Theo thống kê, sau sáp nhập với Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu, TP HCM trở thành đô thị đầu tiên của Việt Nam có dân số đạt 14 triệu người.
TP Hà Nội xếp thứ hai với hơn 8,6 triệu dân. Đứng thứ ba là An Giang mới, sau khi hợp nhất với Kiên Giang, với khoảng 4,9 triệu người.
Mức sinh của 34 tỉnh, thành phố sau sáp nhập. Ảnh: Cục thống kê
Cùng với đó, dân số Hải Phòng tăng gấp đôi lên hơn 4,6 triệu người sau khi sáp nhập với Hải Dương, vượt Nghệ An để trở thành địa phương đông dân thứ tư cả nước. Đồng Nai xếp thứ năm với hơn 4,4 triệu người sau sáp nhập.
Theo nguồn số liệu công bố, tổng tỉ suất sinh (TFR) năm 2024 của 34 tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương sau sắp xếp có sự thay đổi về mức sinh thay thế. Từ 21 tỉnh, thành có mức sinh dưới mức thay thế (TFR dưới 2,1 con/phụ nữ), hiện chỉ còn 13/34 địa phương rơi vào nhóm này.
Năm tỉnh có mức sinh thấp nhất cả nước là TP HCM (1,43 con/phụ nữ), Tây Ninh (1,52), Cần Thơ (1,55), Cà Mau (1,58) và Vĩnh Long (1,60). Ngược lại, ba tỉnh có mức sinh cao nhất là Điện Biên (2,65), Tuyên Quang (2,55) và Lào Cai (2,5).
18 tỉnh có mức sinh từ mức thay thế đến dưới mức cao (TFR từ 2,1 đến dưới 2,5).
Trước khi sáp nhập, TP HCM vốn đã là địa phương có mức sinh thấp nhất (1,39 con/phụ nữ), trong khi Hà Giang cao nhất (2,69 con/phụ nữ), gần gấp đôi.
Sau sáp nhập, các tỉnh có mức sinh thấp tiếp tục nằm trong diện được khuyến khích và hỗ trợ nhằm duy trì mức sinh thay thế, tránh tình trạng già hóa dân số sớm.
Nhằm khuyến sinh ở địa phương có mức sinh thấp, nhiều chính sách hỗ trợ đã được triển khai. Trước đó, TP HCM đã lập danh sách hỗ trợ phụ nữ nếu sinh đủ 2 con trước 35 tuổi với chi phí 3 triệu đồng.
Phụ nữ mang thai và trẻ sơ sinh thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo, bảo trợ xã hội hoặc sống tại xã đảo sẽ được hỗ trợ tầm soát trước sinh và sơ sinh với tổng mức 2 triệu đồng, gồm 600.000 đồng cho tầm soát trước sinh, 400.000 đồng cho tầm soát sơ sinh và 1 triệu đồng hỗ trợ trực tiếp.
Theo thống kê, hiện 13 địa phương ghi nhận mức sinh thấp hơn mức thay thế. Ảnh minh hoạ
Theo Cục Dân số (Bộ Y tế), sau sáp nhập tỉnh, thành, một số địa phương ghi nhận thay đổi về mức sinh – chỉ tiêu quan trọng trong Chiến lược Dân số đến năm 2030, ảnh hưởng lớn đến phát triển kinh tế - xã hội.
Tháng 6 vừa qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua Pháp lệnh sửa đổi Điều 10 của Pháp lệnh Dân số, cho phép mỗi cá nhân, cặp vợ chồng tự quyết định thời điểm, số con và khoảng cách sinh, phù hợp với điều kiện sức khỏe, thu nhập và hoàn cảnh sống.