Trung Quốc có một điển cố rất nổi tiếng, đó là "Khổng dung nhường lê". Truyện kể rằng, Dung, tên đầy đủ là Khổng Dung, sinh ra cuối đời Nam Hán, là cháu đời thứ 20 của Khổng Tử, đã từng giữ một chức quan rất lớn trong triều đình. Thuở ấu thời, lúc Khổng Dung mới bốn tuổi, cậu đã biết nhường lại những quả lê to và ngon ngọt cho các anh, còn mình thì chịu ăn quả nhỏ.
Khi bố mẹ và các anh trong nhà hỏi lý do và muốn nhường cho Khổng Dung ăn quả lê to hơn, cậu đáp: "Bố mẹ suốt ngày vất vả vì gia đình, các anh ngày ngày phải đi học rất gian khổ. Chỉ mình em là chơi suốt ngày thôi. Vậy quả lê bé nhất để em ăn là đúng". Tấm lòng hiếu thảo, sự khiêm tốn của Không Dung đã khiến bố mẹ và các anh vô cùng xúc động.
Được biết, điển cố này cũng được trường học ở Trung Quốc đưa vào giảng dạy cho học sinh, để dạy các em những đức tính tốt như Khổng Dung. Tuy nhiên, trẻ nhỏ, suy nghĩ ngây thơ và giản đơn, không phải em nào cũng suy nghĩ sâu xa được. Chính vì vậy, đã có những tình huống dở khóc dở cười xảy ra, chẳng hạn như một em học sinh tiểu học ở Trung Quốc đã khiến cô giáo phải cười chảy nước mắt khi chấm bài kiểm tra.
Cụ thể, trong bài kiểm tra có nhắc đến điển cố này, trong đó có 1 câu hỏi như sau: "Nếu là Khổng Dung, em sẽ chọn làm gì?". Em học sinh này đáp: "Em sẽ không nhường lê".
Sau khi bài kiểm tra được chia sẻ trên mạng xã hội, rất nhiều phụ huynh cũng phải phì cười với sự thẳng thắn của em học sinh. Không ít người đùa rằng, đúng là chỉ cần làm giáo viên tiểu học là có thể chứng kiến đủ kiểu câu chuyện, tình huống hài hước trên đời; hay đây đúng là em học sinh "siêu thẳng thắn"!
Bên cạnh đó một bình luận nhận như sau: "Trẻ nhỏ thật thà, nghĩ gì nói đấy. Câu chuyện này dạy các em biết lễ nghĩa, khiêm nhường, kính trên nhường dưới. Đối với một đứa trẻ thì đây cũng là những đạo lý hơi cao siêu, vậy nên khi dạy, chúng ta cần có sự giải thích khéo léo, gần gũi để bọn trẻ có thể hiểu được và tiếp thu những đức tính tốt". Bình luận này sau đó nhận được nhiều đồng tình của các bậc cha mẹ.