Hiện nay, freelancer đã không còn là hình thức công việc xa lạ. Nhiều người trẻ chọn gắn bó lâu dài với công việc freelancer vì những lý do như mức thu nhập rủng rỉnh hơn, dễ dàng tìm thêm job bên ngoài hay chỉ đơn giản là được tránh xa môi trường công sở không phù hợp với tính cách cá nhân.
Hoàng Lan (SN 1998) là một trong số đó. Khoảng hơn 2 năm gần đây, cô nàng đã trở về quê nhà Bình Định làm freelancer sau thời gian dài làm văn phòng trên TP.HCM. Hiện, cô nàng đang làm Social Media Manager cho 3 công ông ty cùng lúc (1 công ty ở Việt Nam và 2 công ty ở nước ngoài) với tổng thu nhập là 7x triệu đồng/tháng, theo hình thức remote (làm việc từ xa).
Hiện tại, Hoàng Lan vẫn thấy thoải mái với hình thức làm việc freelancer tại quê nhà và dự tính sẽ duy trì trong lâu dài. Cô nàng chia sẻ: "Thứ nhất, mình có thể tránh xa mọi drama chốn công sở. Mình làm việc remote nên dù vẫn tiếp xúc với đồng nghiệp, nhưng hết giờ làm việc đóng laptop lại và bạn có cuộc sống của riêng mình. Cho dù bị nói, thì bạn cũng không cần phải bận tâm (cười).
Thứ hai, dù đi đâu thì mình cũng có thể làm việc. Điều này sẽ giúp mình dễ có cảm giác thoải mái để làm dưới áp lực, mà không lo bị áp lực đè bẹp. Thứ ba, mình có thể ‘say goodbye' với kẹt xe. Sau gần 3 năm làm việc ở nhà mà còn ở quê, mình giờ không còn biết kẹt xe hay giờ tan tầm là gì (cười).
Thêm nữa, giờ mình có nhiều thời gian hơn để ở bên gia đình và chăm sóc bản thân. Cuối cùng, nếu biết cách sắp xếp công việc và quản lý thời gian tốt thì mình có thể làm nhiều job ở cùng lĩnh vực để tăng thu nhập. Điều mà một nhân viên văn phòng sẽ khó đạt đến".
Ảnh minh hoạ
Cùng câu chuyện với Hoàng Lan là Tâm Thương (SN 1998, nhân viên trong lĩnh vực Truyền thông) - một cô gái đã bắt đầu trở về quê nhà Đà Lạt làm freelancer cách đây 2 năm.
Từ cách đây 2 năm, Tâm Thương đã có hành trình liên tục thay đổi chỗ ở từ TP.HCM và quê nhà Đà Lạt, tương ứng với hình thức công việc làm nhân viên văn phòng và freelancer. Cho đến đầu năm 2024, cô nàng lại chính thức quay lại công việc freelancer sau khi nhận được một dự án lớn, có nhiều cơ hội học hỏi và mức thu nhập tốt. Bên cạnh đó, khi sống tại TP.HCM, cô nhớ bầu không khí trong lành, mát mẻ và bình yên ở quê. Thế nên, cô nàng quyết trở lại Đà Lạt để mong muốn có sức khỏe thể chất và tinh thần tốt hơn.
Hiện nay, nhiều người cho rằng làm việc tự do có thể tiết kiệm hơn rất nhiều do không phải tốn tiền xăng xe hay mua quần áo phù hợp với chốn công sở. Song, Tâm Thương không cho rằng như vậy.
"Vì khi làm tự do, mọi chi phí mình vẫn chi trả tương tự khi làm văn phòng. Nếu làm văn phòng mất chi phí xăng xe, quần áo hay ăn uống cùng đồng nghiệp thì khi làm tự do tại nhà, mình phải chi trả thêm tiền điện nước, các chi phí quản lý công việc và phát triển bản thân. Hay tiền đến quán cà phê để trao đổi công việc với khách hàng hoặc tìm cảm hứng sáng tạo", cô nàng bày tỏ.
Tâm Thương (Ảnh: NVCC)
Bất chấp những ưu điểm, nhiều người cũng nhanh chóng từ bỏ công việc freelancer khi chứng kiến những bất cập của chúng như cơ hội thăng tiến không cao, bàn tán của những người xung quanh, hay giao tiếp với đồng nghiệp giảm sút…
Minh Thư (SN 2000, TP. HCM) là một trong số đó. Được biết, cô nàng từng làm freelancer toàn thời gian đã quyết định trở lại làm nhân viên văn phòng vào tháng 10/2023.
Trước đó, Minh Thư quyết định làm freelancer vì muốn được trải nghiệm mô hình công việc này và tận hưởng sự tự do về không gian làm việc để thoải mái đi du lịch. Tuy nhiên, do cảm thấy tốc độ phát triển về mặt chuyên môn khi làm freelancer chậm hơn nên cô nàng đã quyết định quay lại làm nhân viên văn phòng ngành Affiliate Marketing. Khi làm văn phòng, có sếp và đồng nghiệp hỗ trợ đã khiến Minh Thư cảm thấy tự tin hơn, cũng như có lộ trình thăng tiến rõ ràng.
Về mức thu nhập, Minh Thư cũng bày tỏ, nếu làm freelancer có nhiều dự án thì thu nhập sẽ cao hơn dân văn phòng. Tuy nhiên, đánh đổi là tính chất công việc bấp bênh và bản thân bạn phải cố gắng nhiều để duy trì hoặc tìm kiếm khách hàng mới liên tục.
Minh Thư (Ảnh: NVCC)
Đồng tình với Minh Thư là Hoàng Lan. Cô nàng nhận định ưu điểm của freelancer là dễ đa dạng thu nhập nếu bạn biết cách quản lý tài chính tốt. Tuy nhiên loại hình công việc này cũng tồn tại nhiều bất lợi.
"Mình ít tiếp xúc với mọi người, do đó khả năng thấu hiểu với đồng nghiệp và sếp cũng bị ảnh hưởng. Nói cách khác, lúc này khả năng giao tiếp của bạn trong công việc phải ở mức khá, tức là trao đổi rõ ràng, chủ động, lắng nghe và hiểu vấn đề.
Tiếp theo về phúc lợi, mình sẽ thiếu đi những buổi ăn chung, bonding, workshop ngoại khóa, trợ cấp ăn uống và đi lại. Thêm nữa, hiện nay, một số startup nhỏ không đóng bảo hiểm cho nhân sự nên mình cũng sẽ phải tự mua hoặc được công ty trợ cấp một phần. Bên cạnh đó, nếu làm remote thì bạn cũng chấp nhận thời gian tiếp xúc với máy tính nhiều lên, từ đó ảnh hưởng đến sức khoẻ", cô nàng tâm sự.
Trong khi đó Tâm Thương đã rút ra được những kinh nghiệm khi liên tục di chuyển công việc từ TP.HCM về Đà Lạt.
Đầu tiên là chuẩn bị tâm lý vững vàng. Việc bỏ phố về quê trong mắt nhiều người, đặc biệt là bố mẹ là việc “đi ngược số đông”. Tâm Thương cũng từng có trải nghiệm này.
Cô nàng tâm sự: “Lúc mới về Đà Lạt bố mẹ mình cũng khá lo lắng, vì họ không hiểu làm freelancer là làm gì, sợ không ổn định. Tuy nhiên, mình giải thích và dùng hành động để chứng minh là mình có thể sống tốt dù ở bất kỳ đâu, chỉ cần mình chăm chỉ làm việc và không bỏ cuộc. Bố mẹ thấy mình vui vẻ, khỏe mạnh thì cũng hiểu hơn. Tuy nhiên, không phải ai cũng thoải mái chấp nhận điều này, nên hãy chuẩn bị một tâm lý thật vững vàng nếu không được ủng hộ”.
Cuối cùng, nếu muốn duy trì lâu dài nghề freelancer thì hãy sống tự do nhưng phải kỷ luật. Cuộc sống ở Đà Lạt hay ở quê thường dễ chịu, yên bình và trong lành nên rất tốt cho sức khỏe thể chất lẫn tinh thần. Nhưng đây cũng là “cái bẫy” dễ khiến Tâm Thường lười biếng vì… quá thoải mái. Do đó, Tâm Thương thường xuyên nhắc nhở bản thân rằng dù ở đâu thì cũng nên chăm chỉ làm việc và phát triển bản thân.