Dự án game Blockchain "cuộc chiến giữa các vị thần" của người Việt, sân chơi cho những họa sĩ trẻ?

Gia Minh, Theo Trí Thức Trẻ 00:05 16/11/2021

Công nghệ Blockchain mở ra nhiều cơ hội để cộng đồng game ghi nhận công sức từ những nhà sáng tạo nội dung.

Trong quá trình phát triển game, bên cạnh mảng kịch bản, code, âm thanh thì đồ họa là một trong những thành phần quan trọng. Theo trang web về tuyển dụng GlassDoor, mức lương của họa sĩ game dao động từ 60.000-80.000 USD/năm và nhu cầu tuyển dụng ngày càng cao.

Do đó, tiềm năng cho những nhà sáng tạo nghệ thuật trong game vẫn còn rất lớn. Với sự bùng nổ của thế giới NFT, các họa sĩ ngày nay càng dễ tiếp cận với số đông và họa sĩ game cũng không ngoại lệ.

Dự án game Blockchain cuộc chiến giữa các vị thần của người Việt, sân chơi cho những họa sĩ trẻ? - Ảnh 1.

Ngành game đang ở thời điểm vàng để thay đổi?

Vào tháng 11, tại hội nghị GamesBeat, các diễn giả đều đồng tình rằng trò chơi điện tử đang thay đổi rất mạnh mẽ nhờ công nghệ Blockchain. Do đó, cách tư duy mới của những nhà phát triển cũng góp phần thay đổi bộ mặt làng game thế giới.

"Chúng ta đang ở thời khắc rất quan trọng đối với ngành game và lịch sử của nó", Jason Brink, Chủ tịch Blockchain của Gala Games nhận xét.

Trong hàng chục năm qua, ngành game đã chuyển dịch từ những game ngoại tuyến (offline) đến các game trực tuyến (online), đa người chơi. Xu thế mới NFT có thể tiếp tục mang đến sự thay đổi căn bản, đó là trao quyền lựa chọn cũng như lợi nhuận cho cộng đồng, thay vì hoàn toàn phụ thuộc vào nhà phát triển cũng như những nhà đầu tư đứng sau.

"Tôi nghĩ rằng chỉ vài năm nữa thôi, chúng ta sẽ thấy những sự chuyển dịch rất lớn theo hướng này. Toàn bộ ngành game đang thức tỉnh và nhận ra sự hấp dẫn", ông Brink bày tỏ.

Công nghệ Blockchain chính là chất xúc tác giúp chuyển đổi quyền lực sang người chơi, cộng đồng. Blockchain giúp mọi thứ đều minh bạch, và đây chính là nền tảng để NFT (token không thể thay thế) ra đời.

Giống như những vật phẩm ngoài đời thực, NFT là thứ tài sản số duy nhất, mang tính đại diện cho người sở hữu. Tính duy nhất là lý do NFT trở thành cơn sốt trong thị trường tài sản số từ đầu năm 2021. Theo số liệu từ DappRadar, doanh thu thị trường NFT đạt 1,2 tỷ USD vào quý 1/2021, nhưng đã nhanh chóng tăng lên đến 10,7 tỷ USD trong quý 3 vừa qua.

Sân chơi cho những họa sĩ trẻ?

Sự lớn mạnh của thị trường NFT cũng kéo theo nhu cầu rất lớn cho giới họa sĩ. Công nghệ giúp giá trị của tác phẩm được ghi nhận, việc giao dịch thực hiện nhanh chóng, và các họa sĩ cũng có thể thỏa sức tạo ra những sản phẩm mới.

"Game trên nền tảng blockchain là một sự đột phá. Chúng tôi chưa bao giờ thấy nhu cầu họa sĩ và các tác phẩm lớn như vậy", James Zhang, CEO của Concept Art House chia sẻ.

Dự án game Blockchain cuộc chiến giữa các vị thần của người Việt, sân chơi cho những họa sĩ trẻ? - Ảnh 2.

Cơn sốt NFT cũng cho thấy thị trường thực sự đón nhận những nội dung, hình ảnh chất lượng. Tại Việt Nam, nhiều họa sĩ đã bán và kiếm số tiền lớn trên thị trường NFT. Những con số biết nói cho thấy cơ hội cho những nền tảng game có thể thu hút họa sĩ, người đóng góp nội dung.

Đó chính là ý tưởng phía sau cơ chế Create-to-Earn (sáng tạo để kiếm tiền) của Mytheria, do đội ngũ người Việt sáng lập. Create-to-Earn trao cho những họa sĩ công cụ sáng tạo, cơ chế này khuyến khích cộng đồng đóng góp nội dung cho game và kiếm tiền từ đó.

Dự án game Blockchain cuộc chiến giữa các vị thần của người Việt, sân chơi cho những họa sĩ trẻ? - Ảnh 3.

Do đó, Mytheria xây dựng riêng chế độ để họa sĩ sáng tạo, có tên God Forge. Đây là một trong những tính năng mà nhà phát triển tự hào khi hỗ trợ họa sĩ 2D và 3D, animator, VFX... tham gia vào quá trình sáng tạo để tạo ra các thẻ bài các nhân vật mới lạ, cuốn hút người chơi.

Lê Mạnh Cương, người sáng lập Mytheria khẳng định rằng, tính năng God Forge sẽ góp phần làm cho game trở thành môi trường vừa có tính giải trí lành mạnh lại đầy tính sáng tạo.

"Các họa sĩ có thể phóng tác, xây dựng cho mình hình ảnh những vị thần mới hoàn toàn theo trí tưởng tượng của bản thân. Khi được cộng đồng đón nhận thì các họa sĩ đều được hưởng quyền lợi từ việc trao đổi các sáng tạo này như một chiến lợi phẩm độc quyền", anh Cương chia sẻ.

Sau nhiều năm làm việc trong lĩnh vực đồ họa, họa sĩ Cương hiểu rõ khó khăn của những đồng nghiệp, cũng như cơ hội mà thế giới NFT mang lại. Đó là lý do anh tập trung phát triển chế độ God Forge ngay từ khi thai nghén game Mytheria, để cộng đồng họa sĩ có thể cùng đóng góp cho game.

Dự án game Blockchain cuộc chiến giữa các vị thần của người Việt, sân chơi cho những họa sĩ trẻ? - Ảnh 4.

"Đó là lý do vì sao trong Clash of Pantheons, chúng tôi mở ra một tính năng tên God Forge giúp các bạn họa sĩ 2D lẫn 3D hay animator đến VFX cùng tham gia vào quá trình xây dựng, củng cố thế giới Mytheria bằng cách sáng tạo nên các sản phẩm hình ảnh mới như khung hình, âm thanh, các phụ kiện trang trí…

Những thứ này sẽ giúp người chơi và các nhà đầu tư có thể sưu tầm, làm gia tăng sức mạnh hoặc tính khác biệt cho mình. Chỉ cần sản phẩm thiết kế được lựa chọn đưa vào game thì các họa sĩ sẽ hưởng quyền lợi từ sản phẩm sáng tạo của mình", họa sĩ Cương cho biết.

Mặt khác, Mytheria là dự án game Blockchain, với chủ đề là cuộc chiến giữa các vị thần trên toàn thế giới. Họa sĩ Lê Mạnh Cương cùng Đội ngũ KEIG studio đã nhắm đến việc khai thác những yếu tố chưa được biết đến trong các thần thoại nhằm tạo ra vũ trụ thần thoại vô cùng độc đáo và là nơi mà các vị thần, á thần của Hy Lạp, Norse, Ai Cập, Trung Quốc và Việt Nam xuất hiện cùng nhau, chiến đấu vì danh dự và vinh quang.

Dự án game Blockchain cuộc chiến giữa các vị thần của người Việt, sân chơi cho những họa sĩ trẻ? - Ảnh 5.

Trước Mytheria, Thần Tích cũng là dự án crowdfunding (gây quỹ) của họa sĩ Cương và đã phá kỷ lục của nền tảng Comicola với số tiền gần 452 triệu đồng. Dự án Thần Tích chính là phiên bản boardgame của Mytheria, với chủ đề xoay quanh các câu chuyện cổ tích thần thoại Việt Nam. Do đó, câu chuyện xảy ra trong Thần Tích sẽ song song cùng với thế giới Mytheria.

Ảnh: Internet