bạn có trả lời thật tình hay vô tâm gì cũng chả quan trọng với họ cả.
Phản ứng tiêu cực với những câu hỏi đó chỉ cho thấy sự dễ bị tổn thương, sự thất bại, sự tự ti của chính bạn, bởi những người hạnh phúc với cuộc đời, họ hầu như đón nhận những câu hỏi ấy như một mối quan tâm mà người khác dành cho mình.
Bạn có thể trả lời qua loa cho xong chuyện, bạn có thể tếu táo trả lời vui vẻ, thái độ của bạn đem đến không khí của buổi trò chuyện đầu năm.
(Ảnh minh họa)
Nếu không muốn nghe những hỏi những câu ấy, bạn muốn họ hỏi bạn điều gì? Hay gặp nhau ngày Tết và im lặng, bởi thật ra, với một người thất bại, tự ti, dễ bị tổn thương thì bất kỳ câu hỏi nào cũng có thể tác động tiêu cực đến họ cả.
Mà đã thế, tốt nhất, Tết bạn đừng gặp ai lâu ngày không gặp, hãy cứ ở gần những người mà quanh năm họ đã ở gần bạn, vì họ không có nhu cầu biết thêm gì về cuộc đời bạn nữa. Những người lâu ngày mới gặp, họ sẽ hỏi thăm về cuộc sống của bạn, và bất kỳ câu hỏi nào, cũng sẽ trở thành vô duyên nếu bạn mang tâm thế dễ bị tổn thương.
Câu hỏi vô duyên hay không, đôi khi, do sự phản ứng của người được hỏi mà ra. Biến nó thành vô duyên - và người hỏi lẫn người được hỏi đều trở nên vô duyên, hay biến nó thành có duyên, đều do người trả lời cả.
Vậy nên, hãy thử thay đổi thái độ, đón nhận mọi câu hỏi một cách vui vẻ, có khi Tết này, bạn sẽ thấy vui hơn".
Thật vậy, như sách xưa có câu "Tiên trách kỷ, hậu trách nhân", phàm ở đời, bất cứ chuyện gì cũng nên soi xét từ chính bản thân mỗi người trước. Tết là dịp để họ hàng, người thân thăm hỏi, chúc tụng nhau nên khó tránh khỏi những quan tâm thái quá và có những câu hỏi nhạy cảm khiến người nghe vô cùng mệt mỏi. Nhưng trên hết, đa phần những câu hỏi ấy đều xuất phát từ thiện chí của người hỏi, chứ không hề mang ác ý. Và dùng dằng, khó chịu hay thoải mái để đáp lời lại là do chính chúng ta lựa chọn.