Thủ môn Đặng Văn Lâm đã trở lại V-League với bản hợp đồng kéo dài 3,5 năm với CLB Bình Định. Thủ môn sinh năm 1993 sẽ khoác áo đội bóng đất Võ từ giai đoạn lượt về, khép lại quãng thời gian hơn 3 năm thi đấu tại Thái Lan và Nhật Bản.
Văn Lâm là tuyển thủ Việt Nam có thời gian thi đấu nước ngoài liên tục dài nhất (3 năm, 8 tháng). Anh cũng là cái tên hiếm hoi giành được suất đá chính ở một CLB quốc tế. Nhưng đáng tiếc, người gác đền 29 tuổi không thể trụ lại môi trường mơ ước.
Văn Lâm trở về Việt Nam để khoác áo CLB Bình Định. (Ảnh: Bình Định FC).
Văn Lâm thi đấu thế nào?
Quãng thời gian xuất ngoại của Văn Lâm gắn liền với hai đội bóng: Muangthong United và Cerezo Osaka. Năm 2019, Muangthong trả phí để giải phóng hợp đồng của Văn Lâm với Hải Phòng, qua đó giành được chữ ký của thủ môn mang hai dòng máu Nga - Việt.
Văn Lâm không phải tuyển thủ đầu tiên xuất ngoại, nhưng thương vụ của anh được kỳ vọng nhiều. Nếu Công Phượng, Xuân Trường, Văn Hậu hay Tuấn Anh trước đó đều đi theo diện cho mượn để học hỏi, Văn Lâm được CLB Thái Lan mua đứt để sang thi đấu.
Mùa đầu tiên ở Thai League, Văn Lâm chiếm suất bắt chính với 30 trận ra sân. Thủ môn sinh năm 1993 có những pha cứu thua xuất sắc và duy trì phong độ ổn định, hiếm khi mắc sai lầm.
Tuy nhiên, ở mùa giải 2020, số trận của Văn Lâm giảm xuống 12. Anh trở thành thủ môn số 2, vướng vào tranh chấp với Muangthong. Văn Lâm nghỉ tập, sau đó chuyển tới Cerezo Osaka đầu năm 2021.
Văn Lâm không thể cạnh tranh ở Cerezo Osaka. (Ảnh: Cerezo Osaka).
Cerezo là bản nâng cấp của Muangthong, cả về tầm vóc lẫn đẳng cấp. Văn Lâm trở thành thủ môn Việt Nam đầu tiên khoác áo một đội bóng J-League 1.
Song, cuộc cạnh tranh tại Nhật Bản nhanh chóng đẩy Văn Lâm vào vòng xoáy khó khăn. Tại đất nước mặt trời mọc, Văn Lâm không thể lấy suất bắt chính của thủ môn kỳ cựu Kim Jin-hyeon - người sắm vai trụ cột của Cerezo từ năm 2009 với 464 trận chỉ tính riêng ở J-League 1 và J-League 2.
Trước đối thủ quá kinh nghiệm và ổn định, Văn Lâm chỉ được ra sân 2 trận tại Cúp Hoàng đế Nhật Bản và AFC Champions League. Đáng tiếc, cả hai đối thủ của Cerezo ở những trận này đều quá yếu, nên Văn Lâm không có cơ hội thể hiện. Tháng 9/2021, Văn Lâm dính chấn thương, khiến cơ hội bắt chính còn mờ mịt hơn nữa.
Khi Cerezo mang về thủ môn Keisuke Shimizu (có 12 năm thi đấu tại Nhật Bản), Văn Lâm có lẽ hiểu rằng cơ hội của mình đã hết. Anh chia tay Cerezo để hồi hương.
Thực tế
Môi trường bóng đá Nhật Bản, Hàn Quốc vẫn là thử thách quá tầm với các cầu thủ Việt Nam. Văn Lâm có đầy đủ kinh nghiệm thi đấu, được đào tạo bài bản, giỏi ngoại ngữ và xuất ngoại ở độ chín sự nghiệp, nhưng vẫn thất bại ở một đội bóng J-League 1.
Khi ký hợp đồng với Cerezo, Văn Lâm được chờ đợi thay thế Kim Jin-hyeon - cầu thủ đã ở bên kia sườn dốc sự nghiệp. Song, Kim thi đấu quá ổn định và Cerezo không có lý do để thay đổi.
Nghiệt ngã cho Văn Lâm, bởi thủ môn dự bị đồng nghĩa cơ hội thi đấu còn ít hơn nhiều so với các vị trí khác. Có lẽ Văn Lâm cùng ê-kíp chưa tính toán được hết rủi ro khi sang Nhật Bản thi đấu.
Khoảng cách trình độ không thể san lấp trong một sớm một chiều, nhưng sự nghiệp của cầu thủ là hữu hạn. Do đó, quyết định ra đi của Lâm "Tây" là chính xác.
Trong tâm thư chia tay Cerezo, Văn Lâm khẳng định môi trường thi đấu ở Nhật Bản rất chuyên nghiệp và học hỏi được nhiều từ đó. Nhưng mọi thứ sẽ vô nghĩa nếu không được thi đấu. 3 năm qua, Văn Lâm chỉ chơi 12 trận. Giai đoạn cần ra sân thường xuyên để bứt phá, Lâm "Tây" lại chìm trong chuỗi ngày dự bị và điều trị chấn thương.
Văn Lâm cần được thi đấu thường xuyên. (Ảnh: Bình Định FC).
Trở về Bình Định là lựa chọn không tồi của Văn Lâm. Anh tái ngộ nhiều đồng đội ở đội tuyển quốc gia như Đức Chinh, Tấn Tài. Mức đãi ngộ được đồn đoán lên tới 20.000 USD/tháng mà Bình Định trả cho Văn Lâm cũng rất lý tưởng. Thời điểm này, Lâm "Tây" khó tìm được đội bóng nào đồng ý với mức đãi ngộ nói trên.
4 nm chơi tại V-League cũng đảm bảo cho Văn Lâm khả năng thích nghi ngay lập tức. Nhờ vậy, CLB Bình Định được đảm bảo cả về hình ảnh lẫn chuyên môn.
So với lộ trình Văn Lâm đặt ra trước đó, việc rời Cerezo mà không có trận ra sân nào rồi trở lại V-League rõ ràng là một bước lùi. Tuy nhiên, thủ môn 29 tuổi đã chọn điều đúng đắn nhất cho sự nghiệp. Văn Lâm cần được thi đấu, thay vì ưu tiên trải nghiệm và học hỏi. Đấy là cách duy nhất để giữ phong độ và lấy lại suất bắt chính ở đội tuyển.
Hành trình của Văn Lâm ở Thái Lan và Nhật Bản để lại nhiều nuối tiếc. Nếu không có những biến cố ở nửa cuối năm 2020 tại Muangthong hay chấn thương ở Cerezo, cơ hội của Lâm "Tây" đã sáng sủa hơn. Song, Văn Lâm còn ít nhất 5 năm đỉnh cao sự nghiệp để lấy lại niềm tin, trước mắt là thi đấu tốt để giúp Bình Định trở lại cuộc đua vô địch./.