Đăng ký tín chỉ: Nỗi ám ảnh của sinh viên

DUNG HÒA, Theo Đại đoàn kết 13:00 06/01/2023
Chia sẻ

Nhiều sinh viên cho biết, việc đăng ký tín chỉ đã trở thành nỗi ám ảnh bởi hệ thống mạng của các trường luôn quá tải, sinh viên phải “chầu chực” mất rất nhiều thời gian, và không phải ai cũng may mắn.

Đăng ký tín chỉ: Nỗi ám ảnh của sinh viên - Ảnh 1.

Sinh viên Trường Đại học Hà Nội phải sử dụng nhiều thiết bị để đăng ký tín chỉ. Ảnh: TL.

Thấp thỏm nỗi lo

Minh Giang - sinh viên K21 Khoa Công nghệ thông tin (ĐH Hà Nội) cho hay, đã mấy ngày nay em phải ăn ngủ cùng chiếc máy tính và điện thoại để “canh” đăng ký tín chỉ. Đây là kỳ học thứ 3 em và các bạn buộc phải quen dần với cảnh này. Trường có khoảng vài nghìn sinh viên, thì mỗi bạn phải có 2 thiết bị vào mạng để đăng ký tín chỉ. Nhà trường bắt đầu mở cổng hệ thống đăng ký tín chỉ cho sinh viên vào lúc 8h sáng hàng ngày, tính trung bình có khoảng 10.000 lượt thiết bị truy cập vào mạng của nhà trường cùng lúc. Do đó mạng lúc nào cũng trong tình trạng quá tải.

Giang chia sẻ: Website của nhà trường liên tục báo lỗi do nhiều người truy cập hoặc không vào được. Sử dụng cả điện thoại di dộng và máy tính, chờ từ 8h sáng đến qua 12h trưa, Giang và các bạn mới đăng ký được những môn mình cần theo học. Tuy nhiên, nhiều bạn mất 4-5 tiếng đồng hồ cũng không đăng ký đủ số môn cần thiết. Việc đăng ký này hầu hết chỉ diễn ra trong ngày đầu tiên, vì những người may mắn đăng nhập được đã đăng ký hết chỗ. Ai không đăng ký được đành ngậm ngùi chấp nhận đợi may mắn lần sau, thậm chí có thể phải ra trường muộn.

Tương tự, Hoài Thu - sinh viên năm 2, ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia Hà Nội) cho biết, cứ mỗi lần có thông báo đăng ký môn học kỳ tới, sinh viên lại phải chuẩn bị tâm lý và nghĩ mọi phương án để đăng ký cho được các môn học mới. Thậm chí có những bạn còn phải nhờ đến sự giúp đỡ của bạn bè ngoài trường và anh chị học khóa trên. Theo Thu, dù biết là với môn học mới có lớp mở đợt 2, nhưng vẫn phải cố gắng đăng ký cho bằng được trong đợt 1, vì đợt 2 lớp mở thêm rất hạn chế.

Phản ánh từ các sinh viên ĐH Quốc gia Hà Nội cho thấy, thường mỗi lớp có 50 suất học, số lớp một số môn học lại rất hạn chế, nên nếu chậm trễ, sinh viên chỉ có cách gom đủ nhóm 20 người rồi đề xuất phòng đào tạo mở lớp, hoặc đợi sang kỳ sau để đăng ký lại. Ngoài ra, không phải lúc nào những môn mà sinh viên muốn học ở thời điểm đó cũng được mở.

Do quá tải, nghẽn mạng ?

Lý giải về hiện tượng khó đăng ký tín chỉ của sinh viên, các chuyên gia tuyển sinh đều có chung phân tích: Do số lượng sinh viên truy cập vào website tại một thời điểm lớn gấp 5 lần so với bình thường, trong khi hạ tầng công nghệ thông tin của nhiều trường không đủ đáp ứng đã dẫn đến hệ thống đăng ký tín chỉ rơi vào tình trạng quá tải. Mỗi mùa đăng ký tín chỉ, sinh viên sẽ ồ ạt truy cập vào website trong một khoảng thời gian nhất định. Khi server của website bắt đầu có dấu hiệu quá tải, sinh viên càng cố thử lại hoặc nhờ người khác ở nơi có tốc độ kết nối internet nhanh hơn đăng ký hộ, dẫn tới lượng truy cập đồng thời càng được nhân lên nhiều lần. Điều này cũng giống như khi tham gia giao thông, nhiều phương tiện cùng lưu thông sẽ dẫn đến tình trạng ùn tắc.

TS Lê Trung Đạo - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Tài chính - Marketing xác nhận tình trạng quá tải, nghẽn mạng khi đăng ký tín chỉ diễn ra ở nhiều trường, nhất là những trường đông sinh viên. Theo đó, nhà trường phải phân luồng, chia thời gian đăng ký tín chỉ, thường thì sinh viên năm cuối hoặc chưa tốt nghiệp đúng hạn đăng ký chung đợt, còn lại mỗi khóa một lịch. Sau thời gian này, sinh viên có thêm một tuần để bổ sung hoặc hủy tín chỉ đã đăng ký trước.

Việc nghẽn mạng lúc cao điểm đăng ký, theo các trường, là điều không tránh khỏi dù đã áp dụng các giải pháp. TS Nguyễn Quốc Anh - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ TPHCM cho biết, dù đã phân luồng theo khoa, khóa nhưng lúc cao điểm vẫn quá tải do sinh viên truy cập quá nhiều.

Theo TS Trần Mạnh Hà - Trưởng phòng Đào tạo, Học viện Ngân hàng, mỗi đợt đăng ký của trường thường kéo dài 1-2 ngày và giới hạn số tín chỉ. Học viện Ngân hàng cũng chia các đợt đăng ký tín chỉ theo từng khóa để tránh nghẽn mạng. Sau khi kết thúc đợt đăng ký đầu tiên, Học viện Ngân hàng sẽ mở đợt bổ sung cho những sinh viên quên, đăng ký thiếu hoặc muốn học vượt. Sinh viên còn có thể đề xuất mở lớp môn mình cần học, nếu đủ số lượng, trường sẽ đáp ứng.

Trước thực trạng trên, Phòng Đào tạo các nhà trường khuyến khích sinh viên, ngoài lịch trình học tập chung, trước mỗi học kỳ cần có kế hoạch cụ thể. Nên lập một thời khóa biểu sơ bộ (học lớp nào, môn gì, thời gian nào, giảng viên nào) và ghi chú lại mã lớp học phần. Đến lúc đăng ký chỉ cần đăng nhập, đăng ký thật nhanh để tránh tình trạng lỗi, lớp học bị kín chỗ.

Các trường đại học ở Việt Nam thí điểm đào tạo tín chỉ từ năm 1993 và bắt đầu mở rộng từ năm 2005. Đặc điểm của hình thức đào tạo này là sinh viên được chủ động chọn môn và lớp phù hợp với mong muốn, miễn là tích lũy đủ số tín chỉ cần thiết để tốt nghiệp. Theo TS Trần Mạnh Hà - Trưởng phòng Đào tạo, Học viện Ngân hàng, ngoài trách nhiệm của trường, sinh viên cũng cần hiểu về chương trình học để đăng ký tín chỉ cho phù hợp, không nên đăng ký nhiều hơn khả năng học tập thực của mình, còn gọi là giữ chỗ. Việc này ảnh hưởng tới những người có nhu cầu và năng lực học thật sự, do không còn chỗ để đăng ký.


TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày