“Đàn ông mặc váy” từ Gucci: Lố bịch, kệch cỡm hay chỉ là bạn chưa hiểu mà thôi?

Nam Thanh, Theo Trí Thức Trẻ 15:51 17/01/2020
Chia sẻ

Tại sao đàn ông Gucci lại mặc váy? Là kỳ quặc, hay do bạn chỉ chưa đủ cân lượng để thấu hiểu ý đồ của Gucci? Tất cả được phân tích phần nào trong bài viết dưới đây.

Thời trang đang ngày càng trở nên điên rồi hơn, hay do bạn đơn giản chỉ không hiểu được nó? Trong những ngày gần đây, MXH Việt điên đảo với Gucci khi liên tiếp hãng gửi tới hai quả bom truyền thông mạng: Một là trào lưu viết tay nguệch ngoạc trên phông nền màu xanh (được mạng xã hội Việt hưởng ứng tới mức ký giả Georgia Coggan đã lấy luôn làm ví dụ trên chuyên trang Creativebloq), và hai là những set đồ nom lạc quẻ khủng khiếp cho nhóm mẫu nam trên sàn catwalk mùa Thu - Đông 2020.

Hai trong số những hình ảnh đang bị cư dân mạng Việt Nam bôi xóa nguệch ngoạc để mỉa mai trên MXH trong những ngày gần đây - lấy từ show FW2020 của Gucci.

MXH Việt liên tục dội bom với hình ảnh các chàng mẫu nam gầy gò, gân guốc mặc váy baby-doll của Gucci với nhiều câu nói (chừng như đã đợi nhiều năm) loanh quanh motif “Đàn ông mặc váy”. Cần phải đồng ý rằng, các set đồ này xấu tệ, thế nhưng nó có báo hiệu một bước xuống dốc thảm hại của Gucci sau quãng đường 5 năm gắn bó cùng giám đốc sáng tạo Alessandro Michele?

Câu trả lời là không. Và dưới đây là những lý do cho việc Gucci đang tự làm lố thương hiệu của chính mình trong những ngày vừa qua:

    1. “Quẩy như khi bạn mới lên 5”

Tagline được Gucci sử dụng cho chiến dịch FW 2020 là ‘Rave Like You Are Five' - ‘Quầy như khi bạn mới lên 5’. Điều này giải thích cho nét viết tay như trẻ con mẫu giáo của Gucci trên logo thương hiệu (và logo này chỉ ứng dụng cho mùa chứ không thay đổi trọn vẹn nhận diện thương hiệu của nhà mốt). Đúng với tinh thần ấy, Gucci đem đến khái niệm “Baby man” - những chàng trai nam tính bất chấp phục trang trẻ thơ đang khoác lên người, và áo len cắt ngắn, crop-top và thậm chí là váy đã được đưa vào BST.

Những điều này về cơ bản không xa lạ trong thời trang, nhưng vì đây là Gucci - thương hiệu đang phủ sóng toàn thế giới - thế nên người ta cảm thấy lạ lẫm. Sự lạ lẫm này chẳng khác gì việc người ta trố mắt ra nhìn giày khổng lồ và quần của bố từ Balenciaga vào giai đoạn 2016-2017 cả.

“Đàn ông mặc váy” từ Gucci: Lố bịch, kệch cỡm hay chỉ là bạn chưa hiểu mà thôi? - Ảnh 2.

Vào thời điểm Balenciaga đưa ra định nghĩa hình thể này, cả thế giới đã cười vào mặt họ. Nhìn xem, họ đang ở đâu sau 3 năm qua?

    2. Xóa bỏ định nghĩa “nam tính” thô cứng trong thời trang


Cần phải biết, Unisex đang là trào lưu mạnh mẽ trong làng thời trang thế giới nhờ vào sự hậu thuẫn của trào lưu street-wear. Bản thân các giám đốc sáng tạo thế hệ hai (trẻ tuổi hơn, ít truyền thống hơn) ở thời điểm hiện tại như Virgil Abloh (Off-white, Louis Vuitton), Demna Gvasalia (Vetements, Balenciaga) hay Daniel Lee (Bottega Veneta) đều chú trọng việc xóa bỏ lằn ranh thời trang nam nữ, nhưng là theo hướng đưa đồ nam tới cho đồ nữ hoặc cải tổ thông qua phụ kiện - thứ ít ảnh hưởng tới tổng thể hơn phục trang.

Gucci trong show FW2020 vẫn có những look phảng phất sự nam tính, thế nhưng để câu like, nhiều fanpage ở Việt Nam chỉ bóc lấy các set đồ kỳ cục để câu like.

Alessandro Michele thì khác. Ông ghét cay ghét đắng định nghĩa chuẩn mực về “tính nam” trong thời trang, và việc ‘anti-toxic masculinity’ (chối bỏ áp đặt nam tính) được Alessandro Michele ứng dụng vào thời trang bằng việc bắt đàn ông mặc đồ phụ nữ. Việc này vốn chưa phải không có thông lệ: Đã có nam giới mặc chân váy Givenchy (phải, Kanye West), đã có đàn ông mang giày Ballet (Dries Van Noten, 2015), vậy thì đàn ông mặc váy baby-doll hay áo len cắt dáng nữ giới sẽ không phải là gì quá xa lạ.

    3. Lý do quan trọng nhất: “Branding”

“Branding” - hay việc làm thương hiệu, nôm na là định nghĩa ra mã gien của thương hiệu. Việc tạo ra các set đồ dị như vậy không hoàn toàn nhắm tới mục đích kinh doanh (dẫu cho vẫn sẽ có kha khá các chị em đổ xô đi mua váy Gucci sau khi xem show thời trang nam của hãng). Alessandro Michele đã viết tâm thư cho bộ sưu tập, đồng thời ý đồ đem tới khái niệm thời trang mới này của ông cần có một câu khẳng định đanh thép - rõ ràng nhất có thể: và còn gì chuẩn xác hơn việc đem lên sàn catwalk những người “đàn ông mặc váy” - theo cái cách không mỉa mai như miệng lưỡi MXH Việt?

“Đàn ông mặc váy” từ Gucci: Lố bịch, kệch cỡm hay chỉ là bạn chưa hiểu mà thôi? - Ảnh 4.

… liệu váy cho đàn ông có kỳ quặc bằng những set đồ dưới đây?

“Đàn ông mặc váy” từ Gucci: Lố bịch, kệch cỡm hay chỉ là bạn chưa hiểu mà thôi? - Ảnh 5.

Xin hãy phân biệt rõ ràng: Có những thứ thời trang không sử dụng để mặc ra đường. Các nhà mốt tạo ra chúng để khẳng định mã gien của thương hiệu là chính.

Cái đầu làm kinh doanh và nghệ thuật đan xen của Alessandro Michele là thứ đã vực Gucci dậy sau cơn khủng hoảng kéo dài non cả thập kỷ, hẳn nhiên ông biết thứ gì bán được, và thứ gì là không. Sau những đôi Gucci Rhyton giờ đây được phàm dân mang fake nhiều hơn thật, Michele biết giờ là lúc để cái tôi nghệ thuật của mình bộc lộ nhiều hơn nữa. Việc đưa những bộ đồ có phần kỳ cục này lên sàn diễn không phải là chưa có tiền lệ (nó chỉ không xuất hiện nhiều khi thời trang ứng dụng đường phố đang là xu hướng ở thời điểm hiện tại). Tại sao người mẫu của Rick Owens lại mang những bộ đồ để lộ vùng kín lên sàn diễn? Tại sao Thom Browne lại làm đồ trượt ván mang hình bộ suit? Và, tại sao Gucci lại làm váy cho đàn ông? Bạn đã cảm nhận được sự tương đồng?

“Đàn ông mặc váy” từ Gucci: Lố bịch, kệch cỡm hay chỉ là bạn chưa hiểu mà thôi? - Ảnh 6.
“Đàn ông mặc váy” từ Gucci: Lố bịch, kệch cỡm hay chỉ là bạn chưa hiểu mà thôi? - Ảnh 7.

Sẽ rất khó để người không ưa thích, tìm hiểu thời trang cảm nhận được ý đồ của người thiết kế ở các ví dụ kể trên. Ở Việt Nam, Gucci là những đôi giày thật giả lẫn lộn bị bức tử bởi việc mặc quần short hay skinny jeans đi kèm chunky Rhyton; Thom Browne bị mặc kèm với quần bò và hóa thành mấy cái sơ mi sọc xanh đỏ nhàu nhĩ; Rick Owens thì bị học sinh cấp Ba cho tới sinh viên Đại học cắn răng nhịn tiền để mua mang với áo phông quần lửng màu đen. Tình trạng này không hề cá biệt ở Việt Nam mà xảy ra trên toàn thế giới (nhất là ở Trung Quốc). Điều này khiến các nhà mốt buộc phải làm những thứ điên rồ để cân bằng lại, cũng như gìn giữ DNA đáng quý từ thương hiệu, mà việc bếch váy baby-doll lên sàn diễn của Gucci là một ví dụ.

Vậy, tại sao Gucci lại bị MXH Việt Nam phản ứng mạnh mẽ hơn so với các ví dụ kể trên? Đơn giản, vì ở Việt Nam thì đồ fake của Gucci được mặc nhiều hơn. Ra đồ kiểu này thì các dân chơi mặc theo thế nào được!

Tạm kết

Và dĩ nhiên, còn hằng sa số các lý do khác để Gucci chấp nhận để Alessandro Michele đem tới bước đi táo bạo này (mà viral là một ví dụ). Các nhà mốt lão làng hẳn nhiên có lý do để làm những điều khó tin, bạn hãy cứ tranh thủ cười khi không hiểu! Bởi, một khi đã hiểu, nụ cười khinh khi ấy sẽ lại dành cho chính bạn, nhưng là vào ngày hôm trước.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày