Nếu quá căng thẳng, áp lực khi bước vào kỳ thi, thường bạn sẽ làm gì? Hẳn có thể là hít thở sâu, cố gắng nghĩ về những điều tích cực, tranh thủ xem lại bài, hoặc đơn giản là cầu nguyện mong được điểm cao.
Nhưng cậu học sinh lớp 1 sau đây lại chọn một cách khác, đó là tự viết "tâm thư" động viên bản thân. Em ghi: "Thi là phải 10 điểm, huhu, 9 điểm sợ mẹ đánh mẹ 'chưởi', huhu. Sợ quá, cố gắng lên, 10 điểm. Phù phù, cố lên vì mẹ vì cha vì gia đình yêu". Cuối tờ giấy, em học sinh không quên vẽ thêm rất nhiều hình trái tim để diễn tả sự "yêu" gia đình của mình.
Ảnh chụp lại bức thư khi được người nhà chia sẻ lên mạng xã hội lập tức gây "bão". Người này viết: "Đây là cháu em. Đi thi học kỳ 1 mà nó còn có thời gian ngồi viết tâm sự. Em nể luôn. Đọc mà cười không ngớt".
"Đây là cháu em. Đi thi học kỳ 1 mà nó còn có thời gian ngồi viết tâm sự. Em nể luôn. Đọc mà cười không ngớt". (Ảnh: P.K)
Phía dưới bài đăng, nhiều phụ huynh bày tỏ sự thích thú vì bức thư quá đáng yêu. Một số nhận định, đây là động lực để em cố gắng phấn đấu đấy chứ nếu không nộp bài trắng thì lại nhức đầu. Đồng thời, bức thư cũng cho thấy dù mới hết học kỳ 1 lớp 1 nhưng em học sinh này đã viết chữ rất rõ ràng, câu cú súc tích. Dù còn sai một chút chính tả và chưa biết đặt dấu câu nhưng như vậy cũng đã rất cố gắng.
Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng có ý kiến lo ngại học sinh này đã quá áp lực điểm 10. Nếu điểm 9 mà mắng con thì gia đình cũng đã quá đặt nặng thành tích. Ở lứa tuổi này điểm thấp vì làm bài sai sót là bình thường, quan trọng là quá trình học con vui vẻ, hiểu bài là được.
Phản hồi ý kiến này, người nhà em cho rằng, mẹ chỉ trêu thôi, không ngờ em tưởng thật và áp lực. Người này cũng cho biết cháu mình giỏi nhưng hơi ẩu. Em cũng rất có ý thức cố gắng trong mọi trường hợp. Thi học kỳ cả lớp có mỗi mình em được 2 điểm 10. "Bài thi 40 phút, nó làm có 15 phút còn thời gian ngồi chơi. Về còn bảo bức thư này là bùa để con cố gắng không ẩu", người cô cho biết.
Không phải đứa trẻ nào khi sinh ra cũng có khả năng đáp ứng được những mong mỏi học hành giỏi giang của bố mẹ. Đừng vì áp lực điểm số mà gây căng thẳng cho con, hãy tạo tâm lý thoải mái để con có hứng thú học tập hơn thay vì để chúng coi học tập là một công việc nặng nề.