Đằng sau chú thỏ "trồng cây chuối" dễ thương này là một sự thật đầy xót xa từ con người

J.D, Theo Trí Thức Trẻ 09:32 27/03/2021

Cuối cùng, chúng ta cũng tìm ra lý do tại sao những chú thỏ "không thể nhảy" lại tồn tại.

Thỏ di chuyển như thế nào? Chúng nhảy - đây là câu trả lời có lẽ là dễ bắt gặp nhất. Nhưng bạn biết không, trên đời có một loài thỏ không thể làm như vậy. Đó là thỏ Sauteur d'Alfort.

Loài thỏ này không nhảy hay đi lại bình thường như các loài thỏ khác. Khi muốn di chuyển, nó sẽ bật 2 chân sau lên và đi theo kiểu trồng cây chuối, y như các diễn viên xiếc vậy.

Thỏ trồng cây chuối cực dễ thương, nhưng đằng sau lại là sự thật đau lòng

Trông dễ thương đúng không? Một đặc điểm quá giàu tính giải trí. Tuy nhiên, đằng sau đó lại là một sự thật nghiệt ngã: đây là một tính trạng được con người nhân rộng thông qua lai giống chọn lọc, và nó đem đến nhiều hệ lụy cho bản thân loài vật ấy.

Tính trạng này được các bác sĩ thú y người Pháp phát hiện vào năm 1935. Kể từ đó, con người đã nhân rộng nó thỏa thú tiêu khiển của mình. Vấn đề nằm ở chỗ, dù biết đây là một tính trạng lỗi, khoa học vẫn chưa hiểu lý do tại sao những chú thỏ trông rất bình thường lại không thể đi lại (hay nhảy) một cách tử tế, cho đến nghiên cứu mới đăng tải trên Plos One.

Cụ thể bằng cách lai giống một con thỏ không biết nhảy với một con thỏ trắng New Zealand, sau đó cho đời con giao phối cận huyết, các chuyên gia từ ĐH College London đã tạo ra 52 chú thỏ con, trong đó 23% mang 2 mẫu gene đột biến giống con đực.

Kế tiếp, các chuyên gia so sánh bộ gene của 2 nhóm thỏ - một không biết nhảy, một bình thường. Sau cùng, họ loại ra được một gene đột biến đặc biệt có tên RORB, chịu trách nhiệm cho việc thỏ không thể nhảy bình thường.

Đằng sau chú thỏ trồng cây chuối dễ thương này là một sự thật đầy xót xa từ con người - Ảnh 2.

RORB là một loại protein tồn tại trong hệ thần kinh của thỏ, có vai trò biến các mã gene thành nền tảng protein. Nhưng khi đột biến, nó khiến các tế bào thần kinh sản sinh protein này giảm mạnh. Với 2 mẫu đột biến được tìm thấy, thậm chí không có protein trong tủy sống của thỏ tồn tại, dẫn đến chuyện chúng không thể nhảy được.

Từ đây, các tác giả nghiên cứu kết luận gene RORB vốn chịu trách nhiệm cho phép thỏ nhảy được. Đây cũng có thể là gene mấu chốt cho khả năng nhảy ở nhiều loài vật khác nữa, như kangaroo hay chuột nhảy.

Trong một nghiên cứu khác, những con chuột có gene RORB đột biến giống loài thỏ sauteur cũng không thể nhảy như bình thường. Chúng buộc phải di chuyển bằng chân trước, đuôi và chân sau chổng ngược lên trời.

Không chỉ khó di chuyển

Stephanie Koch từ ĐH College London chia sẻ, những con thỏ trồng chuối còn có một số đặc điểm hết sức có hại. Chẳng hạn, nhiều con sinh ra đã bị mù, hoặc bị đục thủy tinh thể chỉ sau 1 năm. Đôi mắt của chúng cũng kém hơn rất nhiều với các thế hệ kế tiếp.

Đằng sau chú thỏ trồng cây chuối dễ thương này là một sự thật đầy xót xa từ con người - Ảnh 3.

Với chuột, gene RORB có vai trò quan trọng trong việc phân biệt tế bào của não và thủy tinh thể. Nó có chức năng tương tự với tủy sống, bao gồm cả dây thần kinh cảm nhận di chuyển đối với các loài thú khác.

Bởi vậy, việc RORB bị đột biến có thể khiến chúng buộc phải đi bằng 2 chân trước. Như ở thỏ "trồng chuối", nó gây tổn hại đến dây thần kinh tủy sống, dù tác động vẫn chưa thực sự rõ ràng. Do đó, cần có những nghiên cứu sâu hơn về vấn đề này.

Nguồn: Science Alert