Những tháng cuối năm, showbiz Việt nhộn nhịp với hàng loạt sự kiện, đại nhạc hội, concert quy mô lớn. Ngoài concert 2 show Anh Trai, còn vô số đại nhạc hội khiến giới trẻ đứng ngồi không yên như 8WONDER, HOZO,... và đặc biệt không thể không nhắc đến GENfest 2024 - nơi hội tụ đủ các nghệ sĩ Gen Z nổi bật nhất hiện nay. GENfest tạo ra sân chơi cho các nghệ sĩ trẻ có cho mình 1 minishow riêng kéo dài hơn 45 phút. Ngoài ra, đại nhạc hội năm nay còn đón chào 3 ngôi sao Kpop đình đám - PSY, Hwasa và Loco. Một chương trình kéo dài 2 ngày, với tổng 16 nghệ sĩ biểu diễn cùng những sân khấu đỉnh cao đạt tiêu chuẩn quốc tế, không thể không kể đến vai trò của Tổng đạo diễn - anh Dương Mai Việt Anh.
Ngoài GENfest, tháng 11/2024, đạo diễn Việt Anh còn "cầm trịch" một sự kiện hot không kém, đó chính là minishow đầu tiên của RHYDER - Dự Án Bí Mật. Với gu thẩm mỹ và tầm nhìn của mình, đạo diễn Việt Anh giúp nghệ sĩ truyền tải trọn vẹn tinh thần, thông điệp qua sân khấu biểu diễn. Cùng chúng tôi gặp gỡ đạo diễn Việt Anh, để hiểu hơn về tinh thần làm nghề của anh sau khi đồng hành cùng rất nhiều nghệ sĩ trẻ.
Sau 2 sự kiện rất ấn tượng vừa qua - GENfest 2024 và minishow của RHYDER, cảm giác anh hiện tại thế nào?
Kết thúc hai show mang tính thử thách rất lớn chỉ vỏn vẹn trong tháng 11, tôi rất hạnh phúc và tự hào. Hai chương trình này có mục đích khác nhau. Như GENfest là nơi tạo nên sân chơi cho các bạn trẻ. Chi phí để tạo nên 1 minishow, miniconcert rất là nhiều tiền, con số không dưới 1 tỷ. Việc để các nghệ sĩ trẻ có show cho riêng mình là rất khó. Trước giờ phải là nghệ sĩ có tên tuổi, có chỗ đứng trên thị trường, giàu tài nguyên lẫn kinh nghiệm mới có thể cáng đáng được liveshow hay concert quy mô. GENfest đã trao cho nghệ sĩ trẻ sân chơi riêng, cơ hội để có concert cho riêng mình cũng như hình thành kinh nghiệm để sau này các bạn tự đi hành trình của riêng mình. Tôi tự hào rằng GENfest đã làm được điều này, cùng các bạn kể câu chuyện riêng đến khán giả.
Với RHYDER, để làm miniconcert như thế bạn đã tích luỹ rất lâu, đầu tư mọi nguồn lực, chất xám và tài chính. Đó cũng là một lý do RHYDER không xuất hiện ở GENfest. Bạn đã có sân khấu riêng, nhiệm vụ của tôi là làm sao để sân khấu đấy thoả mãn bạn nhất có thể. Và cả khán giả, những người trông chờ, kỳ vọng vào RHYDER. Khi trực tiếp chứng kiến Dự Án Bí Mật diễn ra, tôi biết đã đặt niềm tin đúng chỗ.
Anh có đọc được những bình luận nhận xét về sân khấu năm nay của GENfest? Nhiều khán giả nhận định nhờ phần sân khấu làm rất tốt về các tactic, bố trí thời lượng, timing và cả visualizer mà trải nghiệm xem show lên tầm cao mới. Anh có tự hào về những điều này?
Đương nhiên là tự hào. Mang đến cho khán giả trải nghiệm tốt đẹp thông qua sân khấu là mục tiêu đầu tiên của tôi. Từ khi dự án ở trên giấy, tôi đã biết cần làm 1 lễ hội âm nhạc như thế nào. Có 2 thứ phải đảm bảo, đầu tiên là tiêu chuẩn của tôi về sân khấu. Mọi thứ phải diễn ra mượt mà, các phần trình diễn được tính toán kỹ lưỡng từ âm thanh, ánh sáng, tất cả cùng bổ trợ cho nhau tạo nên cảm xúc tốt nhất cho người nghệ sĩ. Đó là quy trình rất phức tạp. Điều thứ hai là hiểu rõ, tư duy làm sân khấu không thể xuất phát từ cá nhân. Phải cân bằng được tư duy sân khấu với mong muốn, mục đích của khách hàng.
Còn với live concert, nghệ sĩ là chủ thể. Tôi không đặt vào quá nhiều cá tính cá nhân. Tôi đặt để kinh nghiệm, tầm nhìn của tôi vào mong muốn của nghệ sĩ. Góc nhìn của tôi còn xuất phát từ khán giả. Đạo diễn không chỉ là chỉ đạo những thứ diễn ra trên sân khấu, mà còn sắp đặt cảm xúc, trải nghiệm của người xem thăng hoa nhất. Khi GENfest được công nhận, tôi rất vui vì những thứ tôi tâm niệm khi làm sân khấu là đúng. Từ đó có cơ sở để tôi phát huy cách làm của mình, đặt nền tảng cho những sự kiện trong tương lai.
Dương Mai Việt Anh nổi tiếng với những sự kiện dành cho giới trẻ, trải nghiệm làm việc với các nghệ sĩ Gen Z như thế nào? Có điểm mạnh - điểm yếu ở thế hệ này mà anh luôn lưu tâm? Với kinh nghiệm của anh, anh đánh giá cao năng lượng của nghệ sĩ Gen Z nào nhất?
Tôi rất thích làm việc với các bạn Gen Z. Như người tần số gặp nhau, cùng thế hệ nên khi trò chuyện, chia sẻ rất thoải mái. Chúng tôi có nhiều điểm tương đồng về góc nhìn, tư duy những thứ đang diễn ra, vì cùng một hơi thở thời đại. Được làm việc với Gen Z, tôi cảm thấy được kết nối, như những người bạn làm cùng nhau. Khi gặp nghệ sĩ gạo cội, có thể mình rất yêu mến, thần tượng họ nhưng nhiều khi hai người không thể trong cùng một luồng suy nghĩ, năng lượng thì sẽ khó chia sẻ hơn. Sự kết nối giữa đạo diễn và nghệ sĩ rất quan trọng. Hiểu ý nhau thì dễ dàng truyền tải được tinh thần, mong muốn của nghệ sĩ. Tôi cũng nghe nhạc các bạn rất nhiều, do đó mọi thứ càng được vận hành trơn thu hơn.
Đương nhiên làm việc với ai cũng sẽ có điểm mạnh, điểm yếu. Với các bạn Gen Z, điểm mạnh là rất nhiều năng lượng. Các bạn đang ở giai đoạn mang trong mình khát khao được thử thách, chinh phục khán giả. Năng lượng mãnh liệt này là cơ sở, nền tảng rất tốt để các bạn thăng hoa trên sân khấu. Khi làm việc các bạn rất tâm huyết, không ngại khó khăn, đơn giản là muốn làm cho thật tốt. Đó là điểm lợi thế ấn tượng.
Điểm yếu của các bạn là kinh nghiệm trong việc xử lý sân khấu, trải nghiệm diễn liveconcert, nhất là ở quy mô ngoài trời. Trong đại nhạc hội hơn 20 nghìn người, không phải ai cũng là người hâm mộ của 1 nghệ sĩ. Có những người chưa từng biết bạn là ai. Có người đã biết nhưng không quá hứng thú. Làm thế nào để kéo cả những người quen, người lạ vào phần trình diễn của mình, để họ hưởng ứng, yêu thích âm nhạc của mình. Đó là thử thách rất khó. Những khúc này tôi sẽ là người cố vấn cho các bạn có phương án phù hợp, mang đến tổng thể sân khấu hợp với thị hiếu khán giả.
Trong GENfest, nghệ sĩ rất đa dạng. Mỗi người lại mang 1 phong cách, màu sắc khác nhau dựa trên cá tính của các bạn. Tôi không hẳn là người quá yêu thích phong cách này, hay tỏ ra không thích phong cách kia. Với công việc của tôi, nhận xét chủ quan như thế rất khó. Để làm ra set diễn hay, hấp dẫn, tôi sẽ nhìn vào điểm mạnh của từng người, không ai giống ai. Tôi thích tất cả mọi người. Nếu có cơ hội, tôi sẵn sàng đồng hành với bất kỳ bạn nào. Nói theo kiểu rapper là “anh em cùng đi lên”, không có sự kén chọn.
Còn người mà tôi cảm thấy ngưỡng mộ nhất thì chính là MONO. Ở lần này, tôi cảm thấy kết nối đặc biệt hơn với MONO. Chúng tôi có dịp ngồi riêng, tôi thấy ở MONO khát khao trình diễn và sự kính nghiệp to lớn. Năng lượng ấy giống tôi, nhất là ở thời điểm tôi cùng tuổi MONO. Tất cả các bạn tôi đều thích, còn để chọn ai là người tôi muốn làm live concert cùng nhất thì chính là MONO.
GENfest vừa qua không chỉ có dàn sao Việt trẻ hot nhất hiện nay mà còn có những ngôi sao Kpop nổi tiếng như Loco, Hwasa và cả ngôi sao toàn cầu PSY. Anh có kỉ niệm nào đáng nhớ với các ekip sao Kpop không?
Đối với nghệ sĩ quốc tế, cách làm việc sẽ khác. Như nghệ sĩ Việt thì một tuần tôi yêu cầu họp một lần, trao đổi rất nhiều. Còn với ekip quốc tế, trước 1 - 2 tuần tôi có vài cuộc họp online. Khâu đầu tiên, nghệ sĩ sẽ đề xuất danh sách bài hát, xem nên lựa tác phẩm nào mang đến Việt Nam. Họ rất chuyên nghiệp, hiểu khán giả quan trọng như thế nào. Họ tham khảo ý kiến ekip Việt Nam, đại diện ở đây là tôi để lựa được bài hát nào sẽ được khán giả Việt biết đến và yêu thích. Mọi bản nhạc họ gửi sang đều có chất lượng âm thanh rất tốt, có ý đồ nhất định khi sắp xếp setlist của họ. Rất lắng nghe ekip Việt, nhưng có những quyết định họ sẽ bảo vệ đến cùng.
Xong phần setlist sẽ đến phần dàn dựng, đường dây sân khấu. Với nghệ sĩ Hàn Quốc, điểm khó khăn là việc di chuyển giữa hai đất nước, họ mang theo rất ít dancer. Tôi sẽ tập trung vào chuyện giữ biên đạo có sẵn, sử dụng các công năng sân khấu như bàn nâng, pháo hoa, hiệu ứng,... tôi sẽ tư vấn thêm cho họ. Đặc biệt là Loco và Hwasa rất tin tưởng ekip của Việt, để chúng tôi làm luôn visual sân khấu cho họ. Đó là một sự tin tưởng rất có ý nghĩa. Còn PSY, chú ấy là một nghệ sĩ quốc tế. Lịch tổng duyệt vào buổi trưa rất nắng. Ban đầu chú muốn ra hiện trường, nhưng sau đó có một chút thay đổi nên chỉ có ekip PSY cùng tôi đi kiểm tra các khâu. Ekip rất kỹ tính, họ bàn kỹ từng thứ từng hạng mục sân khấu, visual, điểm đặt pháo, timecode bao nhiêu trên nhạc, phiên dịch ra làm sao để kết nối được với khán giả Việt Nam. Đó là trải nghiệm rất thú vị khi được tiếp xúc với ekip chuyên nghiệp.
Giữa sao quốc tế và sao Gen Z, trải nghiệm làm việc với ai sẽ thử thách hơn?
Nếu là thử thách thì nhóm Gen Z thử thách hơn. Còn làm việc với ekip quốc tế sẽ áp lực hơn. Đó là áp lực về việc làm sao phải làm thật tốt, để ấn tượng trong mắt ekip quốc tế được nâng cao. Với nghệ sĩ quốc tế, tính minishow không lớn, chủ yếu là giao lưu và mang âm nhạc của họ đi xa hơn. Còn với nghệ sĩ Gen Z, các bạn muốn thử thách chính mình, vô cùng tâm huyết trong việc tạo ra dấu ấn sự nghiệp. Do đó, càng làm thì càng rộ lên ý tưởng, làm bước A thì yêu cầu cao hơn ở A+. Độ khó tăng dần, đó là thử thách rất phức tạp trong khoảng thời gian rất ngắn. Điển hình như ở set diễn của Chi Pu. Sân khấu này yêu cầu mức độ dàn dựng rất cao, với 4 hình tượng chuyển tiếp từ người nữ chiến binh, cô nàng dễ thương, tới nữ thần. Đạo cụ, trang phục thay đổi liên tục chỉ trong 1 màn trình diễn. Đây là thử thách kinh khủng với không gian outdoor, thời gian tập luyện ngắn, khâu vận hành phức tạp. Ngày mọi thứ diễn ra, tôi thở phào vì mọi thứ đã trộm vía tốt đẹp.
Năm 2023, Dương Mai Việt Anh cũng từng “cầm trịch” cho 1 sự kiện rất trẻ, rất truyền cảm hứng - Gala trao giải và vinh danh WeChoice Awards 2023. Đến nay, có kỉ niệm nào từ WeChoice khiến anh nhớ nhất? Thử thách khi phải kiểm soát mọi thứ cho quy mô 1 lễ trao giải?
Đây là lần đầu tôi kể câu chuyện này. WeChoice Awards 2023 là một trong những show khiến tôi áp lực nhất. Bình thường tôi làm những chương trình khác, tôi không đến mức độ áp lực như thế. Khi thực hiện WeChoice đã có 2 lần nước mắt chảy ra vì căng thẳng, lo lắng không biết chương trình sẽ diễn ra như nào, có thành công không, có xứng đáng với kỳ vọng của khán giả và BTC hay không. Với BTC WeChoice, mọi người tin tưởng tôi nhưng cũng có sự hồi hộp nhất định vì đó là lần đầu hợp tác. Chúng tôi cùng chia sẻ với nhau sự áp lực đó.
WeChoice cũng là sự kiện có tính thử thách nhất trong sự nghiệp của tôi. Bên cạnh đó còn có GENfest. WeChoice là lễ trao giải đi kèm với những màn trình diễn độc đáo, đột phá. Làm sao để vừa trao giải, vừa biến đổi sân khấu thật thú vị cho 10 phần trình diễn có màu sắc, câu chuyện riêng gắn với chủ đề chương trình. Đó là một điều rất khó. GENfest tương tự với 16 set diễn biến chuyển liên tục. Thường thì tôi sẽ tìm mọi cách để biến hoá sân khấu nhiều nhất có thể. Ví dụ như ở WeChoice, bí quyết là 2 màn hình LED đóng mở. Mỗi khi cánh cửa mở ra, là một sự thay đổi lớn so với trước đó. WeChoice và GENfest là hai sự kiện đáng nhớ nhất tôi từng đảm nhận.
Năm nay chứng kiến sự chuyển dịch mạnh mẽ của văn hoá thần tượng quốc nội, kéo theo thị trường sự kiện âm nhạc/concert bùng nổ. Là mắt xích quan trọng giữa dòng chảy này, anh nhận xét thị trường hiện tại như thế nào? Đâu sẽ là thách thức với các nhà làm show Việt?
Khi văn hoá thần tượng quốc nội phát triển mạnh mẽ như hiện tại, 2 chương trình Anh Trai liên tục tổ chức concert, trong một buổi tối ở Sài Gòn có 60 nghìn người đổ về 2 lễ hội âm nhạc diễn ra đồng thời - đó là một tín hiệu vô cùng tích cực. Trước giờ nghệ sĩ Việt rất khó sống được bằng âm nhạc. Thông thường sẽ có nhà tài trợ đầu tư vào làm sản phẩm. Khi văn hoá thần tượng quốc nội phát triển, fan sẵn sàng bỏ tiền ủng hộ nghệ sĩ, đó là nền tảng rất quan trọng để nghệ sĩ nâng cao chất lượng sản phẩm, training bản thân.
Đây là lúc mà thị trường Việt sẽ được mở rộng, có thêm nhiều E.P, album và thậm chí là các live concert. Những năm tới, thị trường sẽ còn sôi động, bùng nổ hơn. Đi đôi với đó là nâng cao tính cạnh tranh. Ở ngành của tôi, tiêu chuẩn khán giả nâng cao chính là thử thách cho chúng tôi phải ngày càng hoàn thiện. Cùng dòng chảy này, thị trường Việt sẽ tiến đến thời điểm hoàng kim mới rất rực rỡ. Bản thân tôi đang chuẩn bị cho mình để tiến đến tương lai này.
Cám ơn anh vì cuộc trò chuyện!