Dân suy sụp vì tiền gom góp cả đời nguy cơ mất trắng, điều gì đang xảy ra bên trong ngành ngân hàng Trung Quốc?

Thiên Di, Theo Nhịp Sống Kinh Tế 11:25 27/06/2022
Chia sẻ

Hàng trăm nghìn người gửi tiết kiệm tại các ngân hàng nông thông Trung Quốc đang hoang mang khi họ không thể rút khoản tiền cả đời dành dụm.

Peter đã gửi khoản khoảng 6 triệu USD tiền tiết kiệm cả đời vào 3 ngân hàng nhỏ ở tỉnh Hà Nam, Trung Quốc. Ông nói rằng ông đã không thể tiếp cận số tiền của mình kể từ tháng 4.

Doanh nhân 45 tuổi Peter (tên thật đã được thay đổi) đến từ thành phố Ôn Châu, miền đông Trung Quốc. Ông chỉ là một trong số hàng nghìn người đang đấu tranh để rút tiền tiết kiệm từ ít nhất 6 ngân hàng tại các tỉnh nông thôn miền trung Trung Quốc.

Peter nói với CNN Business: "Tôi sắp bị suy nhược thần kinh. Tôi không thể ngủ được".

Khi ông cố gắng truy cập tài khoản ngân hàng trực tuyến, một thông báo hiện lên trên trang chủ cho biết website đang được bảo trì và các dịch vụ sẽ không khả dụng trong một thời gian. Hai tháng sau, những dịch vụ đó vẫn chưa được khôi phục.

Rắc rối bắt đầu vào tháng 4, khi 4 ngân hàng ở Hà Nam đình chỉ hoạt động rút tiền mặt. Ở Trung Quốc, các ngân hàng địa phương chỉ được phép nhận tiền từ khách hàng sống trong khu vực. Nhưng các nhà chức trách cho biết rằng một "nền tảng thứ ba" đã được sử dụng để nhận tiền từ những người từ nơi khác. Ví dụ như trường hợp của Peter, quê của ông cách ngân hàng ở Hà Nam hơn 1.126km.

Cơ quan quản lý ngân hàng quốc gia cáo buộc một cổ đông lớn của 4 ngân hàng thu hút tiền của những người gửi tiết kiệm một cách bất hợp pháp.

Dân suy sụp vì tiền gom góp cả đời nguy cơ mất trắng, điều gì đang xảy ra bên trong ngành ngân hàng Trung Quốc? - Ảnh 1.

Uỷ ban quản lý Ngân hàng và Bảo hiểm Trung Quốc (CBIRC) nói với hãng Tân Hoa Xã rằng: "Henan New Fortune Group, một cổ đông của bốn ngân hàng, đã hút tiền của công chúng trái phép thông qua cấu kết nội bộ và bên ngoài, sử dụng các nền tảng của bên thứ ba và các nhà môi giới". Ủy ban cho biết thêm rằng cảnh sát đã mở một vụ án điều tra về vấn đề này.

Trong những năm gần đây, cuộc chạy đua giữa các ngân hàng nhỏ ở Trung Quốc trở nên thường xuyên hơn. Một số ngân hàng còn bị cáo buộc có hành vi sai trái hoặc tham nhũng về tài chính.

Các chuyên gia lo ngại rằng một vấn đề tài chính lớn hơn rất nhiều đang rình rập. Vấn đề đó liên quan đến sự suy sụp của lĩnh vực bất động sản và các khoản nợ xấu tăng cao vì đại dịch Covid-19.

Hiện chưa có ước tính chính thức về tổng số tiền người dân gửi mà không thể rút. Theo ước tính của tạp chí Sanlian Lifeweek vào tháng 4, 400.000 khách hàng trên khắp Trung Quốc đã không thể tiếp cận khoản tiền tiết kiệm của họ.

Mặc dù con số đó chỉ như muối bỏ bể trong hệ thống ngân hàng rộng lớn của Trung Quốc, khoảng 1/4 tổng tài sản ngành lại do 4.000 ngân hàng nhỏ nắm giữ. Những ngân hàng này thường không được quản lý chặt chẽ, dễ xảy ra tình trạng tham nhũng hơn và từ đó sẽ gây ra suy thoái kinh tế mạnh.

Frank Xie, giáo sư tại Đại học Nam Carolina Aiken, người nghiên cứu về kinh tế Trung Quốc, cho biết các vụ bê bối ngân hàng như quan chức biển thủ và ăn cắp tiền của người gửi rất đáng báo động. Những gì bị phanh phui có thể chỉ là phần nổi của một tảng băng chìm.

Ông nói: "Khi nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm lại, tình trạng khó khăn về tài chính ngày càng trầm trọng và việc các công ty Trung Quốc trả nợ trở nên phổ biến hơn, đặc biệt là trong lĩnh vực bất động sản. Hoạt động rút tiền ồ ạt sẽ còn diễn ra thường xuyên và ở quy mô lớn hơn".

Cuối tháng trước, hàng trăm người gửi tiền tiết kiệm đã đến Trịnh Châu, thủ phủ của Hà Nam để đòi lại tiền nhưng vô ích. Một cuộc biểu tình khác được lên kế hoạch trong tháng 6. Nhưng khi đến Trịnh Châu, tất cả đều sửng sốt khi mã sức khỏe của họ đang từ xanh chuyển sang đỏ. Tại Trung Quốc, những người có mã màu đỏ là người bị nhiễm Covid-19 hoặc bị coi là có nguy cơ lây nhiễm cao. Vì thế, họ phải tuân theo các biện pháp phòng chống dịch.

Dân suy sụp vì tiền gom góp cả đời nguy cơ mất trắng, điều gì đang xảy ra bên trong ngành ngân hàng Trung Quốc? - Ảnh 2.

Người gửi tiền biểu tình trước cửa chi nhánh của CBIRC tại Hà Nam để đòi lại tiền vì hệ thống bị đóng băng. Ảnh: CNN

Chuyện gì đang xảy ra tại Hà Nam, Trung Quốc

CBIRC cho rằng công ty đầu tư tư nhân Henan New Fortune Group là đối tượng có lỗi. Tuần trước, cảnh sát Hà Nam cho biết một nhóm tội phạm do người điều hành công ty dẫn đầu nghi đã sử dụng các ngân hàng địa phương để phạm tội nghiêm trọng.

Bốn ngân hàng tại Hà Nam cho biết họ sẽ thu thập thông tin khách hàng bị ảnh hưởng từ việc hệ thống giao dịch trực tuyến không hoạt động và không giải thích gì thêm.

Trong trường hợp ngân hàng gặp sự cố, người gửi tiền sẽ nhận được khoản tiền đảm bảo là 500.000 nhân dân tệ (gần 75.000 USD). Nhưng đối với một số người như ông Peter, số tiền đó chẳng thấm vào đâu. Nếu chính phủ điều tra và phát hiện ra rằng những giao dịch này là phi pháp, những người gửi tiền sẽ mất tất cả.

Ye, người chỉ tiết lộ họ, cho biết: "Tôi khá lo lắng về cách chính quyền xử lý tiền của chúng tôi". Ye là một công nhân 30 tuổi đến từ thành phố Đông Quan, tỉnh Quảng Đông, cách ngân hàng anh gửi tiền ở Hà Nam khoảng 1.500km.

Ye gửi tổng cộng 160.000 nhân dân tệ (24.000 USD). Anh cho biết rằng ngân hàng đã cam kết rằng các sản phẩm tiền gửi là hợp pháp và hách hàng sẽ được bảo vệ bởi chương trình bảo hiểm tiền gửi.

Hiện 4 ngân hàng là Yuzhou Xinminsheng, Shangcai Huimin, Zhecheng Huanghuai và New Oriental Country Bank of Kaifeng chưa lên tiếng về vấn đề này.

Hiệu ứng domino

Vào đầu năm 2021, Bắc Kinh đã cấm các ngân hàng bán các sản phẩm tiền gửi thông qua các nền tảng trực tuyến của bên thứ ba, vì lo ngại rằng việc mở rộng lĩnh vực fintech làm tăng rủi ro trong hệ thống tài chính lớn hơn. PBOC gọi những hoạt động như vậy là "hoạt động tài chính bất hợp pháp".

Vậy tại sao các ngân hàng địa phương ở Hà Nam dường như phớt lờ lệnh cấm và huy động tiền gửi từ những khách hàng xa xôi? CBIRC cho biết các nền tảng trực tuyến của bên thứ ba cho phép họ vượt qua hạn chế địa lý để mở rộng kinh doanh.

Tại Hà Nam, nhiều phương tiện truyền thông nhà nước đưa tin rằng các sản phẩm tiền gửi được bán thông qua các nền tảng liên kết hoặc thuộc sở hữu của những gã khổng lồ công nghệ như Baidu (BIDU) và JD.com. (JD).

Logan Wright, Giám đốc nghiên cứu thị trường Trung Quốc tại Rhodium Group, cho biết: "Vấn đề cốt lõi là hệ thống tài chính của Trung Quốc mở rộng quá nhanh so với quy mô của nền kinh tế trong thập kỷ trước".

Theo thống kê của chính phủ, kể từ năm 2008, lĩnh vực ngân hàng của Trung Quốc đã tăng gấp 6 lần về quy mô, với tổng tài sản đạt hơn 50 nghìn tỷ USD.

Các chuyên gia cho biết ngân hàng nhỏ phụ thuộc nhiều vào tiền gửi để cấp vốn hơn so với các ngân hàng lớn. Nhiều ngân hàng đưa ra mức lãi suất cao để thu hút tiền gửi ngân hàng.

Nhưng khi nền kinh tế tăng trưởng chậm lại, những người đi vay phải vật lộn để trả nợ. Các ngân hàng gặp khó khăn trong việc trả tiền lãi ngân hàng như đã đề nghị với người gửi tiết kiệm.

Các nhà đầu tư đang theo dõi sát sao cuộc điều tra của chính phủ về rút tiền ở các ngân hàng tại Hà Nam. Các nhà phân tích đánh giá hệ quả có thể tác động đến các ngân hàng khác.

Magnus từ Đại học Oxford cho biết: "Nền kinh tế chính là lý do then chốt giải thích vì sao các ngân hàng bị ảnh hưởng có thể gặp khó khăn. Các ngân hàng khác, thậm chí là những ngân hàng lớn, cũng có nguy cơ bị ảnh hưởng, do số phận của thị trường bất động sản và giá bất động sản đang ở mức cân bằng".

Nền kinh tế Trung Quốc đang gặp khó khăn trong khi đối phó với dịch bệnh. Nhiều thành phố bị phong tỏa hoàn toàn hoặc một phần kể từ tháng 3. Các nhà phân tích lo ngại rằng nền kinh tế sẽ suy giảm trong quý II.

Các chuyên gia chưa lo lắng đến một cuộc khủng hoảng tài chính, vì PBOC có khả năng đảm bảo cho các ngân hàng lớn. Nhưng sự bất mãn của người dân có thể là mối lo lớn đối với chính phủ.

Tham khảo: CNN

https://cafef.vn/dan-suy-sup-vi-tien-gom-gop-ca-doi-nguy-co-mat-trang-dieu-gi-dang-xay-ra-ben-trong-nganh-ngan-hang-trung-quoc-20220626110932623.chn
TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày