Dân văn phòng, Gen Z dùng Telegram: Mất trắng hơn 100 triệu khi định kiếm thêm... 5 triệu

Hải My, Theo Phụ nữ số 12:00 24/05/2025
Chia sẻ

Vì tin tuyển dụng "việc nhẹ lương cao", không ít người sập bẫy làm "nhiệm vụ" và mất trắng hàng trăm triệu đồng.

Telegram là ứng dụng nhắn tin từng được yêu thích bởi sự bảo mật và đơn giản nay lại đang trở thành “cái bẫy” ngọt ngào khiến không ít bạn trẻ, dân văn phòng và người thất nghiệp lâm vào cảnh nợ nần. Chỉ cần một cái click nhẹ, một lần gật đầu vì tin người, nhiều người đã mất sạch hàng trăm triệu đồng (dù trước đó chỉ có ý định kiếm việc làm thêm thu nhập vài triệu) vì những chiêu trò lừa đảo tinh vi ẩn mình sau giao diện nhắn tin tưởng như vô hại.

Khi "cơ hội việc làm" chỉ là chiếc bẫy bọc đường

Trong thời đại mà việc làm online, công việc tự do (freelance) đang bùng nổ, các đối tượng lừa đảo đã nhanh chóng bắt trend. Chiêu trò phổ biến nhất hiện nay chính là mời chào công việc “việc nhẹ lương cao” thông qua Telegram.

Chị Đ.N.N. (26 tuổi, Hà Nội) sau khi mất việc vì công ty cắt giảm nhân sự, chị tìm việc qua mạng và được giới thiệu một công việc nhập liệu đơn giản. Chị được mời vào nhóm Telegram kín, sau đó nhận các nhiệm vụ “like video”, “xem quảng cáo”, và mỗi lần hoàn thành sẽ nhận hoa hồng. Tuy nhiên, để nhận được phần thưởng, chị buộc phải nạp tiền vào một ví điện tử. Tin rằng mình sẽ được hoàn trả đầy đủ, chị tiếp tục nạp cho đến khi mất trắng hơn 136 triệu đồng.

Tương tự, chị N.T.N (Hà Nội) bị cuốn vào một nhóm Telegram vì ứng tuyển làm thêm thu âm, lồng tiếng online. Sau khi kiểm tra giọng đọc, người tham gia sẽ được yêu cầu cung cấp một loạt thông tin cá nhân: Họ tên, năm sinh, số điện thoại, nghề nghiệp, địa chỉ, tài khoản ngân hàng, tên ngân hàng, chủ tài khoản và mã ứng viên. Đồng thời, thuyết phục cung cấp thông tin để làm hồ sơ tuyển dụng và thanh toán lương mỗi ngày nếu sản phẩm được đăng tải.

Dân văn phòng, Gen Z dùng Telegram: Mất trắng hơn 100 triệu khi định kiếm thêm... 5 triệu- Ảnh 1.

Sau khi tìm việc trên các hội nhóm MXH, người dùng thường được mời vào nhóm kín trên Telegram để thực hiện nhiệm vụ (Ảnh minh họa tạo bằng AI)

N.T.N rơi vào tình trạng bị thao túng tâm lý, sau các bước bị dẫn dụ nạp tiền mua đơn hàng, nạp để lấy lại tiền, nạp để khắc phục sai sót mà không phải lỗi do mình, chị N. đã mất số tiền 102 triệu đồng. Thậm chí, đây còn là số tiền mà chị phải vay bạn bè mới có được.

Một trường hợp khác, chị N.T.T.H (TP Vũng Tàu) nhận được lời mời tham gia làm cộng tác viên bán hàng online nhóm thời trang để hưởng hoa hồng. Khi bắt đầu thực hiện nhiệm vụ và chuyển tiền, chị nhận thông báo rằng đây là nhiệm vụ “liên đơn”, cần mua hàng 3 lần mới được hoàn tiền và nhận hoa hồng.

Chị H tiếp tục chuyển tiền mua hàng, nhưng tiền hoàn và hoa hồng không thấy đâu mà các đối tượng lại đưa ra nhiều lý do như sai cú pháp, sai nội dung chuyển tiền, hết hạn mức phải nạp thêm tiền để tăng hạn mức, chưa hoàn thành nhiệm vụ…. để từ chối hoàn tiền lại cho chị.

Đầu tư tài chính, tìm bạn hẹn hò cũng đều “dính bẫy”

Một chiêu trò không kém phần nguy hiểm khác là lừa đảo đầu tư tài chính - nơi các nhóm Telegram giả danh sàn giao dịch quốc tế hoặc tổ chức tài chính uy tín để mời gọi người dùng "đầu tư sinh lời".

Trường hợp chị T.T.H. ở Quảng Ninh là minh chứng sống động. Thông qua Telegram, chị T.T.H (Quảng Ninh) được giới thiệu đầu tư vào “sàn giao dịch tiền kỹ thuật số có chuyên gia hỗ trợ trực tiếp”. Sau khi đồng ý tham gia, chị H. đọc thấy trong nhóm có nhiều tin nhắn của những “nhà đầu tư” khác chia sẻ việc nhận được tiền lãi cao, giải ngân nhanh chóng và có thể rút tiền bất cứ lúc nào nên đã nhắn vào nhóm hỏi cách thức đầu tư.

Tin tưởng, chị H. làm theo hướng dẫn. Sau khi bà mở tài khoản thành công, một tài khoản Telegram khác nhắn tin hướng dẫn chị đầu tư vào một số mã tiền ảo nói là sẽ có lợi nhuận cao. Sau nhiều lần, chị H. khi nạp tổng cộng hơn 600 triệu nhưng khi cần tiền để rút thì thấy tài khoản bị khóa, nhóm Telegram đó cũng đã “bay màu”.

Dân văn phòng, Gen Z dùng Telegram: Mất trắng hơn 100 triệu khi định kiếm thêm... 5 triệu- Ảnh 2.

Sau khi phát hiện bị lừa số tiền "khủng", nhiều người không thể tìm lại tài khoản hay các đoạn chat trên ứng dụng (ảnh minh họa tạo bằng AI)

Không chỉ đầu tư tài chính, việc tham gia vào các CLB hẹn hò, kết nối muôn phương cũng là “cái bẫy” lừa đảo mà nhiều người gặp phải. Chị N. (Nghệ An) sau khi được thêm vào nhóm, chị được “bà mối online” giới thiệu cho một người đàn ông, đảm bảo phù hợp từ ngoại hình đến tính cách, hoàn cảnh gia đình.

Để đảm bảo sự riêng tư, người mai mối hướng dẫn chị N. chuyển sang ứng dụng Telegram để kết nối. Tại đây chị được tham gia trò “quay thưởng tình yêu”, với lời hứa nếu trúng thưởng sẽ được gặp người phù hợp và được hoàn lại phí sau buổi hẹn. Ban đầu, chị chỉ cần chuyển 1 triệu đồng, nhưng sau đó liên tục bị yêu cầu đóng thêm nhiều khoản như phí xác minh danh tính, hợp đồng kết nối, phí kích hoạt tài khoản…

Mỗi lần đóng tiền, mức phí lại tăng dần, kèm theo lời đe doạ rằng nếu không đóng tiếp, toàn bộ giao dịch trước sẽ bị huỷ. Tâm lý lo mất tiền, chị N. tiếp tục làm theo yêu cầu, đến khi đã chuyển hơn 86 triệu đồng thì lại được thông báo “hệ thống lỗi”, cần kích hoạt lại lần nữa.

Việc đóng tiền kéo dài, đến lần thứ ba vẫn được báo “chưa đủ điều kiện”. Bị dẫn dắt và ép buộc tâm lý, chị N. tiếp tục vay mượn để nộp tổng cộng hơn 764 triệu đồng. Cuối cùng, tài khoản Telegram của nhóm “hẹn hò” biến mất, fanpage cũng không còn dấu vết.

Có thể nói, sự dễ dàng, nhanh chóng và cảm giác an toàn khi sử dụng Telegram đã khiến nhiều người chủ quan. Gen Z thường có xu hướng tin vào công nghệ và các nền tảng “trendy”, trong khi dân văn phòng, đặc biệt những người vừa mất việc lại dễ bị hấp dẫn bởi lời mời gọi “thu nhập cao không cần chuyên môn”. Trong bối cảnh ai cũng mong muốn tìm lại cơ hội hoặc kiếm thêm thu nhập sau biến động kinh tế, sự cả tin vô tình trở thành điểm yếu chết người.

Telegram từng là “vùng an toàn” cho giới trẻ, nhưng với sự biến tướng ngày càng tinh vi của các chiêu trò lừa đảo, người dùng cần tỉnh táo và trang bị cho mình những kỹ năng sống còn trong kỷ nguyên số. Trong một thời đại mà công nghệ có thể là chìa khóa mở ra cơ hội, cũng chính nó có thể trở thành cánh cửa dẫn đến bẫy nợ.

Đó là 1 trong những lý do mới đây, Cục Viễn thông (Bộ Thông tin và Truyền thông) đã yêu cầu các nhà mạng phối hợp chặn hoạt động của các ứng dụng Telegram trên lãnh thổ Việt Nam. Theo thống kê từ cơ quan chức năng, hiện có tới 68% tổng số kênh và nhóm hoạt động trên Telegram tại Việt Nam bị xác định là chứa nội dung xấu độc hại.

(Tổng hợp)

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày