Hôm qua (19/10), mạng xã hội lan truyền thông tin cho rằng cơ quan Khí tượng Nhật Bản dự báo bão số 8 có khả năng mạnh lên tới cấp 17 (cấp siêu bão) và đổ bộ vào Trung Bộ đã khiến nhiều người dân hoang mang lo lắng.
Trước thông tin gây xôn xao dự luận nói trên, chia sẻ trên VTC, ông Trần Quang Năng - Trưởng phòng Dự báo thời tiết, Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia khẳng định thông tin này là hoàn toàn sai vì đến thời điểm này, cơ quan Khí tượng Nhật Bản cũng như các nước khác không có dự báo nào về việc siêu bão cấp 17 đổ bộ vào nước ta.
Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia cảnh báo về những tin tức giả mạo lan truyền trên mạng về bão Saudel
"Có thể khẳng định tất cả các thông tin nhận định bão Saudel mạnh siêu bão là không có cơ sở, và là nguồn tin giả mạo.
Trong khi cả nước đang hướng về miền Trung, bà con miền Trung đang phải gồng mình lên để chống chịu với mưa lũ, thì những thông tin giả mạo trên là vô lương tâm, rất đáng lên án", ông Năng cho hay.
Trưởng phòng Dự báo thời tiết, Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia cho biết thêm, sáng nay (20/10), áp thấp nhiệt đới đã mạnh lên thành bão, đây là cơn bão thứ 17 hoạt động trên khu vực Tây Bắc Thái Bình Dương, có tên quốc tế là Saudel.
Trong khoảng đêm nay đến sáng sớm ngày mai (21/10), bão Saudel sẽ đi vào Biển Đông và là cơn bão số 8 ảnh hưởng đến nước ta trong mùa bão lũ năm nay.
"Dự báo diễn biến về bão số 8: Khi di chuyển vào Biển Đông, bão số 8 có cường độ mạnh ở mức cấp 8-9, di chuyển nhanh theo hướng Tây, cường độ mạnh nhất khi bão ở vào khoảng kinh tuyến 114 độ vĩ Bắc (gần khu vực huyện đảo Hoàng Sa), lúc này cường độ của bão mạnh khoảng cấp 11-12, giật cấp 14.
Khi đến khu vực quần đảo Hoàng Sa, bão sẽ di chuyển chậm hơn và khi đó diễn biến về cường độ và quỹ đạo của bão sẽ có thể thay đổi. Các dự báo tiếp theo cho thấy, bão có thể di chuyển hướng về các tỉnh miền Trung và ảnh hưởng trực tiếp đến miền Trung trong khoảng ngày 24/10. Bão sẽ gây mưa ở các tỉnh từ phía nam đồng bằng Bắc Bộ tới khu vực Bắc và Trung Trung Bộ", ông Năng cho biết.
Cũng theo thông tin mới nhất từ Trung tâm dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, đến chiều ngày 20/10, vị trí tâm bão ở khoảng 15,8 độ vĩ bắc; 123,4 độ kinh đông, cách đảo Lu-dông (Philippines) khoảng 220km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60-75km/giờ), giật cấp 10.
Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 20-25km, đi vào Biển Đông và có khả năng mạnh thêm. Đến 13 giờ ngày 21/10, vị trí tâm bão ở khoảng 16,3 độ vĩ bắc; 118,0 độ kinh đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 650km về phía Đông Đông Nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8-9 (60-90km/giờ), giật cấp 11.
Vùng nguy hiểm do bão trên Biển Đông trong 24 giờ tới (gió mạnh cấp 6 trở lên, giật từ cấp 8 trở lên): từ vĩ tuyến 14,5 đến 18,0 độ vĩ bắc; từ kinh tuyến 116,0 đến 120,0 độ kinh đông. Toàn bộ tàu thuyền hoạt động trong vùng nguy hiểm đều có nguy cơ cao chịu tác động của gió giật mạnh. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 3.
Trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây, mỗi giờ đi được 15-20km và có khả năng mạnh thêm. Đến 13 giờ ngày 22/10, vị trí tâm bão ở khoảng 16,7 độ vĩ bắc; 115,1 độ kinh đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 280km về phía Đông Đông Nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 10 (90-100km/giờ), giật cấp 12.
Trong 48 đến 72 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 10-15km và có khả năng mạnh thêm. Đến 13 giờ ngày 23/10, vị trí tâm bão ở khoảng 16,9 độ vĩ bắc; 112,8 độ kinh đông, ngay trên khu vực quần đảo Hoàng Sa. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 11 (100-115km/giờ), giật cấp 14.