Vài tờ tiền lẻ mệnh giá dưới 10k, tưởng là chẳng đáng bao nhiêu, chẳng thấm vào đâu nhưng nếu chịu tích góp lâu dài, cảm giác đúng kiểu "tự nhiên có mấy chục triệu rơi vào đầu", thích mê!
Tích tiểu thành đại chính là đây chứ không đâu xa.
Mới đây, trong một cộng đồng chia sẻ kinh nghiệm tiết kiệm, quản lý tài chính cá nhân, một người dùng ẩn danh đã kể câu chuyện tiết kiệm tiền lẻ của mình.
Trong phần bình luận của bài đăng, nhiều người cũng cho biết họ cũng có thói quen tương tự và khá bất ngờ với tổng số tiền lẻ bản thân đã tích góp được.
Chia sẻ về thói quen tiết kiệm tiền lẻ, Thu Minh (28 tuổi) - Một cô gái hiện đang sống và làm việc ở Hà Nội cho biết cô thường xuyên đi chợ, đi siêu thị và thanh toán bằng tiền mặt, nên bản thân chẳng có gì ngoài… tiền lẻ. Điều đáng nói chính là Thu Minh không bao giờ nhớ được số tiền lẻ mình đang có vì… lười đếm.
"Năm 2022, có lần mình chuyển nhà, dọn quần áo xong mới phát hiện ra gần như túi áo, túi quần nào cũng có vài đồng tiền lẻ, ít thì 1-2k, nhiều thì 15-20k. Xong mình mới nảy ra suy nghĩ đút lợn tiền lẻ, cứ có tiền lẻ trong ví mệnh giá từ 10k trở xuống là mình đút lợn, vì nếu không cũng để linh tinh mà quên mất.
Mình áp dụng việc đút lợn tiền lẻ từ khoảng tháng 9/2022, đến tháng 12/2023 đập con heo ra cũng được gần 5,5 triệu đấy. Vui phết" - Thu Minh kể.
Nếu chưa duy trì được thói quen tiết kiệm, ngoài cách tiết kiệm tiền lẻ, bạn có thể tham khảo 2 gợi ý dưới đây để giảm áp lực tài chính cho bản thân.
1 - Tỷ lệ tiết kiệm bằng số tuổi
Nếu bạn luôn bị ám ảnh bởi việc mỗi năm mình lại già thêm 1 tuổi nhưng chẳng có gì tiến bộ, vậy thì hãy thử thay đổi cục diện bằng cách duy trì tỷ lệ tiết kiệm bằng với số tuổi xem sao.
Giả sử năm nay bạn 24 tuổi, mỗi tháng tiết kiệm 24% thu nhập. Sang năm, tăng thêm 1 tuổi, tỷ lệ tiết kiệm cũng nhích lên 1%. Đơn giản và dễ hiểu thế thôi.
Việc để tỷ lệ tiết kiệm bằng số tuổi không chỉ giúp bạn hình thành thói quen tiết kiệm, mà còn cho bạn động lực kiếm tiền nữa đấy.
2 - Tiết kiệm trước tiền tiêu Tết
Đây chính là bí quyết giúp cô bạn Thu Minh giảm bớt áp lực tài chính mỗi dịp Tết đến xuân về. Chuẩn bị trước tiền tiêu Tết là thói quen đã được Thu Minh duy trì 3 năm nay.
"Thường thì khoản tiền tiêu Tết này của mình sẽ không có gì thay đổi mấy, năm nào cũng tiêu chừng đó thôi nên cũng dễ tính toán để tiết kiệm. Mình cứ lấy số tổng chia cho 12 tháng là biết ngay mỗi tháng mình phải dể dành bao nhiêu để cuối năm có một cái Tết ấm no, đủ đầy" - Thu Minh kể.
Chính nhờ thói quen này mà Tết Nguyên Đán vừa qua, dù công ty cắt giảm tới 60% tiền thưởng, Tết của Thu Minh vẫn không bị ảnh hưởng quá nhiều.
"Mình tiết kiệm trước tiền tiêu Tết vì thường thì phải tới tầm 28 Tết, công ty mình mới trả lương, thưởng. Lúc đó mới gửi tiền biếu để bố mẹ sắm Tết thì muộn quá, mình cần có 1 khoản tiền sẵn trong túi trước, rồi có lương thưởng thì mình "đập" vào.
Chứ lúc đặt mục tiêu tiết kiệm tiền tiêu Tết, mình cũng không nghĩ tới việc bản thân rơi vào cảnh đi làm cả năm mà đến cuối năm lương thưởng chẳng còn bao nhiêu. Đúng là trong cái rủi cũng có cái may" - Thu Minh bộc bạch.
Giờ đã là tháng 7 Âm lịch, đồng nghĩa với việc chỉ còn 5 tháng nữa là đến Tết. Nếu chưa chắc chắn về tình hình thưởng Tết năm nay, chuẩn bị trước tiền tiêu Tết từ bây giờ là vừa đẹp luôn đấy!